Thứ bảy 18/05/2024 17:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Yên Bái: Cần cơ chế mới cho việc xuất khẩu sản phẩm từ quế

20:11 | 18/03/2024

(Xây dựng) - Cây quế vốn là một loại cây đã gắn bó nhiều năm qua đối với người dân tộc Dao vùng rừng núi tỉnh Yên Bái. Xong nó chỉ phát triển nhiều ở hai huyện Văn Yên vì khí hậu, thổ nhưỡng ở hai huyện này phù hợp với đặc tính của cây quế. Tuy nhiên, để trồng và thu hoạch sản phẩm từ quế, người nông dân phải vất vả từ 15 đến 20 năm trở lên. Như vậy, gắn liền với sự trưởng thành của cây quế là bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của người nông dân miền sơn cước phải đổ xuống. Sản phẩm thu được từ cây quế chính là vỏ, khi cây đến thời kỳ khai thác được, người ta phải chặt hạ cây quế xuống, dùng dụng cụ để bóc vỏ phơi khô đem bán còn thân cây thì làm củi đốt.

Yên Bái: Cần cơ chế mới cho việc xuất khẩu sản phẩm từ quế
Yên Bái: Cần cơ chế mới cho việc xuất khẩu sản phẩm từ quế
Thu hoạch sản phẩm từ cây quế trưởng thành 20 năm tuổi.

Thực hiện công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trong đó có một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Yên Bái đó là phủ xanh đất trống đồi núi trọc, trồng cây gây rừng, giữ gìn môi trường sinh thái, giảm mức độ biến đổi khí hậu, tạo công ăn việc làm và thu nhập của người nông dân, nhất là nông dân thuộc vùng dân tộc ít người, cây quế được xác định trong kế hoạch phát triển rừng kinh tế cùng với các loại cây khác giúp người nông dân có công ăn việc làm, thu nhập từng bước vươn lên.

Trên cơ sở Nghị quyết của cấp ủy chính quyền địa phương, những năm gần đây, người nông dân Yên Bái đã trồng gần 100.000ha quế cùng với các loại cây khác như keo, bạch đàn. Đi đến đâu, người ta cũng thấy một màu xanh bạt ngàn, đồi rừng Yên Bái tạo nên một bức tranh xinh đẹp, hiền hòa, thân thiện…

Yên Bái: Cần cơ chế mới cho việc xuất khẩu sản phẩm từ quế
Nhà máy chế biến tinh dầu quế đóng cửa vì không bán được sản phẩm.

Nói về chu trình trồng và thu hoạch sản phẩm từ cây quế, những năm trước đây, vốn dĩ sản phẩm thu được chính là vỏ. Từ 15 năm trở lên, vỏ cây quế chứa đựng một lượng tinh dầu, người ta bóc vỏ đem phơi khô để bán hoặc sử dụng nó để chưng cất tinh dầu. Loại tinh dầu được chiết suất từ vỏ cây quế đã đến tuổi trưởng thành là một loại tinh dầu có giá trị trong sản xuất hàng hóa nhất là thuốc, mỹ phẩm, đồ ăn, nước giải khát…

Những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường tiêu dùng, vận dụng những sáng chế trong quá trình sản xuất, người dân đã biết tận dụng những cành lá phát tỉa thưa theo chu kỳ sinh trưởng của cây quế. Sau 2 năm trưởng thành, cây quế sẽ phải tỉa thưa đảm bảo mật độ để cây phát triển.

Cứ thế hằng năm vào tháng ba, tháng tám của các năm tiếp theo, cây phải được chặt tỉa cành nhằm tập trung dinh dưỡng để phát triển phần thân cây theo chiều cao, phần vỏ cây quế thu được khi đến kỳ thu hoạch sẽ dày và nhiều tinh dầu. Chính việc tỉa thưa cành lá quế này, người nông dân đã tận thu bán cho các doanh nghiệp chế biến trưng cất tinh dầu, tạo nên một nguồn thu nhập đều, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, nguồn tinh dầu được chế biến từ cành lá quế là loại tinh dầu thô nhiều tạp chất, hàm lượng thấp nhất, thị trường tiêu thụ chủ yếu là thương lái Trung Quốc sử dụng vào chế biến đồ ăn như bún, phở, kẹo và nước giải khát để tiêu thụ cho những vùng có khí hậu giá rét…

Mặc dù, chất lượng tinh dầu thu được từ nguồn nguyên liệu cành lá quế tận dụng không cao nhưng do thương lái phía Trung Quốc chấp nhận tiêu thụ được nên hàng năm người nông dân trồng quế vẫn có một khoản thu nhập lên tới vài trăm tỷ đồng. Đó là một khoản thu không nhỏ đối với đời sống của người nông dân vùng núi rừng Tây Bắc. Bởi nguồn thu đó giúp họ cải thiện cuộc sống thường nhật và là cơ sở để phát triển rừng quế một cách lâu dài góp phần phát triển rừng và giữ gìn môi trường sinh thái.

Thế nhưng “đang vui thì đứt dây đàn”, từ cuối năm 2022 đến suốt cả năm 2023, thương lái Trung Quốc không mua loại tinh dầu này nữa, giá lá quế tận thu đang từ 2.500 đồng/kg tụt xuống chỉ còn 1.500đồng/kg. Chỉ sau 1 tháng lá quế không tiêu thụ được vì các nhà máy chế biến đóng cửa ngừng sản xuất, công nhân nghỉ việc dẫn đến thua lỗ nặng nề. Nhưng mất mát lớn nhất vẫn là người nông dân trồng quế, gần 300.000 tấn lá quế tỉa thưa nằm mục nát tại các đồi quế, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào bởi lá quế là một loại lá có chứa chất tinh dầu nên rất dễ bắt lửa.

Yên Bái: Cần cơ chế mới cho việc xuất khẩu sản phẩm từ quế
Lá quế tận thu sau khi tỉa thưa bỏ mục nát vì không bán được.

Nếu chỉ tính trung bình giá 2.000 đồng/kg thì năm 2023 người dân trồng quế phải mất đi thu nhập khoảng 600 tỷ đồng. Đây là một thiệt hại không nhỏ đối với điều kiện sinh sống của người dân miền núi. Đi tìm nguyên nhân của sự việc tại sao thương lái Trung Quốc không mua tinh dầu quế dẫn đến những hệ lụy như đã nêu trên, chúng tôi đã đến các nhà máy, cơ sở chế biến tinh dầu quế thì đều nhận được một thông tin giống nhau.

Đó là Thông tư số 48/2018/TT/BYT ngày 28/12/2018 về mã khai báo hàng hóa 3301.29.10 (hiện nay thay đổi thành mã 3301.29.70) khi xuất khẩu tinh dầu quế phải thực hiện theo quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh dược liệu. Chính vì vậy, việc xuất khẩu tinh dầu quế sẽ phải chấp hành các thủ tục khác như nhà xưởng, nhân lực có chuyên môn…

Do không đáp ứng được các yêu cầu của Thông tư, thủ tục phức tạp, chi phí tăng nên các thương lái phía Trung Quốc dừng mua hàng. Để tránh mất mát, thiệt hại cho người nông dân trồng quế bởi ngoài việc làm ăn kinh tế họ đã góp phần quan trọng trong việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đảm bảo môi trường, chống biến đổi khí hậu… những người nông dân trồng quế, công nhân lao động trong các nhà máy chế biến tinh dầu quế khẩn thiết đề nghị Chính phủ, đề nghị các Bộ, ngành xem xét thực tiễn nơi sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm để kịp thời có cơ chế, chính sách phù hợp giúp người nông dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Sơn Lâm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load