(Xây dựng) – Nhằm tổ chức một diễn đàn đa chiều về văn hóa doanh nghiệp gắn với phát triển thương hiệu, đưa ra các ý kiến đóng góp để từ đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp, Báo Văn hóa phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu”.
Xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với xây dựng văn hóa doanh nghiệp đặc biệt là truyền thông nội bộ đang là chủ đề quan trọng và được sự quan tâm của nhiều tổ chức. |
Nội dung chính của hội thảo tập trung vào quan hệ tương tác giữa xây dựng văn hóa doanh nghiệp góp phần tích cực vào phát triển thương hiệu của doanh nghiệp, từ đó phát triển kinh doanh một cách bền vững.
Các chuyên gia cho rằng, khi Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh, đang thúc đẩy cạnh tranh và làm mờ ranh giới giữa các ngành, văn hóa doanh nghiệp cũng phải thay đổi cho phù hợp với nhịp tiến vũ bão của cuộc cách mạng này. Việc chậm thay đổi văn hóa doanh nghiệp sẽ tương đồng với hiệu quả âm trong kinh tế.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Dương Thị Liễu - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam - Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh đã chia sẻ về góc độ xây dựng văn hóa doanh nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ. Công nghệ đang dần phổ biến và trở thành một phần quan trọng trong công việc cũng như cuộc sống. Bởi vậy, các ứng dụng trong doanh nghiệp như ứng dụng xây dựng văn hóa doanh nghiệp sẽ ngày càng cần thiết. Đây là một cách thức xây dựng văn hóa công ty đạt hiệu quả cao với chi phí thấp.
Đồng thời, PGS.TS Dương Thị Liễu cho rằng, xây dựng văn hóa công ty bằng ứng dụng công nghệ có nhiều ưu điểm như: Việc kết hợp nhiều tính năng trong một ứng dụng vừa giúp công ty dễ dàng quản lý nhân sự, vừa phổ cập văn hóa doanh nghiệp tiếp cận nhân viên trọn vẹn nhất. Ngày nay, việc sử dụng công nghệ và giao tiếp trực tuyến cũng là một cách gắn kết nhân viên trong doanh nghiệp, giúp nhân viên luôn có thể gắn kết với công việc bất kể họ đang ở đâu.
Ngoài ra, trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia văn hóa, kinh tế đã thảo luận một số nội dung như: Văn hóa doanh nghiệp thời Covid-19; Nâng cao năng lực cạnh tranh và phòng chống khủng hoảng truyền thông bằng văn hóa doanh nghiệp; Đạo đức kinh doanh và vấn đề xây dựng thương hiệu.
Hội thảo năm nay có sự tham dự của nhiều chuyên gia tên tuổi như TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh - Chủ tịch Hội đồng cố vấn BCSI; PGS.TS Dương Thị Liễu - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh; ông Lê Quang Vũ - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Phát triển nội dung Blue C; ông Nguyễn Đình Thành - Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn chiến lược CSCI Indochina...
Diệu Anh
Theo