Thứ sáu 08/11/2024 14:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Yên Bái: Các khu công nghiệp tạo động lực phát triển kinh tế

15:51 | 26/11/2020

(Xây dựng) - Xác định xây dựng, phát triển các KCN là động lực giúp các ngành kinh tế khác đi lên, đóng góp tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương, thời gian qua, Yên Bái đã có nhiều hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư vào các KCN. Nhờ đó, ngày càng có nhiều DN đầu tư trong và ngoài nước tin tưởng tìm đến với các KCN trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

yen bai cac khu cong nghiep tao dong luc phat trien kinh te

Nằm ở vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, Yên Bái là một tỉnh có vị trí địa lý kinh tế quan trọng, là trung tâm của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, giáp các tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu và Lào Cai. Với hệ thống giao thông đa dạng và thuận tiện, tỉnh Yên Bái có tuyến đường sắt xuyên Á Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh (Trung Quốc) chạy qua địa bàn với tổng chiều dài 83 km. 2 tuyến đường thủy chính là tuyến sông Hồng và tuyến hồ Thác Bà. Tuyến đường thuỷ sông Hồng từ TP Yên Bái xuôi về Hà Nội rồi đi tiếp đến cảng Hải Phòng. Tuyến ngược cập bến cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Yên Bái có 4 tuyến quốc lộ được đầu tư xây dựng đồng bộ, đảm bảo giao thông thông suốt. Đặc biệt tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua địa phận tỉnh Yên Bái được đưa vào khai thác sử dụng đã rút ngắn thời gian, giảm chi phí từ Yên Bái tới các vùng kinh tế trọng điểm của Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng cũng như các vùng kinh tế phụ cận khác, đồng thời thuận lợi giao lưu kinh tế quốc tế với các tỉnh phía Tây Nam của Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN (thông qua cảng Hải Phòng và cửa khẩu quốc tế Lào Cai). Đây là tuyến đường quan trọng để tỉnh Yên Bái phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, thúc đẩy giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận.

Đến nay, Yên Bái có 3 KCN được đưa vào quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2020 bao gồm: KCN phía Nam với tổng diện tích đất quy hoạch 400 ha; KCN Minh Quân với tổng diện tích đất quy hoạch 112 ha; KCN Âu Lâu với tổng diện tích đất quy hoạch 120 ha.

Các KCN đã thu hút được 61 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 11.680 tỷ đồng, tổng diện tích đất đăng ký 340 ha. Trong đó, có 56 dự án đầu tư trong nước và 5 dự án FDI, đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình là 47,67% và hiện đã có 31 dự án hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động sản xuất ổn định.

Từ năm 2016 đến tháng 6/2020, tổng giá trị sản xuất của các DN tại các KCN đạt 9.947 tỷ đồng; doanh thu trên 12.200 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu gần 103 triệu USD; thu nộp ngân sách trên 411 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 4.000 lao động với mức thu nhập trung bình 4 triệu đ/người/tháng; tỷ lệ lao động được tham gia đóng BHXH trên 80%.

Tuy nhiên, Yên Bái là tỉnh miền núi nên việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN là rất khó khăn; nguồn vốn ngân sách hàng năm đầu tư cho hạ tầng các KCN còn hạn chế. Do vậy, hầu hết hạ tầng của các KCN đều chưa được đầu tư đồng bộ, khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, tỉnh đã xây dựng phương án phát triển các KCN để tích hợp vào quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.Trong đó, chú trọng xây dựng các KCN mới bám sát đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng của tỉnh như: KCN Y Can - Minh Tiến thuộc huyện Trấn Yên; KCN Tân Hợp thuộc huyện Văn Yên; tăng cường tính liên kết ngành trong phát triển các KCN; hình thành các KCN liên kết ngành nhằm tăng lợi thế cạnh tranh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN; dần dần hình thành các ngành công nghiệp hỗ trợ, đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh.

Cùng đó, tỉnh ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với DN, nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng KCN theo hướng xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với các tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ cho KCN; gắn kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào KCN; đa dạng các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN; hỗ trợ tối đa việc thu hút các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh đầu tư hạ tầng các KCN.

