(Xây dựng) - Từ thực tế của một tỉnh miền núi, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội là một trong những trọng tâm luôn được tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm, ưu tiên nguồn lực.
Hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, nhất là địa bàn vùng cao có những bước đột phá đáng kể. |
Tuy nhiên, việc xây dựng kết cấu hạ tầng cần nhiều vốn. Chính vì vậy, công tác huy động vốn là hết sức quan trọng, Yên Bái đã làm tốt công tác phối hợp, hoàn chỉnh cơ chế thu hút các nguồn lực đầu tư, tăng cường chính sách xã hội hóa xây dựng giao thông, thiết chế văn hóa ở cơ sở. Trong đó, hạ tầng giao thông, đô thị và hạ tầng kết nối với các khu công nghiệp được quan tâm đầu tư nhằm tăng cường khả năng vận hành và khai thác của toàn hệ thống. Riêng giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đã huy động nguồn lực trên 50.000 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng. Ưu tiên bố trí hơn 6.000 tỷ đồng đầu tư cho vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư cơ sở vật chất giáo dục, trạm y tế, nước hợp vệ sinh.
Theo đó, hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là địa bàn vùng cao có những bước đột phá đáng kể. Giao thông nông thôn đã kiên cố hóa được trên 700km mặt đường bê tông, mở mới nền đường trên 1.180km. Đến nay, 100% số xã vùng cao đã có đường ôtô đến trung tâm xã; điện nông thôn được đầu tư nâng cấp và mở rộng; 100% số xã có lưới điện quốc gia, tỷ lệ hộ sử dụng thường xuyên an toàn từ các nguồn điện chiếm khoảng 97%; trên 70% phòng học được xây dựng kiên cố, bán kiên cố. 100% số xã có trạm xá và điểm phục vụ bưu chính; hệ thống cung cấp nước và vệ sinh môi trường được quan tâm và đã đầu tư xây mới, nâng cấp trên 19 công trình nước sạch tập trung với gần 90% đồng bào được sử dụng nước hợp vệ sinh; xây dựng trên 75 điểm thu gom, xử lý rác thải và hàng nghìn nhà tiêu hợp vệ sinh, góp phần tích cực nâng cao được đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.
Diện mạo các địa phương trong tỉnh có nhiều sự thay đổi rõ rệt, cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện; hạ tầng thông tin, viễn thông được đầu tư đồng bộ và 100% xã có trạm BTS cung cấp dịch vụ 3G, 4G; 100% các xã và 80% thôn, bản có cáp quang băng thông rộng cung cấp dịch vụ Internet.
Nguồn lực chương trình xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi gắn với giám sát chặt chẽ việc thực hiện dự án quy hoạch công trình thủy lợi; lựa chọn danh mục dự án đầu tư ưu tiên đến năm 2020 trong quy hoạch thủy lợi phù hợp với kế hoạch hành động thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi. Theo đó, tỉnh đã bố trí trên 58.616 triệu đồng để xây mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, đảm bảo vận hành cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa.
Hiện, tỉnh có trên 3.240 công trình thủy lợi; trong đó, có 160 hồ chứa, 22 trạm bơm và trong số 3.066 đập dâng, có 1.055 đập dâng được kiên cố, đưa tổng diện tích lúa được tưới bằng công trình thủy lợi lên 36.559ha, chiếm 87% diện tích cấy 2 vụ. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, đã đưa kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh tiếp tục có bước đổi thay tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; phong tục, tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ, bản sắc văn hóa tốt đẹp được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng GRDP bình quân của tỉnh đạt 6,64%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 42 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại 2 huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải bình quân giảm trên 7,8%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết; năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo tại 2 huyện phấn đấu còn dưới 37%. Hết tháng 9/2020, tỉnh có 150 xã, sau khi sáp nhập số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là 67 xã, chiếm 44,67%.
Có thể khẳng định, hiệu quả từ phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho đồng bào vùng cao đã và đang làm thay đổi diện mạo nông thôn mới ở các xã, thôn, bản vùng cao, đặc biệt từng bước làm thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Từ đó, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao mức sống cũng như thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
Thái Hà – Hải Yến
Theo