Thứ năm 07/11/2024 17:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai: Khi những “quả bom” chực chờ nổ!

14:53 | 02/05/2024

(Xây dựng) - Vụ nổ lò hơi tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) hôm 1/5, làm 6 người tử vong cùng 5 người bị thương tiếp tục gióng hồi chuông về những quy định lao động, quy trình sản xuất và cả chất lượng thiết bị, công trình xây dựng.

Vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai: Khi những “quả bom” chực chờ nổ!
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai kiểm tra, chỉ đạo tại hiện trường vụ việc (Ảnh: CTV).

Tai nạn lao động nghiêm trọng

Ngày 2/5, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, địa phương đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về vụ tai nạn lao động nổ lò hơi đặc biệt nghiêm trọng khiến 6 người tử vong, 5 người bị thương tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh (gọi tắt là Công ty gỗ Bình Minh) đóng tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu.

Theo đó, Công ty gỗ Bình Minh do ông Feng Yong (quốc tịch Trung Quốc) làm giám đốc, hoạt động trong lĩnh vực gia công, chế biến đồ gỗ gia đình. Công ty có khoảng 200 lao động, thời điểm xảy ra vụ nổ có 42 công nhân đang làm việc.

Vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai: Khi những “quả bom” chực chờ nổ!
Vị trí nhà xưởng nơi đặt lò hơi xảy ra vụ nổ bị xé toác (Ảnh: CTV).

Để phục vụ sản xuất, công ty lắp đặt một nồi hơi dạng ống nước, công suất sinh hơi 1.000 kg/giờ ở bên ngoài, cạnh vách tôn xưởng bán thành phẩm. Trước đó, trong quá trình sản xuất, Công ty phát hiện có trục trặc về mặt kỹ thuật và đã liên hệ với đơn vị cung cấp thiết bị đến để kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa vào ngày 30/4.

Đến ngày 1/5, cán bộ kỹ thuật của công ty vào kiểm tra, vận hành thì nồi hơi phát nổ làm 6 người tử vong và 5 người bị thương. Nhà xưởng bị hư hỏng nặng nhiều hàng mục.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan chức năng đã trực tiếp đến kiểm tra hiện trường, chỉ đạo các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả vụ tai nạn lao động; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân tử vong và bị thương.

Theo đánh giá ban đầu, đây được xem là vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, đặc biệt lại diễn ra vào ngay trong chính ngày Quốc tế Lao động 1/5 (ngày nghỉ làm việc theo quy định hiện hành). Hiện, cơ quan chức năng đã và đang tiến hành làm việc với các cá nhân, tổ chức liên quan vụ việc, trong đó có đơn vị bảo hành lò hơi tại công ty này để phục vụ công tác điều tra.

Nhiều “vấn đề” sau vụ nổ lò hơi cần được làm rõ

Đồng Nai được mệnh danh là “thủ phủ” công nghiệp của cả nước với hàng nghìn nhà xưởng, xí nghiệp đang hoạt động sản xuất, trong đó, có nhiều đơn vị có lắp đặt các lò hơi, bình chịu áp suất. Ngay sau khi diễn ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nói trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương phối hợp các Sở, ngành chức năng để tiến hành rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn lao động, nhất là cơ sở kinh doanh có sử dụng nồi hơi công nghiệp, bình chịu áp lực, không để xảy ra các vụ việc tương tự.

Việc chỉ đạo kiểm tra rà soát là điều cần thiết của cơ quan chức năng ở thời điểm này. Nhưng dấu hỏi về hoạt động của nhiều nhà máy, nhà xưởng có lò hơi, bình chịu áp lực lâu nay sẽ tiếp tục là chủ đề “nóng” cần được làm rõ.

Vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai: Khi những “quả bom” chực chờ nổ!
Tỉnh Đồng Nai có hàng nghìn nhà máy, nhà xưởng hoạt động sản xuất, trong đó có nhiều đơn vị lắp đặt lò hơi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động cần được cơ quan chức năng kiểm tra.

Theo thông tin ban đầu, để phục vụ sản xuất, Công ty gỗ Bình Minh nơi xảy ra vụ việc có lắp đặt 1 nồi hơi dạng ống nước, Mode: DZH1-1.0-M, nhãn hiệu: Huawang, công suất sinh hơi 1.000kg/giờ ở bên ngoài, cạnh vách tôn xưởng bán thành phẩm.

Trong quá trình sử dụng, Công ty gỗ Bình Minh phát hiện có trục trặc về mặt kỹ thuật và đã liên hệ với đơn vị cung cấp thiết bị đến để kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa. Sau đó vận hành thì nồi hơi phát nổ.

Theo quan sát, nhà xưởng nơi xảy ra vụ việc được xây dựng với mái tôn, vách tôn kết hợp tường gạch, cao khoảng 5-7m. Đây là dạng nhà xưởng phổ biến tại các Khu công nghiệp ở Đồng Nai. Vụ nổ đã xé toáng 1 góc của nhà xưởng nơi đặt vị trí lò hơi.