Tỉnh xác định đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào các KCN, trong đó, ưu tiên đối với các ngành tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh, các ngành nghề có hàm lượng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, các ngành nghề xác định là mũi nhọn phát triển và có lợi thế của tỉnh với tiêu chí phải phù hợp với các quy hoạch chung và đặc thù của tỉnh; chú trọng vào các lĩnh vực có thể khai thác các thế mạnh của tỉnh, như các dự án chế biến nông - lâm sản; ngành sản xuất phụ trợ (linh, phụ kiện); sản xuất năng lượng từ nguyên liệu tái tạo (điện sinh khối); cơ khí, luyện kim (sản xuất thiết bị, khí cụ điện; sản xuất thép tấm, thép ống, ống kẽm, ống nhựa…).

Để tiếp tục giữ vững và phát huy tốt việc kêu gọi các nhà đầu tư vào KCN trong thời gian tới, Ban Quản lý các KCN tỉnh Yên Bái tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện công tác xúc tiến đầu tư. Trong đó, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt chú trọng cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông” với các sở, ban, ngành trong việc tiếp nhận dự án đầu tư vào các KCN. Chủ động rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thực hiện niêm yết công khai các thủ tục hành chính trong lĩnh vực liên quan và rút ngắn thời gian thực hiện trên thực tế. Đồng thời, Ban phối hợp thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, đất đai, nhân lực... đối với các DN vào đầu tư trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quy hoạch, hạn chế ảnh hưởng tới phát triển du lịch, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, ổn định trong tương lai theo đúng định hướng của tỉnh. Quan tâm thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn ngân sách và vốn xã hội hóa. Triển khai các chương trình, hoạt động thu hút đầu tư vào các KCN. Tạo điều kiện thuận lợi mở rộng thị trường, liên kết sản xuất, kinh doanh giữa các DN trong các KCN và kịp thời giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại và quan tâm giải quyết kịp thời, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các nhà đầu tư, DN; có giải pháp hiệu quả để khắc phục ngay tình trạng một số nhà đầu tư “giữ đất” trong khi kinh nghiệm, năng lực tài chính hạn chế hoặc chậm triển khai dự án; kiên quyết xử lý về mặt pháp lý đối với những dự án hết thời hạn đầu tư, không có năng lực đầu tư.

Trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Yên Bái sẽ tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng - kỹ thuật đồng bộ, thu hút được nhiều dự án công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Thái Hà

Theo

Cùng chuyên mục
  • Họp Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh Quảng Ngãi

    (Xây dựng) – Ban Chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi thực hiện các công trình trọng điểm tỉnh giai đoạn 2024 – 2025 (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức cuộc họp lần thứ 5 để nghe báo cáo tình hình triển khai, đồng thời chỉ đạo các chủ thể có liên quan tăng cường phối hợp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; nhất là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

  • Quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm

    (Xây dựng) - Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước 10 tháng năm 2024 của cả nước chỉ đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ trên 95%, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

  • Thái Bình: Dự kiến khởi công nhà máy nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng trong quý III/2025

    (Xây dựng) - Dự án Nhà máy nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Thái Bình với tổng công suất 1.500MW và vốn đầu tư gần 2 tỷ USD đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị cho kế hoạch khởi công vào năm sau. Nhà máy dự kiến cung cấp 10 tỷ kWh điện mỗi năm, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào ngân sách, tạo việc làm và thúc đẩy kinh tế địa phương.

  • Bình Định: Phát huy tối đa tiềm lực để thu hút đầu tư

    (Xây dựng) – Từ đầu năm 2024 tới nay, tỉnh Bình Định thu hút 51 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 9.979 tỷ đồng, trong đó có 49 dự án đầu tư trong nước và 02 dự án FDI. Riêng trong tháng 10, tỉnh thu hút được 10 dự án đầu tư, đây là những tín hiệu khởi sắc trong thu hút đầu tư của tỉnh trong những tháng cuối năm.

  • Quảng Ngãi: Tổng thu ngân sách Nhà nước 10 tháng của năm 2024 đạt hơn 23.600 tỷ đồng

    (Xây dựng) – Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi 10 tháng của năm 2024 đạt hơn 23.600 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước và bằng 92,5% dự toán năm.

  • Tạo hành lang pháp lý để phát triển thị trường điện cạnh tranh

    Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Luật Điện lực ban hành 20 năm và đã sửa đổi 4 lần, chỉ giải quyết được một số vấn đề thực tiễn đặt ra, nhưng đến nay, đòi hỏi phải xem xét để sửa đổi toàn diện.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load