(Xây dựng) – UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành Quyết định số 05/QĐ-UBND về việc công nhận 10 sự kiện nổi bật năm 2023 của tỉnh Vĩnh Long. UBND tỉnh Vĩnh Long giao Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2023 của tỉnh Vĩnh Long.
Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa. |
Theo Quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Long 10 sự kiện nổi bật là:
Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025
Nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng bình quân 6,18%/năm, vượt chỉ tiêu nghị quyết (tăng 6%); quy mô kinh tế năm 2023 đạt 78.729 tỷ đồng, tăng 34% và GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 76,5 triệu đồng, tăng 33% so với năm 2020. Thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo tốt cho các đối tượng chính sách, người có công cơ bản giải quyết dứt điểm việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình có công và hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Khánh thành Công trình cầu Mỹ Thuận 2 và đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ
Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 có tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng, bắc qua sông Tiền, nối hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang. Đây là cầu dây văng lớn nhất do các nhà thầu Việt Nam thiết kế và thi công. Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, mặt cắt ngang cầu 17m, có tổng chiều dài 6,61km, trong đó phần cầu chính dài khoảng 1,9km, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ có tổng chiều dài gần 23km, đi qua địa phận hai tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp, với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Điểm đầu dự án kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 khớp nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, điểm cuối kết nối với Quốc lộ 1 hiện hữu (tại nút giao cầu Chà Và, thị xã Bình Minh). Dự án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, mặt cắt ngang đường là 22m, bề rộng nền đường là 17m không có làn dừng xe khẩn cấp, vận tốc thiết kế là 80 km/h.
Đây là hai trong số các dự án trọng điểm của ngành Giao thông vận tải, có ý nghĩa rất quan trọng, sau khi hai dự án này hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ nối liền tuyến đường cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, là trục đường huyết mạch kết nối giao thương từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổ chức thành công Lễ Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa (13/9/1913 -13/9/2023)
Tổ chức Lễ Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa (13/9/1913 – 13/9/2023) như: Hội thảo khoa học; lễ dâng hương tại Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa; Lễ Kỷ niệm được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Vĩnh Long. Tổ chức các hoạt động chào mừng: Chương trình văn nghệ; Trưng bày, triển lãm sinh vật cảnh; Festival nông sản Việt Nam –Vĩnh Long năm 2023 và trưng bày đường gốm; Hội chợ triển lãm Công thương vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Hội thảo khoa học về Phát triển sản phẩm và kết nối tour, tuyến du lịch Vĩnh Long với các tỉnh, thành phía Nam; Khởi công, khánh thành các công trình chào mừng; chỉnh trang, tu bổ các công trình công cộng mang tên đồng chí Trần Đại Nghĩa; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao chào mừng. Các hoạt động được tổ chức trang trọng, ý nghĩa, an toàn, thu hút hàng ngàn lượt người xem.
Cầu Mỹ Thuận 2 đã khánh thành. |
Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế tỉnh nhà, giá trị nông lâm và thủy sản tăng 3,08%
Với giá trị tăng trưởng của khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản (khu vực 1) đạt 15.084 tỷ đồng, tăng 3,08% so với năm 2022; trong khi các ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ chỉ tăng nhẹ hoặc bị sụt giảm, điều này cho thấy nông nghiệp tiếp tục vẫn là trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà trong một năm có nhiều bất ổn về chính trị trên thế giới. Nếu so sánh giá trị nông lâm nghiệp và thủy sản của 3 năm (từ năm 2021, 2022 và 2023) thì năm 2021 giảm 1,71%, năm 2022 tăng 3,63% (trên nền giá trị âm của năm trước) và năm 2023 tăng 3,08% (trên nền tăng trưởng khá cao của năm 2022) là thành tích đáng được ghi nhận.
Số xã nông thôn mới đạt Nghị quyết đề ra trước 02 năm
Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh hiện có 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 86,21%), tăng 5 xã so với 2023; tăng 19 xã so với đầu nhiệm kỳ. Như vậy, số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới đã thực hiện vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XI (chỉ tiêu đến 2025 đạt 74 xã). Đây là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở; sự đồng thuận, chung tay của người dân, của các thành phần kinh tế đã ra sức cùng với địa phương hiến đất, trồng cây xanh, phát triển mô hình sản xuất hiệu quả để thực hiện các công trình giao thông, thủy lợi, sản xuất nhằm góp phần hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Nhà gốm Tư Buôi được xác lập kỷ lục ngôi nhà có kiến trúc 3 gian 2 chái truyền thống bằng Gốm đỏ Vĩnh Long lớn nhất Việt Nam và được công nhận đạt Top 10 thương hiệu uy tín xuất sắc toàn cầu
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) vừa công bố Quyết định về việc xác lập Kỷ lục Việt Nam đối với “Ngôi nhà 3 gian 2 chái truyền thống hoàn toàn bằng gốm đỏ Vĩnh Long lớn nhất Việt Nam” cho ông Nguyễn Văn Buôi, phường 5, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long và được Hội đồng Thương mại và công nghệ Toàn cầu Ấn Độ công nhận đạt Top 10 thương hiệu uy tín xuất sắc toàn cầu.
