(Xây dựng) - Năm 2024, ngân sách tỉnh dành hơn 408 tỷ đồng hỗ trợ 20 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 314 tỷ đồng hỗ trợ 10 xã xây dựng NTM nâng cao và hơn 94 tỷ đồng hỗ trợ 10 xã xây dựng NTM kiểu mẫu.
Diện mạo nông thôn mới nâng cao ở xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường đang dần đổi thay. |
3 huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương là các địa phương được bố trí nguồn vốn hỗ trợ nhiều nhất từ ngân sách tỉnh để xây dựng 8/10 xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu.
Nhằm giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn cân đối nguồn vốn, xây dựng kế hoạch huy động vốn, đầu tư cho vay chương trình xây dựng NTM; đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn vay phát triển kinh tế. Ước đến ngày 31/12, dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới đạt gần 27 nghìn tỷ đồng, tăng 1,75% so với năm 2022
Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 120 thôn được công nhận thôn NTM kiểu mẫu, đạt 89 %, 1 thôn đạt chuẩn thôn thông minh, 32 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 76% và 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt 18% mục tiêu Kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Để đạt được mục tiêu đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 35 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; 27 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn thông minh; 10 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 10 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu, bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách, tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền, ngành chức năng tiếp tục huy động các nguồn lực khác để nâng cao hiệu quả xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Trong quá trình sử dụng vốn, các cấp chính quyền hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, đánh giá, thẩm định; phân cấp quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí hỗ trợ cho các địa phương theo đúng quy định về cơ chế phân cấp nguồn lực NTM, đô thị văn minh.
Văn Nhất
Theo