(Xây dựng) - Huyện Thường Tín (Thành phố Hà Nội) được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Sau một thời gian xây dựng nông thôn mới, huyện đã và đang gặt hái được nhiều kết quả tích cực, nhất là thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Trên địa bàn huyện, nhiều vùng chuyên canh lúa, cây ăn quả, rau an toàn, thủy sản được hình thành.
Con đường nông thôn mới xã Hồng Vân, huyện Thường Tín. |
Xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí nâng cao
Ông Từ Ðức Mạnh - Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín cho biết: “Ðến nay, trên địa bàn huyện có 5 xã đạt nông thôn mới nâng cao và một xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Ðặc biệt, từ xây dựng nông thôn mới, nhận thức của cán bộ và nhân dân đã có sự thay đổi rõ rệt”.
Khi vai trò của người dân được xác định rõ ràng, điều đó đã khuyến khích, động viên nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Người dân ở nhiều xã đã tự chăm sóc những con đường rợp sắc hoa, góp phần hình thành và thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề giữ gìn, bảo vệ môi trường.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện. Đặc biệt, hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương, thủy lợi phục vụ sản xuất được ưu tiên đầu tư bảo đảm an toàn trong phòng chống lũ, tiêu thoát nước. Hệ thống đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn, đường làng, ngõ xóm đã được nhựa hóa và bê tông hóa 100%.
Huyện tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí nông thôn mới theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển kinh tế nông thôn; tích hợp tiêu chí xây dựng nông thôn mới với tiêu chí xây dựng và phát triển đô thị.
Tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp
Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, vùng hàng hóa tập trung tại xã Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên; vùng sản xuất rau an toàn tại xã Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng cây ăn quả tại xã Chương Dương, Tự Nhiên; vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến. Đến nay, toàn huyện có sáu mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình liên kết đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu.
Nghệ nhân sơn mài Nguyễn Thị Hồi - Làng nghề sơn mài Hạ Thái, huyện Thường Tín. |
Phong trào xây dựng nông thôn mới đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phát triển, tạo điều kiện cho nhân dân làm giàu, nổi bật là các Hợp tác xã rau sạch Thanh Bình xã Hòa Bình, Hợp tác xã hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân xã Hồng Vân, Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ Thanh Hà xã Ninh Sở với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động, thu nhập bình quân từ 4 đến 7 triệu đồng/tháng.
Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu Ðào Hồng Thái chia sẻ: “Ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã đã bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao. Xã cũng xác định, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của chương trình xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, trong những năm qua, xã đã đẩy mạnh xây dựng các đề án, dự án phát triển sản xuất; xây dựng các mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương.
Công tác đào tạo nghề tiếp tục được quan tâm, từng bước nâng cao tay nghề, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất; thường xuyên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện tốt quy hoạch theo vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên canh hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế”.
Ông Nguyễn Hữu Trung - Người dân xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín cho biết: “Trước đây, chưa thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giao thông đường nội đồng tuy được cứng hóa nhưng chưa nhiều. Do đó, người nông dân chúng tôi rất vất vả khi thu hoạch nông sản, nhất là khi trời mưa. Nay đường đã được cứng hóa tạo điều kiện cho nhân dân thúc đẩy phát triển sản xuất. Từ việc xây dựng nông thôn mới đã giúp người dân chúng tôi được hưởng lợi nhiều. Đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp hơn trước đây; hệ thống đường nội đồng, kênh mương cứng hóa giúp sản xuất nông nghiệp thuận lợi, thu năng suất cao hơn”.
Năm 2023, huyện Thường Tín đưa ra mục tiêu duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với huyện, xã nông thôn mới tiến tới xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu để bảo đảm chương trình này là quá trình thường xuyên, liên tục... Huyện cũng phấn đấu năm 2023 có chín xã đạt xã chuẩn nông thôn mới nâng cao, ba xã Văn Bình, Nhị Khê, Hà Hồi đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Đến năm 2024 có ít nhất 14 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 50% số xã trên địa bàn huyện, góp phần giúp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2024.
Từ những thành công mang tính nền tảng trong xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, Thường Tín tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với huyện nông thôn mới, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ - văn minh - hiện đại; phát triển du lịch làng nghề gắn với nền tảng văn hóa, lịch sử.
Nhận thức mới, giải pháp mới sẽ tạo ra động lực mới. Phát triển theo hướng xanh, bền vững, hướng tới xây dựng đô thị làng nghề và trở thành một quận của Thủ đô trong tương lai, Thường Tín sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập người dân. Huyện sẽ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, phát triển theo chuỗi giá trị; tập trung đầu tư cho công nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với mới trường…
Cùng với đó là xây dựng đồng bộ hạ tầng các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, tạo cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp, người dân làng nghề mở rộng sản xuất, tạo sinh kế, giảm áp lực di dân cơ học cho các quận nội thành; đồng thời giải quyết căn bản vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề. Đặc biệt, phát huy thế mạnh đầu mối giao thương, Thường Tín sẽ tích cực triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối Đông - Tây, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương với các địa phương khác, phấn đấu trở thành khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam thành phố.
Xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; kết nối cộng đồng làng nghề, bảo tồn văn hóa, thúc đẩy du lịch; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường… với những bước đi vững chắc, lộ trình cụ thể, giải pháp khoa học, phù hợp thực tiễn, Thường Tín sẽ xây dựng được nền kinh tế xanh trên nền tảng phát triển đô thị làng nghề theo tiêu chí quy chuẩn của các quận nội thành. Từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tạo thêm những giá trị mới cho đất khoa bảng, đất trăm nghề.
Lê Mỹ - Ảnh Tiến Hào
Theo