Thứ sáu 08/11/2024 01:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Ứng dụng công nghệ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam

21:57 | 14/09/2023

(Xây dựng) - Chia sẻ tại cuộc họp Sơ kết việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho biết, đơn vị cũng chủ động ứng dụng những công nghệ khoa học kỹ thuật mới nhất trong khâu khảo sát địa hình, địa chất (công nghệ GNSS, Laser Scanner, UAV, LiDAR, trạm Base, trạm Cors), sử dụng phần mềm ứng dụng tiên tiến có bản quyền trong thiết kế đường cầu, hầm, xử lý nền đất yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án.

Ứng dụng công nghệ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam
Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn thi công đoạn Cầu Giẽ- Nam Bình.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, việc hoàn thành cao tốc đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Nghệ An (Diễn Châu) chỉ còn khoảng 3 – 3,5 giờ, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa các tỉnh khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ; giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 1; tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và hình thành, phát triển các khu công nghiệp, trung tâm văn hoá, du lịch của các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực Bắc Trung bộ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định: “Quá trình thực hiện đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng lớn đến tiến độ của dự án. Cụ thể: Trong giai đoạn cả nước tập trung phòng chống đại dịch Covid-19, nhiều thời điểm giãn cách xã hội, không thể huy động nhân sự, vận chuyển máy móc vào công trường.

Bên cạnh đó, dự án đi qua khu vực có địa hình, địa chất phức tạp, nền đất yếu đòi hỏi phải theo dõi, điều chỉnh kịp thời về thiết kế kỹ thuật để bảo đảm chất lượng.

Ngoài ra cần phải kể tới việc giá nhiên liệu, vật liệu có thời điểm tăng cao đột biến; khó khăn về việc khai thác, cung ứng nguồn vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là đất đắp nền đường; thời tiết, khí hậu cực đoan, mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ khiến nhiều thời điểm không thể thi công…

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt, sâu sát, quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương phối hợp, tháo gỡ khó khăn; đã ban hành nhiều Nghị quyết với cơ chế đặc thù để giải quyết vướng mắc, khó khăn về nguồn vật liệu. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, quyết liệt, vượt qua mọi khó khăn, giải quyết dứt điểm các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình.

Với tinh thần “Đã nỗ lực thì nỗ lực hơn nữa, cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, xác định trọng tâm, trọng điểm để phân bổ nguồn lực thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra”, Bộ Giao thông Vận tải đã phát động các phong trào thi đua với mục đích vừa động viên, cổ vũ, vừa là “mệnh lệnh” để các chủ thể tham gia dự án nỗ lực phấn đấu, tổ chức triển khai "3 ca 4 kíp", thi công xuyên Lễ, xuyên Tết. Với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” vượt qua những khó khăn, thách thức, 2 dự án Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu kịp đưa vào khai thác phục vụ nhân dân đúng dịp dịp kỷ niệm 78 năm Quốc khánh đất nước. Trước đó Dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 đưa vào khai thác đúng dịp lễ 30/4 -1/5 năm nay và Dự án Cao Bồ-Mai Sơn khánh thành đúng dịp Tết Nguyên đán năm 2022.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), điều kiện địa hình dự án có nhiều chỗ hiểm trở khó khăn, thời tiết phức tạp, lại phải thực hiện trong quá trình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chỉ với nỗ lực quyết tâm từ đơn vị tư vấn là không đủ. Quá trình bắt tay khảo sát, đơn vị đã chủ động tạo tính thống nhất trong quá trình khảo sát thiết kế thông qua việc xây dựng đơn vị tư vấn tổng thể và lập 12 nhóm chuyên môn (hỗ trợ công tác khảo sát thiết kế, tổ chức xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật thi công, nghiệp tu, bóc tách khối lượng...).

Đơn vị cũng chủ động ứng dụng những công nghệ khoa học kỹ thuật mới nhất trong khâu khảo sát địa hình, địa chất (công nghệ GNSS, Laser Scanner, UAV, LiDAR, trạm Base, trạm Cors), sử dụng phần mềm ứng dụng tiên tiến có bản quyền trong thiết kế đường cầu, hầm, xử lý nền đất yếu; phối hợp hiệu quả các bộ phận, các khâu, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo kinh tế kỹ thuật, thân thiện với môi trường.

Đối với nhà thầu, dù quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn, nhưng xác định việc hoàn thành dự án là danh dự, trách nhiệm chính trị doanh nghiệp trước lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân nơi dự án đi qua. Các nhà thầu đã xây dựng kế hoạch thi công chi tiết, từng tuần tháng quý, tập trung nguồn lực, vượt lên khó khăn, tận dụng tối đa điều kiện thời tiết khi thuận lợi để thi công bù tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52 năm 2017, gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654km. Trong đó, có 8 dự án thành phần được đầu tư bằng hình thức đầu tư công và 3 dự án thành phần được đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP).

Tính đến nay, đã có 8 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 đã được đưa vào khai thác với tổng chiều dài 519km, bao gồm 4 dự án thành phần kết nối từ Ninh Bình đến Nghệ An. Hai đoạn còn lại là Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lâm-Vĩnh Hảo và cầu Mỹ Thuận 2 đang tiếp tục khẩn trương triển khai thi công. Theo kế hoạch, toàn bộ các dự án giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong quý II/2024.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đã thông xe đưa vào khai thác gồm 4 dự án thành phần (Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu) có chiều dài 171,85km, tổng mức đầu tư 27.353 tỷ đồng, đi qua địa phận 4 tỉnh (Nam Định 5,1km; Ninh Bình 24,4km; Thanh Hóa 98,8km; Nghệ An 43,5km).

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương đang tích cực triển khai xây dựng các đoạn còn lại trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến vành đai vùng Thủ đô, Thành phố Hồ Chí Minh và các tuyến đường bộ cao tốc kết nối khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long để phấn đấu đến cuối năm 2025 có 3.000km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 có 5.000km đường bộ cao tốc theo đúng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Mai Nam Sơn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load