Thứ sáu 20/09/2024 13:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Giáo dục

Vĩnh Phúc: Giải pháp nâng cao chất lượng dạy học online trong mùa dịch

22:40 | 24/04/2020

(Xây dựng) – Để củng cố kiến thức và tổ chức dạy nội dung kiến thức mới cho học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh trong thời gian nghỉ học kéo dài do dịch bệnh Covid-19, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc đã triển khai hình thức học qua truyền hình, học trực tuyến (online) qua mạng Internet.

vinh phuc giai phap nang cao chat luong day hoc online trong mua dich
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy học online trong mùa dịch.

Học online qua mạng Internet là một hình thức học khá mới mẻ, khi triển khai có những thuận lợi và khó khăn gì? Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng có có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lê Huy - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc.

PV: Trong thời gian nghỉ học phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc đã có những chỉ đạo và kế hoạch như thế nào để đảm bảo chương trình dạy và học năm học 2019-2020?

Ông Nguyễn Lê Huy: Trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường vì dịch bệnh Covid-19, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động dạy học đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Cụ thể, quán triệt trong toàn ngành thực hiện nghiêm những yêu cầu về phòng, chống dịch của Trung ương, của tỉnh và của ngành. Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kéo dài thời điểm kết thúc năm học, tinh giản nội dung chương trình đối với các cấp học bậc học và triển khai dạy học trực tuyến, dạy học online, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng 4 kịch bản tổ chức dạy học ứng với 4 thời điểm học sinh có thể đi học trở lại trong bối cảnh dịch còn kéo dài.

Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các đơn vị nhà trường tổ chức dạy học qua truyền hình và nguồn học liệu trên Internet; tổ chức dạy học trực tuyến; giao bài ôn tập cho học sinh. Nội dung dạy học chủ yếu là ôn tập, củng cố kiến thức, đồng thời tổ chức dạy học các nội dung kiến thức mới, trong đó quan tâm tới các lớp cuối cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Cùng với đó, các cơ sở giáo dục tổ chức rà soát cơ sở hạ tầng, thiết bị đầu cuối phục vụ triển khai và quản lý dạy học qua truyền hình và trực tuyến đối với học sinh. Đối với dạy học trên truyền hình, thống nhất sử dụng nội dung chương trình do Đài Phát thanh truyền hình Hà Nội và kênh VTV7 phát sóng từ đầu tháng 3/2020; đồng thời Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các đơn vị cung cấp giải pháp dạy học trực tuyến như VNPT, Viettel Vĩnh Phúc... để hỗ trợ các nhà trường, các thầy cô giáo triển khai dạy học trực tuyến.

Hiện tại, đối với cấp học mầm non đã chia sẻ nhiều video qua Internet. Số phụ huynh được hướng dẫn tư vấn giáo dục trẻ đạt tỷ lệ gần 70%; cấp tiểu học đã có 90,7% tổng số học sinh học qua truyền hình, 58,7% học trực tuyến, 63,8% giáo viên với 63,8% tổ chức dạy học online; cấp Trung học cơ sở đã có 87,2% tổng số học sinh học qua truyền hình, 63,9% học trực tuyến, 61,5% số giáo viên dạy học online; cấp THPT đã có 90,3% tổng số học sinh học qua truyền hình, 92,1% học trực tuyến, 81,5% số giáo viên dạy học online.

PV: Theo ông, việc triển khai hình thức học online của địa phương có thuận lợi và khó khăn gì?

Ông Nguyễn Lê Huy: Trong bối cảnh học sinh nghỉ học vì Covid-19, có thể khẳng định dạy học online là giải pháp tối ưu nhất hiện nay. Tuy nhiên đây là hình thức dạy học mới, do vậy sẽ gặp những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, tổ chức triển khai:

Thứ nhất: Đội ngũ giáo viên không được đào tạo, tập huấn bài bản về dạy học online, chủ yếu triển khai qua quá trình tự học, tự nghiên cứu.

Thứ hai: Cơ sở hạ tầng cho dạy – học online còn chưa đảm bảo về thiết bị đầu cuối, đường truyền giờ cao điểm chưa đáp ứng được nhu cầu. Qua thống kê Vĩnh Phúc còn gần 40% gia đình học sinh chưa có Internet, trên 60% gia đình học sinh chưa có máy tính; an toàn hệ thống phòng học ảo còn chưa cao.

Thứ ba: Với phương thức học online, để đạt hiệu quả thì yêu cầu về phẩm chất tự học đối với học sinh là rất cao, tuy nhiên đối với một số học sinh, nhất là học sinh ở các cấp học dưới phẩm chất này còn chưa được rèn luyện nhiều.

Thứ tư: Về hàng lang pháp lý đối với giáo dục phổ thông về hình thức dạy học online còn chưa cao, hiện tại mới chỉ ở dưới dạng hướng dẫn.

PV: Xin ông cho biết, nhằm khắc phục khó khăn khi học online, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc đã triển khai những biện pháp nào để nâng cao chất lượng dạy và học online?

Ông Nguyễn Lê Huy: Những khó khăn khi dạy học online đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc lường trước và đã triển khai những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng dạy học.

Cụ thể, ngành đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành và các đơn vị phối hợp, giúp đỡ với ngành Giáo dục triển khai công tác dạy học online như: Hỗ trợ về đường truyền Internet, bảo mật thông tin phòng học ảo, hướng dẫn về kỹ thuật...

Tăng cường công tác quản lý đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh trong công tác tổ chức dạy học online; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong tổ chức dạy học online nhằm nhân rộng mô hình dạy học mới này.

Nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong công tác tổ chức dạy học online, trong đó chú trọng về nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp. Cùng với đó, giáo viên chủ nhiệm phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh trong công tác quản lý con em tham gia đầy đủ thời khóa biểu trên truyền hình và trực tuyến. Công tác tổng hợp báo cáo tỷ lệ học sinh tham gia học trên truyền hình, học trực tuyến được các cơ sở giáo dục báo cáo định kỳ vào cuối mỗi tuần.

Cùng với sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ và toàn dân trong công tác phòng chống dịch, với thực tế diễn biến dịch bệnh và quá trình dạy học đang diễn ra trên địa bàn tỉnh, tin rằng Vĩnh Phúc sẽ hoàn thành tốt chương trình năm học theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bích Huệ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load