(Xây dựng) - Trong những năm qua, sự hình thành và phát triển các Cụm công nghiệp tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng trong việc giải bài toán về ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Xuân Thông - Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc chỉ đạo triển khai các giải pháp phát triển Cụm công nghiệp. |
Hiện nay huyện Yên Lạc có 3 Cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động là: Cụm công nghiệp Yên Đồng diện tích 3,7ha; Cụm công nghiệp Tề Lỗ, diện tích 25,03ha; Cụm công nghiệp thị trấn Yên Lạc, diện tích 5,18ha, giai đoạn 1 đã giải phóng xong 4,28ha. Các Cụm công nghiệp đang và sẽ giải phóng măt bằng là: Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương; Cụm công nghiệp Đồng Văn, Cụm công nghiệp Trung Nguyên.
Để các Cụm công nghiệp phát huy hiệu quả, thu hút các doanh nghiệp vào hoạt động tại các Cụm công nghiệp, UBND huyện Yên Lạc đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện chủ động phối hợp với các phòng ban, chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện có nhiều giải pháp, cơ chế cải cách hành chính, thu hút đầu tư tạo việc làm cho lao động địa phương và các vùng lân cận.
Ông Dương Quang Dũng - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Lạc. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dưng, ông Dương Quang Dũng - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Lạc cho biết: Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của tỉnh Vĩnh Phúc, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đã phối hợp với các phòng ban của huyện triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư về đất đai, hạ tầng; đầu tư hạ tầng đường giao thông đến ngoài hàng rào các cụm công nghiệp; đặc biệt lắng nghe, quan tâm giúp đỡ, giải quyết triệt để những khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án và sản xuất kinh doanh. Nhờ có nhiều giải pháp đồng bộ đã giúp cho việc thu hút đầu tư phát triển các cụm công nghiệp ngày càng tăng. Các doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương, cải thiện đời sống nhân dân.
Với các Cụm công nghiệp đang giải phóng mặt bằng như: Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương; Cụm công nghiệp Đồng Văn, trong thời gian tới, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện tích cực đôn đốc các chủ đầu tư tập trung triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng. Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế và Hạ tầng tiếp tục tham gia ý kiến thực hiện dự án mở rộng cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương, quy mô khoảng 25,8ha; tham gia ý kiến hình thành cụm công nghiệp làng nghề tại xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường và tại xã Yên Đồng, Tề Lỗ, huyện Yên Lạc với quy mô khoảng 73,02ha; kêu gọi đầu tư vào cụm công nghiệp làng nghề Yên Phương.
Từ nay đến cuối năm 2021, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Lạc tiếp tục duy trì và phát triển các cụm công nghiệp thị trấn Yên Lạc, Yên Đồng, Tề Lỗ. Mặt khác, khuyến khích các doanh nghiệp ổn định sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tích cực tháo gỡ khó khăn trong tình hình dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp. Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Lạc cũng hoàn thiện hồ sơ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp làng nghề Trung Nguyên.
Thời gian tới, huyện Yên Lạc tiếp tục tập trung đầu tư phát triển cở sở hạ tầng, trong đó đặc biệt chú trọng hoàn thiện hệ thống giao thông, hạ tầng cụm công nghiệp nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp. Rà soát bổ sung hoàn thiện quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp để bảo đảm tính bền vững, lâu dài, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của huyện. Có thể nói rằng, việc phát triển các cụm công nghiệp tại huyện Yên Lạc đã tạo mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong huyện, các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong các làng nghề có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết, giúp kinh tế của huyện phát triển toàn diện.
Ngọc Minh – Linh Anh
Theo