Thứ sáu 08/11/2024 05:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

Xây mới và phục hồi có hiệu quả không gian xanh đô thị tại Thủ đô

16:07 | 17/08/2022

(Xây dựng) – Không gian xanh là yếu tố đóng vai trò rất quan trọng, được ví như lá phổi của đô thị. Yếu tố này góp phần làm cân bằng môi trường sống, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay. Thế nhưng công viên, vườn hoa vốn là không gian xanh cơ bản nhất lại đang chưa được quan tâm, chú trọng.

xay moi va phuc hoi co hieu qua khong gian xanh do thi tai thu do
Nhiều đoạn đường tại Công viên Thống Nhất đã có dấu hiệu sụt lún (ảnh: Vân Nhi - Dương Thùy).

Nơi xuống cấp, nơi bỏ hoang

Thủ đô Hà Nội là một trong những đô thị lớn của cả nước, là nơi tập trung đông đúc dân cư sinh sống và làm việc. Một thành phố lớn với mật độ dân cư cao như Hà Nội luôn cần có những mảng không gian xanh đô thị, vừa giảm ô nhiễm môi trường vừa nâng cao chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên, mật độ cây xanh ở Hà Nội còn quá thấp so với yêu cầu. Tại các quận trung tâm Thủ đô thì tỷ lệ cây xanh chỉ đạt khoảng 1m2/người.

Vườn hoa, công viên chính là những không gian xanh có sức hút, là địa điểm mở đặc biệt rất được người dân yêu thích. Thế nhưng theo quan sát, số lượng công viên, vườn hoa tại Hà Nội được xây dựng nhiều nhưng chất lượng lại chưa được đảm bảo. Nhiều công viên, vườn hoa đã có hiện tượng xuống cấp từ nhiều năm trở lại đây khiến người dân ngao ngán. Một số khu đô thị nhiều nhà cao tầng mọc lên nhưng công viên, vườn hoa lại chưa được chú trọng đầu tư dẫn đến thiếu sót về không gian xanh trong khu đô thị.

Công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, vườn Bách Thảo là ba công viên mức độ 1, có lịch sử tồn tại lâu đời nhất của Thủ đô. Những công viên này đều là điểm vui chơi và tổ chức các hoạt động ngoài trời quen thuộc của người dân Hà Nội. Theo thời gian, nhiều hạng mục như đường đi, vỉa hè đã có dấu hiệu sụt lún, bong tróc, dễ gây mất an toàn cho người dân. Ghế đá, nhà vệ sinh, khu vực trò chơi trong công viên đã hư hỏng, không thể sử dụng được.

Không chỉ có ba công viên lâu đời của Thủ đô, mà các công viên, vườn hoa có diện tích lớn, công viên hồ điều hòa ở từng quận, huyện như Công viên Việt Hưng, Công viên Bắc Linh Đàm… được xây dựng nhưng cũng không được quan tâm đúng mức, hạ tầng xuống cấp, hệ thống chiếu sáng hư hỏng; rác thải tràn lan, cỏ dại mọc um tùm, nước hồ điều hòa ô nhiễm gây mất mỹ quan đô thị và an toàn cho người dân. Không những vậy, nhiều người còn biến đất công viên, vườn hoa thành nơi trồng rau, câu cá, buôn bán hàng nước khiến nhiều người dân xung quanh không khỏi bất bình. Công viên, vườn hoa vì thế mà bị bỏ hoang, người dân không còn hứng thú.

xay moi va phuc hoi co hieu qua khong gian xanh do thi tai thu do
Một góc của Công viên Việt Hưng (quận Long Biên) đầy rác và cỏ mọc um tùm.

Chị Nguyễn Thị Hoa, sống tại khu vực quận Đống Đa cho biết, chị và gia đình thường dành thời gian cuối tuần cho các hoạt động vui chơi, tập thể dục. Tuy nhiên khi đến các công viên, vườn hoa hiện nay, chị Hoa không khỏi thất vọng.

“Các công viên, vườn hoa giờ hạng mục xuống cấp quá nên gia đình đều cảm thấy mất dần hứng thú. Sáng tập thể dục nếu không cẩn thận có thể bị vấp ngã lúc nào không hay. Tối thì công viên, vườn hoa đèn điện yếu, không dám vào vì tối, không an toàn. Công viên lớn thì quây rào, công viên nào có hồ thì lại có mùi hôi thối. Giờ người dân chúng tôi chỉ mong chính quyền quan tâm, phát triển công viên, vườn hoa theo hướng tốt hơn để dân có không gian để sinh hoạt văn hóa”, chị Hoa bày tỏ.

Xây mới, phục hồi không gian xanh cho người dân

Theo Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 60 công viên, vườn hoa lớn nhỏ, ngoại trừ Công viên nước Hồ Tây, các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố chủ yếu phục vụ công ích. Tuy nhiên, do được xây dựng từ lâu nên nhiều công viên, vườn hoa có kiến trúc, cảnh quan, hệ thống đèn chiếu sáng, thảm cỏ, đường đi, vỉa hè, hệ thống trò chơi cho trẻ em... đã trở nên lạc hậu, thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, các dịch vụ tiện ích trong công viên còn diễn ra tự phát, biến tướng. Nhiều công viên, vườn hoa trở thành bãi đỗ xe ôtô khiến không gian bị thu hẹp lại.

