(Xây dựng) - Thành phố Hà Nội đã thông xe đường vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng, nhằm san sẻ áp lực phương tiện cho tuyến đường dưới thấp. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông tại Ngã Tư Sở lại tái diễn vào giờ cao điểm, thậm chí còn trầm trọng hơn, so với thời điểm trước khi thông xe tuyến đường Vành đai 2.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Mặc dù không phải giờ cao điểm, nhưng nhiều phương tiện nối đuôi nhau kéo dài từ Ngã Tư Sở tới Ngã Tư Vọng. Mật độ di chuyển trên đường Trường Chinh và Ngã Tư Sở rất đông trong khi tuyến Vành đai 2 trên cao lại vắng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, năng lực thông qua nút giao Ngã Tư Sở đã quá giới hạn bởi lượng phương tiện đổ dồn từ đường Vành đai 2 đoạn Trường Chinh (cả trên cao và dưới thấp) về nên cần đồng bộ phương án tổ chức giao thông từ xa...
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm - một chuyên gia quy hoạch Viện Kiến trúc Quốc gia cho rằng: Lưu lượng phương tiện giao thông quá lớn qua đây là nguyên nhân chính tạo áp lực lớn cho Ngã Tư Sở, cũng như toàn bộ mạng lưới giao thông khu vực này. Thêm vào đó là chỉnh thể kết cấu hạ tầng toàn khu vực chưa được đồng bộ. Đường Láng có một đoạn giáp nút giao mở rộng, nhưng phía trên đó vẫn còn chật hẹp. Đường Tây Sơn cũng vậy. Hai trục chính qua Ngã Tư Sở đều không đồng bộ lưu thông như hình phễu gây thêm khả năng ùn tắc hơn nữa nếu không giải quyết được áp lực, khơi thông bế tắc từ các hướng.
TS. Nguyễn Ngọc Long - Phó Chủ tịch hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam cho rằng, đường Trường Chinh vốn đã thường xuyên tắc, các xe từ cầu đi xuống làm lưu lượng giao thông tăng cao, gây nên tình trạng tắc và ùn ứ trên cầu càng trầm trọng hơn. TS Nguyễn Ngọc Long cho rằng, rất khó để tìm ra giải pháp vẹn toàn, bởi công trình đã thi công xong. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng tạm thời, cần phải phân luồng không để tuyến đường phía dưới tắc nữa.
Giải pháp thứ nhất: Là phải dành 1-2 làn cho các tuyến xe từ cầu đi xuống. Giống như tách 1 làn đường riêng cho BRT để cho 2 dòng chảy tách nhau ra, không hòa vào nhau nữa, giữ cho dòng xe trên cầu đi xuống được thông suốt.
Giải pháp thứ hai: Là tạo ra 1 làn đường từ đường Trường Chinh đi thẳng ra đường Láng thì lượng xe trên bề mặt mới được giải tỏa hết. Bằng cách xây cầu vượt thẳng để dòng xe chạy thẳng được giải tỏa, chỉ còn xe rẽ phải hoặc rẽ trái, để các dòng chảy thẳng được lưu thông không chịu sự tác động của đèn xanh đèn đỏ.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng cho biết, đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng đưa vào khai thác mới chỉ là một đoạn tuyến của đường Vành đai 2. Sau đoạn tuyến này, Hà Nội sẽ hoàn thành cả trên cao và dưới thấp từ Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy. Trong quy hoạch, tuyến đường Vành đai 2 còn có hệ thống đường trên cao kéo dài đến Cầu Giấy. Cũng theo quy hoạch, ngoài đường trên cao dọc đường Vành đai 2, còn có đường trên cao dọc đường Vành đai 3 và tuyến đường trên cao kết nối đường Vành đai 2 và Vành đai 3. Khi hệ thống hạ tầng giao thông khung hoàn thành theo quy hoạch sẽ giải quyết được triệt để ùn tắc giao thông.
Các chuyên gia cho rằng, để tổ chức tốt nhất giao thông qua Ngã Tư Sở, về lâu dài cần hoàn thiện đoạn tuyến Vành đai 2 từ Ngã Tư Sở - Cầu Giấy, mở rộng lòng đường để đồng bộ năng lực lưu thông. Mặt khác, có thể xem xét mở rộng cầu vượt Ngã Tư Sở, trục thông hướng Nguyễn Trãi - Tây Sơn nếu chặn dòng lưu thông tại đường bên dưới. Trước mắt cần điều chỉnh lại hệ thống đèn tín hiệu, lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông cần xem xét lại việc phân làn, phân luồng cho các phương tiện giao thông. Hiện tại, 2 điểm lên xuống cầu quá gần ngã tư nên không thể bố trí điểm quay đầu. Các phương tiện không có điểm quay đầu buộc phải đi vào ngã tư để quay ngược trở lại dẫn đến dồn ứ hàng trăm mét. Nhiều phương tiện đi ngược chiều để tránh chỗ tắc đường trên đường Trường Chinh càng khiến tình trạng ùn tắc trở nên nghiêm trọng hơn.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội hiện đã có chỉ đạo và có phương án tháo gỡ, các đơn vị chức năng sẽ thường xuyên nắm bắt tình hình giao thông tại các nút, đặc biệt là trên tuyến đường Trường Chinh. Qua đó tổ chức điều tiết lại giao thông cho phù hợp, có sự điều chỉnh liên lục.
Mai Nam Sơn
Theo