(Xây dựng) – Tại Hội thảo “Đánh giá thực trạng và định hướng phát triển chiếu sáng đô thị hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0” diễn ra sáng 6/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia cho rằng: Chiếu sáng đô thị rất quan trọng trong phát triển hiện nay. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư công dành cho chiếu sáng công cộng chưa tương xứng với quy hoạch cũng như dự báo định hướng từ cơ quan chức năng.
Ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội thảo sáng 6/9/2024. |
Thực trạng chiếu sáng đô thị
Ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết: Chiếu sáng đô thị là một thành phần, cấu thành không thể thiếu trong hệ thống các công trình kỹ thuật cơ sở hạ tầng đô thị. Chiếu sáng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn giao thông, tăng cường trật tự an ninh đô thị, làm đẹp cảnh quan môi trường, tăng tính thẩm mỹ cho đô thị và phát triển kinh tế đêm.
Qua 15 năm thực hiện các quy định về chiếu sáng đô thị, không những bảo đảm được yêu cầu về công năng chiếu sáng mà còn ngày càng bảo đảm tính hiệu quả, tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay có nhiều thay đổi trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý chiếu sáng như: Thay đổi về các yếu tố mới, bối cảnh mới, công nghệ mới đã tác động trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật về chiếu sáng đã ban hành.
Để có cơ sở điều chỉnh quy định đã được ban hành từ gần 15 năm qua đối với công tác phát triển chiếu sáng đô thị, ông Vinh mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo làm rõ các bất cập về thực trạng và giải pháp khắc phục trong chiếu sáng công cộng; các ý tưởng để phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị trong giai đoạn mới bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, thông minh, bảo vệ môi trường và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0; quy hoạch chiếu sáng đô thị tích hợp quy hoạch chung hoặc quy hoạch ngành; ngân sách đầu tư cho chiếu sáng là bao nhiêu % trong đầu tư công…
Bà Nguyễn Thị Như Vân, Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ chiếu sáng chia sẻ về thực trạng chiếu sáng hiện nay trên cả nước: “Đa số các đô thị loại đặc biệt, I, II, III, IV có tỷ lệ chiều dài đường phố được chiếu sáng cao do hệ thống chiếu sáng cơ bản đã hoàn chỉnh. Nhưng còn nhiều đô thị loại V ở vùng sâu, vùng xa hệ thống đường phố còn chưa hoàn thiện. Vì vậy, hệ thống chiếu sáng công cộng thô sơ, chủ yếu sử dụng đèn tự phát của người dân được lắp đặt trên trụ điện lực dẫn đến độ cao của đèn và khoảng cách bố trí của trụ điện không giống nhau nên chưa đảm bảo chất lượng chiếu sáng theo quy định. Ngoài ra, tại nhiều địa phương đèn đường do tuổi thọ đèn cao dẫn đến giảm hiệu suất, cây xanh che khuất, thiết kế không đạt yêu cầu... dẫn đến chất lượng chiếu sáng đường phố không được đảm bảo… Tỷ lệ được chiếu sáng trung bình của các đô thị thấp một phần do không có quy hoạch kế hoạch phát triển cụ thể, một phần do hệ thống chiếu sáng chưa được quan tâm đúng mực, đầu tư một cách manh mún, tự phát gây mất an toàn giao thông, an ninh khu vực, cũng như tiện nghi thị giác của người dân.
Theo bà Vân, cả nước hiện nay đa phần chưa lập quy hoạch chiếu sáng đô thị, chỉ có 3 đô thị là Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ đã lập quy hoạch chiếu sáng hoặc đã có nội dung quy hoạch chiếu sáng trong đồ án quy hoạch đô thị. Việc chậm trễ lập quy hoạch chiếu sáng sẽ dẫn đến việc gia tăng sự khó kiểm soát chiếu sáng tư nhân trong không gian đô thị, đặc biệt là chiếu sáng thương mại, quảng cáo và nghệ thuật. Ô nhiễm chiếu sáng và sự lãng phí năng lượng vì thế sẽ nghiêm trọng hơn.
Tương lai cho chiếu sáng đô thị
Ông Dương Chí Công, Chuyên gia hiệu quả giải pháp năng lượng VETS đưa ra dự báo nhu cầu phát triển chiếu sáng đô thị gồm 3 kịch bản: Thứ nhất kịch bản cơ sở là giữ nguyên hệ thống chiếu sáng hiện có và đầu tư mới hệ thống chiếu sáng sử dụng 100% đèn LED (theo quy định hiện tại); Kịch bản 2 là sử dụng 100% đèn LED vào năm 2030 và tiến hành đầu tư cải tạo toàn bộ hệ thống chiếu sáng đô thị hiện có sang sử dụng đèn LED, hoàn thành vào năm 2030. Các dự án đầu tư mới hệ thống chiếu sáng đô thị sử dụng 100% đèn LED; Kịch bản 3 là sử dụng 100% đèn LED và đầu tư hệ thống điều khiển trung tâm tại tất cả các đô thị vào năm 2030, tiếp tục mở rộng ở giai đoạn đến năm 2035.
Toàn cảnh Hội thảo về chiếu sáng đô thị sáng 6/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh. |
Vị chuyên gia này cho rằng, kịch bản 3 là kịch bản phù hợp với xu hướng hiện nay của nước ta và trên thế giới. Bởi phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị theo kịch bản 3 góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, mục tiêu Net-zero 2050 của Việt Nam.
Nói về định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2035, đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho rằng: Phát triển chiếu sáng đô thị phải theo quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển đô thị theo tiêu chí chiếu sáng thông minh đáp ứng đô thị thông minh; đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng mới trong chiếu sáng đô thị đảm bảo tiết kiệm hiệu quả theo xu hướng đô thị xanh và bảo vệ môi trường hướng tới phát thải ròng bằng 0.
Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật, giải pháp trong thời gian tới là hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển chiếu sáng công cộng đô thị như: Đề xuất các nội dung quản lý phát triển chiếu sáng đô thị bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và thông minh; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định làm cơ sở để đa dạng hóa nguồn lực phát triển chiếu sáng, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia; nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các quy định hiện hành để khắc phục các vấn đề bất cập như nguồn ngân sách, thời hạn gói thầu dịch vụ quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị.
Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch chiếu sáng trong các đồ án quy hoạch đô thị. Cần quy định rõ, cụ thể kế hoạch phát triển chiếu sáng công cộng trong kế hoạch đầu tư trung hạn tại các tỉnh, thành; ưu tiên ngân sách đầu tư phát triển hệ thống chiếu sáng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, gắn với phát triển đô thị thông minh. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị…
Cao Cường
Theo