(Xây dựng) - Xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, Đảng ủy các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tam Dương đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội bám sát với các mục tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới của từng địa phương.
Diện mạo nông thôn khởi sắc trên quê hương Tam Dương. |
Năm 2011, bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bên cạnh những yếu tố thuận lợi về vị trí địa lý, sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của Huyện ủy, UBND huyện Tam Dương thì đa số các địa phương trong huyện: Hoàng Hoa, Vân Hội, An Hòa, Đồng Tĩnh... gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai như: Xuất phát điểm của nền kinh tế ở mức thấp, cơ sở vật chất, hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn thu ngân sách còn hạn chế, trình độ nhận thức của nhân dân không đồng đều, đặc biệt là khó khăn trong việc huy động nguồn lực để từng bước xây dựng nông thôn mới.
Để quá trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, Đảng ủy xã đã ra các nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới; kiện toàn ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới từ xã đến thôn.
Bám sát các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, Đảng ủy, UBND các xã trên địa bàn huyện đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới do Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban, Chủ tịch UBND làm Phó ban chỉ đạo, các thành viên còn lại là trưởng các đoàn thể, Bí thư các chi bộ và đại diện nhân dân để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy tính chủ động, chung sức trong xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong ban chỉ đạo, xã đã phân công các thành viên thường xuyên bám sát cơ sở, lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng của người dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”.
Từ đó có những điều chỉnh phù hợp với thực tế, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của nhân dân. Đều đặn 6 tháng/lần, ban chỉ đạo của các xã tổ chức sơ kết để đánh giá kết quả thực hiện trong thời gian qua và xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động về xây dựng nông thôn mới được các địa phương thực hiện thường xuyên, cụ thể đến từng thôn, xóm, các hộ gia đình và mỗi người dân bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú, phù hợp với từng đối tượng.
Nhờ hiện tốt công tác tuyên tuyền, đông đảo người dân đã đồng tình hưởng ứng, tham gia hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi khác.
Nhìn lại chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới, bắt đầu với nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng của người dân, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở các địa phương huyện Tam Dương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần.
Bích Huệ
Theo