(Xây dựng) - Đầu quý III/2023, Tổng công ty Thăng Long (Thăng Long) đã trúng 2 gói thầu xây dựng với tổng giá trị lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Thăng Long hé lộ dòng tiền thâm hụt và áp lực tài chính nặng nề.
Thăng Long là nhà thầu trúng các gói thầu trị giá hàng ngàn tỷ đồng trong thời gian qua (Ảnh nguồn: Internet). |
Trúng loạt gói thầu giá trị ngàn tỷ đồng
Thăng Long là một trong những ông lớn trong ngành Xây dựng. Thăng Long góp mặt trong nhiều dự án trọng điểm. Đầu quý III/2023, Thăng Long tiếp tục trúng nhiều gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Cụ thể, gần đây nhất, ngày 12/7/2023, Thăng Long đã trúng thầu gói thầu Gói thầu số 6.12: Thi công xây dựng và lập thiết kế bản vẽ thi công công trình Hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và tuyến số 2 của Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án “Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1” do Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) mời thầu Đấu thầu rộng rãi với vai trò liên danh chính của Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả. Giá dự toán gói thầu là 2.655.870.425.109 đồng.
Ngày 10/7/2023, Thăng Long đã trúng thầu gói thầu Gói XL3: Xây dựng Nút giao cuối tuyến thuộc phân đoạn Km90+472 – Km91+568 do Công ty TNHH Tư vấn Đấu thầu Trọng Tín mời thầu Đấu thầu rộng rãi với vai trò liên danh phụ của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Trung Thành. Giá dự toán là 431.562.350.000 đồng, giá trúng thầu là 431.321.055.000 đồng. Tỷ lệ tiết kiệm của gói thầu này là 0,06%.
Từ trước tới nay, Thăng Long đã tham gia 35 gói thầu, trong đó trúng 31 gói, trượt 3 gói, 1 chưa có kết quả. Tổng giá trị trúng thầu là 17.613 tỷ đồng. Trong đó 5.337 tỷ đồng là các gói chỉ định thầu. Tỷ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán là 92,63%.
Dòng tiền thâm hụt và áp lực tài chính
Không lâu sau khi trúng gói thầu trị giá ngàn tỷ đồng, Thăng Long hé lộ bức tranh tài chính với dòng tiền thâm hụt. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 của Thăng Long, trong kỳ, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 11 tỷ đồng, tương đương 3,7% xuống 296 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng tăng từ 834 tỷ đồng lên 1.018 tỷ đồng.
Doanh thu quý III sụt giảm nhưng do tiết kiệm được chi phí nguyên vật liệu nên Thăng Long ghi nhận Lợi nhuận gộp đạt 39,8 tỷ đồng dù cùng kỳ năm trước lỗ 7,7 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận sau thuế quý III/2023 của Thăng Long đạt 3,6 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với con số lỗ 136 triệu đồng của quý III/2022; lũy kế 9 tháng đầu năm lãi ròng tăng 8,2 tỷ đồng, tương đương 78,8% so với cùng kỳ năm trước lên 18,6 tỷ đồng.
Năm 2023, Thăng Long dự kiến đạt 1.624 tỷ đồng doanh thu và 7,86 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 9,6% so với năm 2022. Như vậy, sau 3 quý, công ty đã hoàn thành 62,7% mục tiêu doanh thu nhưng vượt mục tiêu lợi nhuận. Lãi tăng mạnh nhưng tỷ suất suất lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu vẫn chỉ là con số khiêm tốn: 3%.
Đáng chú ý, lợi nhuận tăng nhưng Thăng Long vẫn ghi nhận dòng tiền âm nặng. Tại ngày 30/9/2023, Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của công ty là âm 80,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số âm 22 tỷ đồng hồi cuối quý III/2022.
Dòng tiền của Thăng Long âm nặng khi cả lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư đều âm rất nặng, lần lượt là âm 208 tỷ đồng và âm 15,2 tỷ đồng.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính là dương 142 tỷ đồng nhưng không đủ bù đắp được cho hoạt động đầu tư và kinh doanh. Hoạt động này dương dòng tiền nhờ Tổng công ty tăng cường đi vay. Trong kỳ, ông lớn ngành Xây dựng thu 856 tỷ đồng từ đi vay. Cần phải nhấn mạnh, đa phần các khoản vay của công ty đều là ngắn hạn. Điều đó có nghĩa áp lực thanh toán nợ là tương đối lớn.
Cụ thể, tại ngày 30/9/2023, Thăng Long có 751 tỷ đồng Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, tăng so với 606 tỷ đồng hồi cuối năm 2022; đồng thời chỉ tiêu Vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm nhẹ từ 67,6 tỷ đồng xuống 66,8 tỷ đồng. Trong khi đó, Tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ 163 tỷ đồng xuống 82,1 tỷ đồng.
Nhi Nhi
Theo