Trước tình hình trên, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 332/KH-UBND về cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, thành phố sẽ nâng cấp, cải tạo 45 công viên, vườn hoa hiện có; đồng thời, hoàn thành 6 công viên mới giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, thành phố sẽ tăng cường kêu gọi đầu tư mở các công viên còn lại thuộc danh mục xây dựng mới theo quy hoạch cây xanh.

Hiện nay, Thành phố đang nỗ lực đẩy mạnh triển khai kế hoạch này, chỉ đạo các quận, huyện và các đơn vị tổ chức nhanh chóng thực hiện kế hoạch, khắc phục tình trạng xuống cấp của các công viên, vườn hoa và đầu tư xây mới để nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô.

xay moi va phuc hoi co hieu qua khong gian xanh do thi tai thu do
Không gian xanh đô thị góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.

Về vấn đề này, các chuyên gia nhận định, công viên, vườn hoa tại Thủ đô phải được quan tâm, chú trọng nhiều hơn, tránh việc bị bỏ hoang khi xuống cấp, hư hỏng nặng. Đây chính là không gian để người dân được sinh hoạt văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần. Xây mới và phục hồi có hiệu quả những không gian xanh đang có dấu hiệu xuống cấp sẽ giảm bớt gánh nặng của quá trình đô thị hóa, bê tông hóa; trở thành điểm đến mát mẻ, nhiều cây xanh có bóng mát, không khí trong lành, có nhiều tiện ích để vui chơi, tập thể dục cho các gia đình vào cuối tuần và quan trọng nhất là không gây lãng phí tài nguyên.

Bên cạnh đó, với định hướng đưa các công viên đóng như Công viên Thống Nhất thành công viên mở của Thành phố Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, đây là việc làm hết sức cần thiết. Một công viên mở về không gian, không thu vé người dân, giảm bớt hàng rào, tường bao quanh vào công viên để mọi người dễ tiếp cận sẽ thu hút hơn là một công viên đóng. Đồng thời các chuyên gia lưu ý, mô hình quản lý công viên, vườn hoa cần được xây dựng tốt hơn. Việc cải tạo và vận hành phải được giám sát chặt chẽ, đảm bảo công viên, vườn hoa được duy tu sửa chữa thường xuyên.

Người dân cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ không gian xanh đô thị tại nơi mình sinh sống, không giẫm lên thảm cỏ, cây hoa; gìn giữ các công trình vui chơi, hiện vật, tác phẩm nghệ thuật nếu có; giữ công viên, vườn hoa xanh - sạch - đẹp, không xả rác thải... Có như vậy thì không gian xanh mới có thể phục hồi, hài hòa về tiện ích, đáp ứng được nhu cầu của người dân Thủ đô.

Yến Mai

Theo

Cùng chuyên mục
  • Ưu tiên đầu tư hạ tầng phát triển không gian đô thị Bắc Giang sau sáp nhập

    (Xây dựng) - Đây là phát biểu của Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn tại buổi làm việc mới đây giữa Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang và Ban Thường vụ huyện Yên Dũng liên quan đến việc sáp nhập huyện Yên Dũng về thành phố Bắc Giang và các nội dung khác.

  • Bộ Xây dựng tổ chức “Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2024”

    (Xây dựng) - “Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam” được tổ chức thường niên để thúc đẩy đối thoại, hợp tác và trao đổi kiến thức giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, các viện, cơ sở nghiên cứu giáo dục, đào tạo, các đối tác phát triển quốc tế và các tổ chức cá nhân quan tâm đến phát triển đô thị.

  • Hà Nội: Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây sẽ diễn ra vào ngày 10/11

    (Xây dựng) - Ngày 10/11 tới đây, tại Sân khấu chính phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây sẽ diễn ra Chương trình Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã (1924 - 2024) và 555 năm danh xưng Sơn Tây (1469 - 2024).

  • Cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị nhiều vấn đề về hạ tầng giao thông và đô thị

    (Xây dựng) – Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ô nhiễm môi trường, ngập úng tại các tuyến đường, hệ thống cống thoát nước chưa hiệu quả và nhiều vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông… là những ý kiến được cử tri tại nhiều địa phương gửi đến các đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương.

  • Bài 3: Để Nghị quyết tiếp tục đi vào cuộc sống

    (Xây dựng) - Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, thành phố Hải Phòng đã nỗ lực vượt khó, đạt nhiều chỉ tiêu mà Nghị quyết đề ra. Đối với chỉ tiêu gặp nhiều thách thức, thành phố Hải Phòng cần có các giải pháp đột phá, với quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra.

  • Ninh Bình: Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Phát Diệm – Nâng tầm đô thị vùng ven biển

    (Xây dựng) – Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình có tổng mức đầu tư trên 880 tỷ đồng đang dần tiến về đích. Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần nâng tầm đô thị vùng ven biển, cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm ổn định duy trì kinh tế, xã hội đô thị Phát Diệm trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động mạnh với điều kiện thời tiết cực đoan ngày càng trầm trọng cả về tần suất và mức độ.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load