Chuyển đổi số khẳng định vai trò quan trọng trong cải cách hành chính và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Xếp hạng chuyển đổi số năm 2022 tăng 2 bậc so với năm 2021, an toàn thông tin đứng thứ 10/63; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long đạt Top 10 cơ quan báo chí đạt mức xuất sắc và đứng thứ 3 cơ quan báo chí dẫn đầu khối Đài đạt mức xuất sắc trong tỷ lệ xếp hạng mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2023 (sau Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam); Các nền tảng, cơ sở dùng chung và chuyên ngành được triển khai đến cấp xã; đạt 01 giải nhì, 01 giải ba tại diễn tập thực chiến Cụm mạng lưới ứng cứu sự cố số 9; 91,76 % hệ thống thông tin đã được phê duyệt cấp độ (390/425); Thành lập 100% Tổ công nghệ số cộng đồng đến ấp, khóm (2.786 người); Tổ chức 96 cuộc đào tạo, bồi dưỡng tập huấn với 10.852 lượt người tham dự; trong đó có 8 lớp tập huấn dành cho Tổ công nghệ số cộng đồng với 1.157 người tham dự.
Triển khai hóa đơn điện tử, eTax Mobile; 60% cơ sở khám chữa bệnh triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; thanh toán không dùng tiền mặt cho các cơ sở giáo dục, y tế; 100% học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh có hồ sơ số về việc học tập; số hóa 62,7% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học; tuyên truyền, phổ biến nghị quyết, chính sách, pháp luật qua hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối 4 cấp; hoàn thành cấp căn cước công dân găn chip điện tử và kích hoạt tài khoản định danh điện tử; 125 vùng trồng được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu, 78 vùng trồng được cấp mã số vùng trồng nội địa.
Sản xuất Công nghiệp tỉnh Vĩnh Long năm 2023 sụt giảm sau một năm tăng trưởng mạnh
Năm 2022, ngành công nghiệp tỉnh phục hồi tốt sau dịch bệnh, đạt mức tăng trưởng khá cao, tăng 24,95% so với năm 2021. Sang năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh giảm 5,75% so với cùng kỳ năm 2022. Do tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp và khó lường, kinh tế nhiều nước bị suy giảm do lạm phát gia tăng, người dân thắt chặt chi tiêu dẫn đến hàng hóa tồn kho nhiều, từ đó các đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, đã ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam nói chung và của tỉnh Vĩnh Long nói riêng, đồng thời ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp của tỉnh Vĩnh Long. Sản xuất của một số ngành hàng chủ lực của tỉnh như: may mặc, giày da, hàng thủ công mỹ nghệ, thức ăn gia súc, bia… giảm so với cùng kỳ. Mặt khác năm 2023 chưa có nhiều dự án mới trong lĩnh vực công nghiệp đi vào hoạt động, nên chưa tạo được nhiều năng lực sản xuất mới cho ngành công nghiệp tỉnh.
Thể thao thành tích cao tỉnh Vĩnh Long nỗ lực vượt qua thách thức vươn tới đỉnh cao
Các đội tuyển thể thao tham dự thi đấu đạt 535 huy chương (152 huy chương vàng, 165 huy chương bạc, 218 huy chương đồng), đạt 180% kế hoạch năm. Trong đó, có 22 huy chương quốc tế, nổi bật là đội Cầu mây tham dự Asiad 2023 đạt 01 huy chương đồng, đây là lần đầu tiên vận động viên Vĩnh Long đóng góp huy chương cho quốc gia tại Đại hội Châu Á; 01 huy chương đồng môn Cầu mây giải vô địch Thế giới; 01 huy chương vàng và 01 huy chương bạc môn Vovinam giải vô địch Thế giới; tham dự Seagames 32 đạt 02 huy chương bạc, 03 huy chương đồng. Tham gia Đại hội Thể thao ĐBSCL lần thứ IX – Hậu Giang năm 2023, đạt 160 huy chương (51 huy chương vàng, 44 huy chương bạc, 65 huy chương đồng), xếp hạng 4/13 toàn đoàn. Đội Bóng chuyền nam thăng hạng đội mạnh Quốc gia năm 2024.
Lướt ván ca nô trong Ngày hội Du lịch Vĩnh Long. |
Du lịch Vĩnh Long phục hồi và phát triển
Du lịch Vĩnh Long tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh trong năm 2023. Tổng lượt khách đến Vĩnh Long ước đạt hơn 1,4 triệu lượt (vượt 480.000 lượt theo kế hoạch, tăng 45% so năm 2022), khách quốc tế ước đạt 26.500 lượt (tăng hơn 3,8 lần so với năm 2022), doanh thu ước đạt hơn 670 tỷ (tăng 39% so năm2022).
Trong năm, ngành Du lịch đạt được nhiều giải thưởng, danh hiệu, để lại dấu ấn, khẳng định thương hiệu cho du lịch tỉnh nhà, cụ thể: Lần thứ 3 homestay Vĩnh Long đạt giải thưởng Du lịch homestay ASEAN với 6 homestay tại xã An Bình, huyện Long Hồ; điểm du lịch nhà gốm tư Buôi đạt kỷ lục Việt Nam “Ngôi nhà 3 gian 2 chái truyền thống bằng gốm đỏ Vĩnh Long lớn nhất tại Việt Nam”; điểm du lịch Nhà Dừa Coco home được xây dựng với hơn 4.000 cây dừa được Hiệp hội dừa Việt Nam công nhận là “Nhà dừa Việt Nam”; Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam chứng nhận Vĩnh Long có 3 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam; tỉnh công nhận 03 khách sạn đạt chuẩn 2 sao và 01 khách sạn đạt chuẩn 3 sao; Làng nghề gạch, gốm Mang Thít đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.
Huỳnh Biển
Theo