(Xây dựng) - Thế giới bước vào kỷ nguyên công nghệ số 4.0 và ngành Xây dựng, trong đó có lĩnh vực địa kỹ thuật và hạ tầng cũng đang trong “cơn bão” của cuộc cách mạng này. Phát triển bền vững và giải quyết những khó khăn, thách thức khi thế giới đang đối mặt với biến đổi khí hậu. Trượt lở và xói mòn; kỹ thuật nền móng bờ sông, bờ biển được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm và hàng loạt công nghệ xây dựng mới, đặc biệt là công nghệ mới trong nền móng công trình đã ra đời.
Cần công nghệ mới, tiên tiến để phát triển bền vững
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật với tổng trị giá ước chừng 60 tỷ USD/ năm, trong đó có nền móng và địa kỹ thuật. Những đòi hỏi, thách thức về kỹ thuật xây dựng, đặc biệt là nền móng công trình, địa kỹ thuật ngày càng cao cần những giải pháp kỹ thuật mới hiện đại và tiên tiến, giúp cho lĩnh vực địa kỹ thuật và nền móng công trình ở Việt Nam phát triển bền vững.
Các chuyên gia quốc tế đến tận chân công trình tìm hiểu về công nghệ địa kỹ thuật tại Hà Nội. |
Trên thực tế nhiều doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn tiếp cận công nghệ mới, đó là những robot đào hầm cho phép vừa khoan, vừa lắp ghép những tấm bê tông hàng tấn chuẩn tới từng milimet; hay công nghệ Jet Grouting 3 pha đường kính lớn (khoan bơm vữa cao áp) công nghệ trộn sâu dạng ướt, nhờ có tia nước và tia vữa phun ra với áp suất cao (từ 200atm đến 400atm), vận tốc 100m/s làm cho các phần tử đất xung quanh lỗ khoan bị xói tơi ra, hòa trộn với vữa phụt, sau đó đông cứng tạo thành một khối đồng nhất “xi măng - đất”… cùng rất nhiều công nghệ khác được doanh nghiệp ứng dụng vào trong xây dựng nền móng công trình, địa kỹ thuật.
Rào cản từ định mức đơn giá
Những năm gần đây, công nghệ mới được các doanh nghiệp Việt Nam, đi đầu là FECON ứng dụng. Nhưng theo TS Lê Quang Hanh – Giám đốc Công ty Cổ phần Công trình ngầm FECON (FECON Underground), thực tế khi đưa công nghệ mới vào ứng dụng thì khó khăn lớn nhất là chưa có định mức đơn giá của Nhà nước.
Nhiều nước tiên tiến áp dụng thành công nhưng doanh nghiệp trong nước lại không dám áp dụng công nghệ mới vì không có trong định mức đơn giá qui định. Người phê duyệt cũng e ngại vì có thể sẽ bị quy vào việc cố ý làm trái quy định.
Lãnh đạo FECON cho biết: FECON tiếp nhận rất nhiều công nghệ mới, nhưng chỉ áp dụng với các hợp đồng EPC của nước ngoài (E: Engineering, P: Purchase, C: Construction) chứ không áp dụng được với các hợp đồng trong nước.
Hội nghị GECOTEC 2019 đang được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình đến hết ngày 29/11. |
Để công nghệ xây dựng phát triển mạnh mẽ, khuyến khích các doanh nghiệp Việt áp dụng công nghệ xây dựng tiên tiến, đặc biệt trong lĩnh vực địa kỹ thuật, hạ tầng và nền móng công trình vào xây dựng công trình thì thực tế rất cần sự vào cuộc,tháo gỡ khó khăn của cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FECON, Việt Nam là nước nằm trong khu vực địa lý có nhiều đe dọa về thiên tai và biến đổi khí hậu, điều kiện địa chất phức tạp. Vì vậy, chúng ta cần những công nghệ phù hợp để mỗi công trình đều được xây dựng và vận hành an toàn, bền vững, thân thiện môi trường với giá thành thấp nhất. Việc lựa chọn giải pháp nền móng rất quan trọng, ứng dụng công nghệ phù hợp để thi công xây dựng các công trình bền vững.
Nhi Thảo
Theo