(Xây dựng) – Đây là con số mà ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Metro Hà Nội đưa ra khi trình bày tham luận “Kinh nghiệm bước đầu về nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường sắt đô thị”, tại Hội thảo “Giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng” do Báo Giao thông tổ chức vào sáng 28/7.
Ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Metro Hà Nội trình bày tham luận tại Hội thảo |
Trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Metro Hà Nội cho biết, tính đến ngày 25/7/2022 Tuyến Metro Cát Linh – Hà Đông đã vận hành được 262 ngày an toàn với khối lượng hành khách đã vận chuyển khoảng 4,5 triệu lượt khách; Vận hành 06 đoàn tàu, giãn cách chạy tàu đều đặn 10 phút/chuyến; Tỷ lệ tàu chạy đúng giờ đạt 99,98%; Thời gian đầu, hành khách đi trải nghiệm nên lượng khách ở hai ga đầu cuối Cát Linh và Yên Nghĩa chiếm trên 50%, 10 ga còn lại chỉ chiếm gần 50%. Hiện tại, chủ yếu là hành khách có nhu cầu thực sự nên lượng khách phân bổ ở Cát Linh và Yên Nghĩa chỉ còn trên dưới 30%, còn 70% là khách trải đều ra 10 nhà ga còn lại.
Cũng theo ông Trường, từ tháng 04/2022 đến nay, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, lượng hành khách (HK) đi tàu đã tăng trên 2,5 lần so với trong thời gian giãn cách xã hội; Bình quân vận chuyển ngày thường 22.000HK - 24.000HK, cuối tuần 25.000HK - 30.000HK; Tỷ lệ HK đi vé tháng bình quân trong ngày trên 50%, giờ cao điểm hành khách sử dụng vé tháng chiếm 75-80%.
Bên cạnh những kết quả mà tuyến Metro Cát Linh – Hà Đông đã đạt được, để nâng cao hiệu quả khai thác, ông Trường cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm. Trước hết, cần nghiên cứu đặc tính nhu cầu, quy luật đi lại và mong muốn của khách;
Cần tạo điều kiện tiếp cận tốt nhất cho hành khách đến các nhà ga đường sắt đô thị (ĐSĐT) như: Tiếp cận đối với người đi bộ; Tiếp cận đối với người đi lại bằng phương tiện công cộng để di chuyển đến nhà ga (VD như: Xe bus, Grab…); Tiếp cận đối với người khuyết tật; Tiếp cận đối với người sử dụng phương tiện cá nhân trong giai đoạn đầu để tạo thói quen cho hành khách. Cần xây dựng chính sách giá vé hợp lý, đa dạng hóa hình thức thanh toán và với các loại vé phù hợp. Tăng cường tính kết nối của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tạo thuận lợi tối đa cho hành khách di chuyển bằng phương tiện công cộng. Khai thác tiềm năng thương mại, tăng cường tính hấp dẫn của đường sắt đô thị đối với khách du lịch.
Tạo dựng văn hoá sử dụng dịch vụ của hành khách cũng như văn hoá, chất lượng phục vụ hành khách của đơn vị vận hành đường sắt đô thị theo hướng văn minh, lịch sự ngay từ đầu.
Một bài học kinh nghiệm cuối cùng mà theo ông Trường cũng không kém phần quan trọng đó là làm tốt công tác tuyên truyền như: Phát thanh tuyên truyền tại các nhà ga và trên tàu, phát sổ tay hướng dẫn hành khách sử dụng dịch vụ trên tuyến ĐSĐT.
Tiến Hào
Theo