(Xây dựng) - Chiều 22/7, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh buổi họp báo. |
Phát biểu tại buổi họp báo, bà Phạm Thị Nở, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Kinh tế đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ và tăng đều cả 3 khu vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 đạt 19.768 tỷ đồng, tăng 4,77% so với cùng kỳ. Tỷ trọng kinh tế phi nông nghiệp đạt 62,4% (tăng 0,89 điểm % so với cùng kỳ năm trước); xuất khẩu của tỉnh có xu hướng tích cực, kim ngạch xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng, các thị trường xuất khẩu chủ lực được duy trì và đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới…
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, chăm lo người có công luôn được quan tâm thực hiện; an sinh xã hội được đảm bảo; Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được triển khai kịp thời, hiệu quả; Ngành Giáo dục tiếp tục triển khai đồng bộ các đề án, kế hoạch và chuẩn bị thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018; rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới trường lớp.
Ngành Văn hóa tập trung thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 04/8/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Lực lượng vũ trang thực hiện tốt công tác theo dõi nắm tình hình và chế độ sẵn sàng chiến đấu; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sau: Cán cân đối lớn của kinh tế cơ bản ổn định nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó khăn do tác động của tình hình thế giới; một số ngành, lĩnh vực sản xuất còn khó khăn, phục hồi chậm, nhu cầu vốn cho đầu tư sản xuất kinh doanh thấp dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp; chưa khai thác được thị trường xuất khẩu mới; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm, doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất nông nghiệp còn chịu nhiều áp lực trước chi phí giống, vật tư nông nghiệp tăng cao, tác động của hạn mặn, sạt lở bờ sông; một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh chậm phục hồi, giá tiêu thụ thấp.
Triển khai kế hoạch vốn đầu tư công chậm, giải ngân đạt thấp so với yêu cầu; khó khăn trong nguồn cung cấp vật liệu (cát san lấp). Các dự án nhà ở dành cho công nhân, người thu nhập thấp và các dự án đô thị triển khai chậm...
Trong 6 tháng cuối năm 2024, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động, quyết liệt và kịp thời tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Khẩn trương hoàn thiện, trình thẩm định, phê duyệt Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để triển khai nhanh các dự án đầu tư; chủ trì rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn các dự án chậm giải ngân sang các dự án giải ngân tốt.
Tăng cường quản lý chặt chẽ các nguồn thu, tiếp tục thực hiện các giải pháp thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống thất thu thuế. Tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quản lý chặt chẽ đối với thị trường, mở rộng thị trường mới; tập trung tổ chức Đề án cơ cấu ngành Công Thương; hỗ trợ đầu tư cho cụm công nghiệp Tân Bình và các thủ tục liên quan; tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại...
Giang Sơn - Trương Hổ
Theo