(Xây dưng) - Tôi chẳng nhớ mình gặp các thầy giáo, cô giáo cụ thể từ khi nào, nhưng chắc chắn từ khi Đoàn khối Bộ Xây dựng có ý tưởng, tổ chức Hội thi “Bàn tay vàng ngành Xây dựng” thì các thầy chính là những người hỗ trợ, góp ý từ khâu xây dựng dự thảo kế hoạch, thể lệ thi, ra đề thi, chấm thi và công bố kết quả.
Hội thi “Bàn tay vàng ngành Xây dựng”, được Đoàn Khối Bộ Xây dựng tổ chức cách nay hơn 10 năm, từ đó đến nay hàng năm hoạt động thi tay nghề xây dựng dưới nhiều cấp độ khác nhau: cấp Khối, cấp thành, và đến nay Hội thi được nâng cấp thành hoạt động chung của Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP.HCM vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống thanh niên công nhân TP (15/10).
Dù là hoạt động phong trào, mỗi năm tổ chức một lần nhưng sau hơn 10 năm Hội thi “Bàn tay vàng ngành Xây dựng” được tổ chức thì cũng chừng ấy năm có một lượng thí sinh ước khoảng 1.200 người thợ trẻ lành nghề từng tham dự các kỳ thi tích lũy thêm cho bản thân một chút vốn kiến thức gồm lý thuyết, thực hành, vệ sinh an toàn lao động, những yêu cầu bắt buộc trước, trong và sau khi hoàn thành nội dung thi, qua đó giúp người thợ tiếp tục vận dụng vào thực tiễn công việc của mình trong cuộc sống.
Năm nay, Trường Cao đẳng Xây dựng TP.HCM (Cao đẳng Xây dựng số 2) tiếp tục là đơn vị được Đảng ủy Khối Bộ Xây dựng, Thành đoàn TP.HCM lựa chọn là đơn vị chịu trách nhiệm từ địa điểm, nội dung thi (lý thuyết, thực hành, chấm thi…). Hội thi “Bàn tay vàng ngành Xây dựng”, là Hội thi cấp TP cho nên Đảng ủy - Ban Giám hiệu Trường yêu cầu rất cao từ khâu chuẩn bị cho đến khi hoàn thành Hội thi, khoa Xây dựng chịu trách nhiệm toàn bộ các nội dung.
Nhiều năm rồi, nhận thấy sinh viên của Trường không đăng ký tham gia thi, băn khoăn điều này người viết có chia sẻ suy nghĩ của mình với thầy Nguyễn Sĩ Tuấn - Trưởng khoa Xây dựng, Trưởng ban giám khảo Hội thi qua nhiều năm, thầy chia sẻ: “Các em sinh viên của Trường vài năm trở lại đây không tham gia thi như vậy sẽ khách quan hơn cho các thầy (cô) lúc chấm thi, mỗi năm bình quân có trên 20 đội đến từ các đơn vị cơ sở Đoàn trong toàn TP đăng ký tham gia, điều đó cho thấy uy tín từ Hội thi rất lớn, nếu đội của Trường thi đạt giải e rằng cũng khó giải thích”.
Như đã chia sẻ, sau hơn 10 năm tổ chức “Hội thi Bàn tay vàng” cũng chừng ấy năm người viết có dịp được tiếp xúc với các thầy (cô) công tác tại Khoa Xây dựng của Trường Cao đẳng Xây dựng TP.HCM trong những ngày chuẩn bị cho đến khi kết thúc Hội thi mới cảm nhận hết sự gắn bó với Trường, sự tinh thông về chuyên môn và khả năng xử lý các tình huống phát sinh trong thực hành, đây chính là một nhân tố quan trọng để góp phần xây dựng Khoa, Trường trở thành một “vườn ươm”, mỗi mùa đều cho “hoa thơm trái ngọt”.
Tại Hội thi năm 2019, một đội thi có kết quả chấm sơ bộ 76/80 điểm thi thực hành, với yêu cầu khắt khe về chuyên môn (độ phẳng, nghiêng, mạch vữa…), trong quá trình họp Hội đồng Ban giám khảo, các thầy đánh giá có thể tổ chấm có sai sót nên tiến hành chấm lại, mời đại diện 26 đội còn lại chứng kiến quá trình chấm lại, phân tích các yếu tố, kỹ thuật xây dựng. Kết quả đội đáng lẽ đạt giải “Bàn tay vàng” phải tâm phục, khẩu phục chấp nhận giải Khuyến khích.
Trước khi đặt bút viết bài cảm nhận, người viết có trao đổi cùng thầy Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường - Nguyễn Văn Thọ về tỷ lệ sinh viên Khoa Xây dựng ra trường có việc làm như thế nào? thầy hào hứng chia sẻ: “Sinh viên Khoa Xây dựng ra trường đến đâu các DN nhận đến đó, thậm chí nhiều DN trực tiếp đến Trường tuyển dụng cũng không có đủ sinh viên để làm việc”. Cách đây hơn một năm, một người bạn phụ trách bộ phận Trưởng phòng nhân sự của một DN lớn nhờ tôi giới thiệu 27 sinh viên Khoa Xây dựng mới ra Trường để vào DN làm việc, cuối cùng chỉ giới thiệu được một bạn sinh viên.
Vì sao nhiều năm liền Hội thi “Bàn tay vàng ngành Xây dựng” trước đây của Đoàn Khối Bộ Xây dựng, nay là Thành đoàn TP.HCM lại chọn đơn vị đăng cai là Trường Cao đẳng Xây dựng TP.HCM cũng có cái lý, bởi bên cạnh hoạt động phong trào, yếu tố quan trọng nhất chính ở năng lực chuyên môn của Trường, ở sự chuyên nghiệp, kinh nghiệm từ các thầy (cô) Khoa Xây dựng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề cao quý”. Thật vậy, cho dù bạn và tôi chưa từng là sinh viên của Trường nhưng là những người thợ xây dựng, một bài học được các thầy (cô) phân tích 30 câu hỏi lý thuyết, 60 phút thực hành tại Hội thi “Bàn tay vàng Ngành Xây dựng” cũng đủ để mỗi chúng ta 1.200 những thí sinh từng tham gia các Hội thi “Bàn tay vàng ngành Xây dựng” có thêm rất nhiều kinh nghiệm, kiến thức quý giá để tiếp tục cống hiến, phục vụ ngành Xây dựng và lớn hơn nữa phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhân kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20 - 11, các bạn và tôi, chúng ta xin kính gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến tập thể Đảng ủy - Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Xây dựng TP.HCM, đến quý thầy cô của Trường như một lời tri ân sâu sắc nhất.
Nguyễn Ngọc - Phương Mai
Theo