(Xây dựng) – Xây dựng thiết chế công đoàn và nhà ở xã hội cho công nhân là một nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết, nhưng vẫn phải đảm bảo không gây hại tới môi trường và phát triển bền vững.
Xây dựng thiết chế công đoàn và nhà ở xã hội cho công nhân là một nhiệm vụ rất quan trọng. |
Định hướng xanh – Bền vững là xu hướng tất yếu
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 3/2021, cả nước hiện có 392 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 119,9 nghìn ha. Và theo Bộ Xây dựng, số công nhân làm việc tại các KCN có nhu cầu nhà ở khoảng 4,2 triệu người, tương đương 33,6 triệu m2 sàn nhà ở.
Nhưng tính đến nay, cả nước mới hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội (NƠXH), quy mô xây dựng hơn 142.000 căn, tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2. Trong thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục triển khai 278 dự án với quy mô xây dựng khoảng 276.000 căn, tổng diện tích khoảng 13,8 triệu m2. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chưa có dự án NƠXH dành cho công nhân được hoàn thành bàn giao trong giai đoạn từ đầu năm 2021 đến nay.
So với thực tế, nguồn cung NƠXH còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về chỗ ở của công nhân tại các KCN. Đặc biệt, số lượng nhà ở hiện nay vẫn cách khá xa so với các mục tiêu trong Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 20/04/2020 của Thủ tướng Chính phủ, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 về việc phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX)”.
Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, cả nước phấn đấu triển khai 50 thiết chế công đoàn tại các KCN, KCX. Từ năm 2026 trở đi, toàn quốc phấn đấu tất cả các KCN, KCX đều có thiết chế công đoàn.
Đáng chú ý, khi ban hành những cơ chế để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ quan điểm, “không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội, không đánh đổi môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”. Nói cách khác, việc xây dựng nhà ở cho công nhân vẫn phải gắn liền với định hướng công trình xanh và phát triển bền vững.
Thực tế, trong những năm gần đây, việc phát triển các công trình xanh thân thiện với môi trường đã trở thành một xu hướng tất trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam, bao gồm cả việc xây dựng các thiết chế công đoàn. Việc xu hướng này ngày càng phát triển mạnh mẽ đang góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, giảm thiểu tác động đến môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Giải pháp phát triển xanh – Bền vững cho thiết chế công đoàn
Trong những năm tới, cả nước sẽ có thêm nhiều dự án nhiệt điện than được đưa vào hoạt động theo Quy hoạch Điện VII và các đề xuất trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII của Bộ Công Thương.
Việc xử lý hàng triệu tấn xỉ thải đang gây ô nhiễm môi trường là nhu cầu rất cần thiết để bảo vệ môi trường và cung cấp môi trường sống lành mạnh cho hàng triệu người lao động tại các KCN. Không những thế, việc xử lý tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng còn giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu chi phí xử lý phế thải, tiết kiệm nhiên liệu và đem lại hiệu quả kinh tế cho toàn xã hội.
Chia sẻ về giải pháp xử lý tro, xỉ thạch làm cấu kiện tiền chế cho các dự án thiết chế công đoàn, KTS Trần Vũ Minh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn GFS cho biết: Viện Công nghệ GFS, thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), đã nghiên cứu thành công việc sử dụng chất thải gây hại của nhà máy nhiệt điện là tro bay để thay thế cát mịn trong sản xuất một số sản phẩm như tấm panel tường, panel sàn (có 70% tro bay), các cấu kiện bê tông đúc sẵn, bê tông xanh (Geopolyme - không sử dụng xi măng và cát tự nhiên) để kè sông, biển, đảo…
Các sản phẩm này đều đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế (DIN EN 12602:2016) và Việt Nam, đủ điều kiện sử dụng để xây dựng nhà tiền chế tại các KCN, thiết chế công đoàn. Sản phẩm anel sàn, panel tường bê tông ACC của Viện Công nghệ GFS nghiên cứu và phối hợp với Công ty TNHH Sông Đà Cao Cường sản xuất có trọng lượng nhẹ (700 kg/m3), chịu tải cao (1.000kg/m2 cho nhịp vượt 4,8m), cách âm, cách nhiệt tốt, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường.
Đặc biệt, sản phẩm này có giá thành rẻ hơn khoảng 15-20% so với sản phẩm hiện đang sử dụng, và có thể giảm được 20% tổng chi phí xây dựng khi đạt sản lượng trên 200.000m2 sàn/năm. Sản phẩm có độ chính xác cao, phù hợp với các công trình xây dựng lắp ghép, giảm khoảng 30% tổng thời gian xây dựng, giảm chi phí xây dựng và hạn chế rác thải xây dựng so với phương pháp truyền thống.
Tro, xỉ từ các nhà máy điện hoàn toàn có thể được tận dụng để sản xuất cấu kiện tiền chế cho các dự án xây dựng. |
Dự kiến, Tập đoàn GFS sẽ đầu tư sản xuất hàng loạt sản phẩm tấm panel sàn, panel tường từ tro bay trong năm 2022 để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các KCN, các khu thiết chế công đoàn, hay các chung cư tại một số thành phố lớn.
Và để thúc đẩy giải pháp nêu trên, KTS Trần Vũ Minh có đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành những chính sách thiết thực và đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý tro, xỉ, sản xuất cấu kiện tiền chế; tạo cơ hội cho sản phẩm cấu kiện tiền chế, lắp ghép cạnh tranh bình đẳng so với phương pháp xây dựng truyền thống.
Dịch Phong (Ảnh: Internet)
Theo