Trao đổi với phóng viên, phần lớn người dân đều quan tâm đến vấn đề chất lượng lò hơi, quy trình bảo hành, bảo dưỡng sau vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nói trên. Theo nhiều người dân, đặc biệt là những người dân sinh sống gần các nhà máy, nhà xưởng có lò hơi, sau vụ nổ nói trên, họ rất bất an vì đang ở cạnh những “quả bom” có thể chực chờ nổ bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Hổ, nhà gần khu công nghiệp Biên Hòa 1 khẳng định, nghe nổ lò hơi nên cũng lo lắng. Dù biết các nhà máy ở đây sắp di dời đi nhưng mà vẫn rất bất an vì cứ như sống gần “quả bom” nổ chậm.

Về nguyên nhân nổ lò hơi hiện đang được cơ quan chức năng xác định là do lỗi kỹ thuật, và đang tiếp tục điều tra mở rộng. Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Đạt - Giám đốc một công ty chuyên cung ứng các loại trang thiết bị công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, quá trình vận hành thì luôn luôn có rủi ro. “Máy móc cũng giống con người, sẽ luôn có rủi ro trong quá trình vận hành. Có nhiều nguyên nhân gây nổ lò hơi, một trong những nguyên nhân gây nổ lò hơi nhiều nhất là do nổ nhiên liệu trong buồng đốt. Nguyên nhân này bao gồm nhiên liệu cháy không hoàn toàn tích tụ trong buồng đốt và tán sương dầu không đảm bảo. Việc tắc ống dẫn dầu cũng gây nguy cơ làm ngọn lửa bùng cháy dữ dội. Nếu không vệ sinh nhiên liệu dư thừa trong buồng đốt, điều chỉnh áp suất bơm dầu, vệ sinh lại buồng đốt thì nguy cơ nổ là rất cao”, ông Đạt nói. Vị Giám đốc cho biết thêm, để tránh phá hủy lò hơi và nguy cơ phát nổ, nước trong các ống tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa phải được đầy đủ. Theo ông Đạt, cạn nước cũng có thể là nguyên nhân gây nổ lò. Khi nước cạn, nhiệt độ của thành tăng lên nhanh chóng, làm giảm độ bền của thép và gây phá hủy lò hơi.

“Về vấn đề bảo trì, các doanh nghiệp có lắp đặt lò hơi thường rất chủ quan. Khi còn bảo hành thì chủ doanh nghiệp họ làm việc với mình thường xuyên. Nhưng khi hết bảo hành thì họ không chủ động làm việc với đơn vị cung ứng vì ảnh hưởng đến chi phí bảo trì, sửa chữa. Các lò hơi nếu không được kiểm tra, bảo trì thường xuyên thì sẽ rất nguy hiểm. Có những trường hợp hoạt động quá tải với công suất không được bảo trì thì việc nổ lò hơi là rất dễ xảy ra”, ông Đạt nhận định.

Vụ nổ lò hơi tại Công ty gỗ Bình Minh là một trong những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra từ đầu năm đến nay tại Đồng Nai. Ngoài những hậu quả của vụ nổ, dư luận cũng đặt ra nhiều dấu hỏi về việc chủ sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cũng như thiếu kiến thức, chủ quan khi làm việc. Đặc biệt, khi mà cơ quan chức năng liên tục khuyến khích an toàn lao động, nhưng đâu đó vì tiến độ, vì đơn hàng, các doanh nghiệp vẫn tổ chức sản xuất, huy động lao động làm việc kể cả vào những ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước.

Liên quan vấn đề giấy phép hoạt động, giấy phép xây dựng cũng như quy trình sản xuất, hợp đồng lao động và công tác phòng cháy chữa cháy, phóng viên đã liên hệ cơ quan chức năng Đồng Nai để có những thông tin đa chiều gửi đến bạn đọc, tuy nhiên, do vụ việc đang trong quá trình điều tra, làm rõ nên cơ quan chức năng chưa thể cung cấp chi tiết.

Sau vụ nổ lò hơi: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khẩn

Sau khi xảy ra vụ nổ lò hơi tại Công ty Gỗ Bình Minh thuộc ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, ngày 1/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 42/CĐ-TTg chỉ đạo khẩn một số vấn đề.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi ân cần, chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình, thân nhân những người bị nạn. Để kịp thời khắc phục hậu quả vụ tai nạn nói trên và ngăn chặn các vụ tai nạn tương tự, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương tổ chức thăm hỏi chu đáo, kịp thời hỗ trợ động viên gia đình các nạn nhân và làm các thủ tục liên quan đến nạn nhân tử vong. Thăm hỏi, động viên, hỗ trợ và nỗ lực cao nhất cứu chữa các nạn nhân bị thương; chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất, điều tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật (nếu có).

Theo Công điện, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).

Cùng với đó, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Lao động, thương binh và xã hội, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp rà soát kỹ quy định, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất công nghiệp, vận hành lò hơi, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định về an toàn lao động trong hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra trường hợp tương tự…

Thìn Nguyễn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load