Thứ sáu 08/11/2024 01:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Giáo dục

Trường Cao đẳng nghề LILAMA-1: Đào tạo nghề theo công nghệ CHLB Đức

15:27 | 19/11/2019

(Xây dựng) - Trường Cao đẳng nghề LILAMA-1 nằm giữa trung tâm tỉnh Ninh Bình được thành lập năm 1977 có tên là Trường Công nhân kỹ thuật Lắp máy Hà Nam Ninh; sau nhiều lần thay đổi tên gọi, nay là Trường Cao đẳng nghề LILAMA-1 thuộc Bộ Xây dựng. Đây là cái nôi đào tạo nguồn công nhân kỹ thuật cho các công trình xây dựng. Mới đây, Trường đã khai giảng lớp đào tạo nghề cấp độ quốc tế, chương trình chuyển giao từ CHLB Đức, nghề Hàn và Chế tạo thiết bị cơ khí.

truong cao dang nghe lilama 1 dao tao nghe theo cong nghe chlb duc
ThS. Phạm Duy Bảy - Hiệu trưởng nhà trường trò chuyện với sinh viên lớp Hàn và Chế tạo thiết bị cơ khí theo công nghệ CHLB Đức.

Phát huy, kế thừa 42 năm truyền thống vẻ vang

Có thể khẳng định trong suốt chặng đường 42 năm xây dựng và phát triển của mình, Trường Cao đẳng nghề LILAMA-1 xứng đáng là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực lớn của cả nước. Từ mái trường này đã đào tạo cho ra lò nhiều thế hệ công nhân kỹ thuật ở nhiều ngành nghề khác nhau như: Hàn, điện, lắp máy, nổ, gò, chế tạo thiết bị bậc thợ từ 2/7 đến 3/7. Đây chính là nguồn nhân lực lớn phục vụ các công trình xây dựng trọng điểm quốc gia như: Thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu… và rất nhiều công trình xây dựng dân dụng khác.

Đúng như lời nhận xét của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khi về thăm và làm việc với trường (20/11/2018): “Đây là thành quả của các thầy, cô giáo cùng toàn thể cán bộ, công chức viên chức, học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng nghề LILAMA-1 đã có nhiều cố gắng, vượt qua khó khăn, thách thức triển khai đồng bộ các giải pháp để đổi mới công tác quản lý, mô hình phương pháp dạy học”.

Bộ trưởng cũng yêu cầu nhà trường “Cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, trong thời gian tới nhà trường cần tiếp tục chủ động sáng tạo trong việc xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, giảng viên và học sinh sinh viên đoàn kết, thống nhất và dân chủ. Và chú trọng công tác tuyển sinh, tăng chỉ tiêu các ngành có nhu cầu cao, xã hội quan tâm”.

truong cao dang nghe lilama 1 dao tao nghe theo cong nghe chlb duc

Chương trình chuyển giao từ CHLB Đức

Theo thầy giáo ThS Phạm Duy Bảy - Hiệu trưởng nhà trường: Dự án hợp tác Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam - CHLB Đức bắt đầu từ năm 2015. Qua gần 5 năm chuẩn bị các điều kiện, nội dung chi tiết, dự án này đến nay đã chọn được 22 nghề được chuyển giao từ chương trình của Đức. Kiểm định lựa chọn các trường trên toàn quốc, lựa chọn đối tác triển khai AIC, Avestos, chuyển giao tài liệu, cơ sở vật chất, tuyển chọn giáo viên tham gia tập huấn tại Đức, Trường đã vinh dự được lựa chọn chuyển giao 2 nghề Hàn và Chế tạo thiết bị cơ khí, được phía Đức và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện theo tiêu chuẩn của Đức để đào tạo trình độ cao đẳng cấp độ quốc tế với chương trình chuyển giao từ Đức. Đây là kết quả từ sự nỗ lực không ngừng, sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của lãnh đạo nhà trường, sự không ngừng phấn đấu, chủ động, tích cực trong công việc của cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc nhà trường được chọn đào tạo hai nghề Hàn và Chế tạo thiết bị cơ khí là sự ghi nhận của các các bộ, ngành, tổng cục và các cơ quan của CHLB Đức. Nhà trường đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho phát triển các nghề trọng điểm, mục tiêu phát triển trường thành trường chất lượng cao, trọng điểm trong cả nước. Trường đã cử 8 giáo viên nghề Hàn và Chế tạo thiết bị cơ khí sang Đức tập huấn và đạt kết quả tốt.

Thầy Phạm Duy Bảy nhận định: Năm học 2019 - 2020 vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhà trường quyết tâm cao để hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, đặc biệt dành nhiều thời gian quan tâm đến chương trình chuyển giao công nghệ đào tạo hai nghề hàn và chế tạo thiết bị cơ khí theo công nghệ CHLB Đức.

Những nhiệm vụ trọng tâm

Để đảm bảo chất lượng của các lớp học theo yêu cầu của chương trình đào tạo nhà trường tập trung một số nội dung sau: Thực hiện chấn chỉnh kỷ cương, nề nếp dạy, học, nề nếp làm việc, tinh thần, thái độ, ý thức phục vụ trong nhà trường gắn với chất lượng, hiệu quả công việc. Các thầy cô giáo, nhất là nhóm hạt nhân 8 các thầy cô vừa đi bồi dưỡng tại CHLB Đức về cùng nhau nghiên cứu kỹ Bộ chương trình đào tạo chuyển giao từ Đức, quy chế đào tạo, thi tốt nghiệp, quy trình vận hành dạy và học. Áp dụng kỹ năng, kiến thức đã được tập huấn tại Đức để đưa vào giảng dạy. Đổi mới phương pháp dạy, học theo hướng chủ động, sáng tạo và phát huy năng lực người học; đổi mới phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Các phòng, khoa quan tâm dành điều kiện tốt nhất, kết hợp với DN xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể bao gồm cả nội dung theo hướng dẫn của Bộ chương trình chuyển giao để bố trí hợp lý lịch học các phần khoa học, thực tiễn và hiệu quả, đảm bảo mục tiêu chương trình đề ra. Các em sinh viên cần nỗ lực, chủ động trong học tập, thực sự là trung tâm trong đào tạo, đảm bảo sinh hoạt tốt để giữ gìn sức khỏe. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên của nền kinh tế sáng tạo, theo đó năng lực sáng tạo sẽ là thước đo cơ bản khả năng làm việc của mỗi người. Sáng tạo sẽ tạo nên thành tựu. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các em phải tìm hiểu và học cách tư duy sáng tạo. Đặc biệt hơn, các em phải đề cao tính kỷ luật, bởi kỷ luật chính là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu. Nhà trường mong các em ra sức trau dồi kiến thức, rèn đức, luyện tài, hết mình với nhiệt huyết của tuổi trẻ để lĩnh hội tri thức, khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong giai đoạn hội nhập quốc tế, làm nền tảng cho sự phát triển của bản thân trong tương lai.

Nhà trường sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên trong quá trình học tập và mong muốn có đóng góp nhất định những lợi ích từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần thiết thực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Ban giám hiệu Nhà trường đề nghị toàn thể các thầy giáo, cô giáo, cán bộ công nhân viên nhà trường hãy chung sức, đồng lòng, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cống hiến cho sự phát triển chung của nhà trường; giáo dục các em sinh viên bằng cả lương tâm, trách nhiệm, tình yêu thương để đào tạo ra những “kỹ sư thực hành” chuẩn quốc tế.

Những kết quả trên trong công tác đào tạo của nhà trường là rất đáng trân trọng và ghi nhận, để Trường Cao đẳng nghề LILAMA-1 ngày càng phát triển, nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0 nhà trường đang đổi mới toàn diện phương pháp đào tạo để phát triển và hội nhập với quốc tế.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Báo Xây dựng xin được gửi tới các thầy cô giáo nhà trường lời chúc sức khỏe, chúc Trường Cao đẳng nghề LILAMA-1 ngày càng phát triển, luôn xứng đáng với tin tưởng của Bộ Xây dựng là cái nôi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực lao động cho ngành Xây dựng cả nước.

Hà Lan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load