(Xây dựng) - Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai nên được xây dựng với nhiều mảng xanh và không có “vùng chết”, tức là sau giờ làm việc hành chính vẫn có các chức năng hỗn hợp, các khu thương mại, dịch vụ đi kèm, chỗ vui chơi nhộn nhịp cho người dân về đêm.
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện hữu, nằm bên sông Đồng Nai gần khu vực cầu Đồng Nai sẽ được di dời, chuyển đổi công năng thành khu đô thị - thương mại và Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai. |
Nhiều ý tưởng
Trung tâm chính trị - hành chính là một trong những đề án quan trọng được tỉnh Đồng Nai quan tâm từ nhiều năm nay. Việc xây dựng Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh từng nhiều lần được tính toán thực hiện với nhiều địa điểm khác nhau, như ở vùng trung tâm nội ô thành phố Biên Hòa hiện tại, có khi lại có ý định thực hiện ở vùng phát triển về phía Đông thành phố, sau đó chốt lại ở khu vực Khu công nghiệp Biên Hòa 1 khi khu công nghiệp này được di dời, chuyển đổi công năng.
Tháng 2/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị, thương mại, dịch vụ. Theo đó, trong Khu đô thị, dịch vụ, thương mại này sẽ có hai dự án trọng tâm chia thành 2 khu vực gồm khu Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai (rộng khoảng 44ha) và Khu đô thị - dịch vụ Biên Hòa 1 (rộng hơn 283ha).
Liên quan việc xây dựng Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai, mới đây tỉnh Đồng Nai cũng đã tổ chức hội thảo nhằm tìm kiếm một mô hình khả quan nhất. Qua đó, tại hội thảo đã có 5 đơn vị tư vấn đến từ 4 quốc gia phát triển là Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore và các chuyên gia trong nước đóng góp ý tưởng. Từ đó, nhiều ý tưởng có giá trị được đúc rút từ những kinh nghiệm xây dựng các Trung tâm chính trị - hành chính đã triển khai từ trong nước đến trên thế giới đã được chia sẻ.
Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Surbana Jurong - đơn vị tư vấn thuộc Chính phủ Singapore cho rằng khi thực hiện một trung tâm hành chính lớn thì cần quan tâm vấn đề phải có các chức năng hỗn hợp khác đi kèm. Những khu hỗn hợp này, nếu mang tính chất hành chính thì cho phép hoạt động trong giờ hành chính và ngược lại sẽ được hoạt động tự do theo đặc thù của nó.
Đại diện Tập đoàn Surbana cũng đưa ra ý tưởng là có thể phân tán các tòa nhà có "vùng chết" thông qua những cụm khu dân cư, hoặc thêm các hoạt động ở các khu còn bỏ trống, tận dụng hết công năng đồng thời để giúp khu vực trở nên sống động.
Còn theo KTS Khương Văn Mười, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thì việc tỉnh Đồng Nai xây Trung tâm chính trị - hành chính dù là cấp thiết nhưng vẫn cần quan tâm quy hoạch xung quanh thật bài bản, căn cơ để kích thích sự phát triển đô thị Biên Hòa. Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển đô thị ven sông Đồng Nai để thu hút nhà đầu tư.
KTS Khương Văn Mười cũng nhấn mạnh, trong xu thế phải đề cao yếu tố môi trường hiện nay, thì khu Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh đặc biệt phải có quy hoạch kiến trúc theo hướng đô thị xanh, net zero, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, KTS Nguyễn Văn Tất, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, xây dựng khu Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh, một yếu tố quan trọng cần quan tâm là tính liên kết, tính “mở” về không gian. KTS Nguyễn Văn Tất lưu ý, không nên thả nổi các vấn đề về tiện ích, tính hiệu quả… trong thiết kế của trung tâm hành chính. “Cần thay khái niệm khu hành chính tập trung bằng khu đô thị hành chính, cần kết hợp nhiều loại công trình và công năng khác trong đó, kể cả có sự xuất hiện của các khu nhà ở cao cấp”, KTS Nguyễn Văn Tất chia sẻ.
KTS Nguyễn Văn Tất cho rằng hiện tại trên cả nước đã có nhiều tỉnh, thành xây dựng khu Trung tâm chính trị - hành chính. Tuy nhiên về hiệu quả, tiện ích, chi phí vận hành vẫn còn “mơ hồ”, chưa được đánh giá, tổng kết cụ thể. Vì vậy, việc xây dựng Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai cần tính toán kết hợp với phát triển đô thị, gần gũi với công chúng với những chức năng đi kèm như khu dân cư, giải trí, mua sắm, du lịch. KTS Nguyễn Văn Tất đồng ý với vấn đề thực hiện Trung tâm chính trị - hành chính không để trở thành một "vùng chết" sau giờ làm việc.
Mang tính kết nối
Khẳng định vai trò quan trọng của khu Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh trong tương lai, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thông tin rằng, tỉnh sẽ chọn vị trí đẹp nhất, đắc địa nhất tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sau khi di dời, để xây dựng Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh. Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh sẽ gắn liền với sông Đồng Nai, với kinh tế đêm đồng thời kết hợp với khu đô thị để tạo nên khu vực sống động. Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh cũng sẽ được quan tâm mang tính kết nối với đô thị Biên Hòa hiện hữu, Khu đô thị Hiệp Hòa (cù lao Phố), sân bay Biên Hòa và sân bay quốc tế Long Thành.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, quá trình xây dựng Trung tâm chính trị - hành chính, tỉnh sẽ tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và người dân, nhằm xây dựng một trung tâm hiện đại nhưng vẫn mang biểu tượng đặc trưng cho văn hóa, con người Đồng Nai. Ông Võ Tấn Đức thông tin thêm, dù nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng hiện nay cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của các cơ quan, Sở, ban, ngành cấp tỉnh của Đồng Nai đang hoạt động rất phân tán, manh mún. Tỉnh hiện cũng chưa có quảng trường có quy mô xứng tầm có thể tổ chức được các lễ hội, sự kiện lớn.
Do vậy tỉnh Đồng Nai xác định, quy mô Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh được xây dựng phải xứng tầm, gắn liền với quảng trường tầm cỡ có thể tổ chức các lễ hội lớn, bố trí các khu trung tâm hội nghị - triển lãm quy mô cấp tỉnh và khu vực. Mô hình cũng phải nghiên cứu giải quyết được vấn đề kết nối với các vùng trung tâm khác bằng nhiều phương thức như đường bộ, đường thủy, cầu vượt sông, không gian ngầm…
Theo kế hoạch, công trình hạ tầng Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai có thể khởi được công xây dựng vào quý III/2027, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào khoảng quý IV/2028.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cũng khẳng định, việc xây dựng Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai là cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài của địa phương. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu ngành chức năng của tỉnh xác định cụ thể quy mô, diện tích để đảm bảo trung tâm hành chính tiết kiệm đất, tiết kiệm không gian, không lãng phí. UBND tỉnh Đồng Nai phải sớm tổ chức cuộc thi tuyển ý tưởng thiết kế Trung tâm chính trị - hành chính, lựa chọn mô hình xây dựng phù hợp, xứng tầm, xác định rõ nguồn lực đầu tư, mốc thời gian thực hiện.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cũng lưu ý, ngay từ bây giờ đã có thể lên phương án về kế hoạch sử dụng hoặc đấu giá trụ sở của các cơ quan hành chính hiện hữu để khi di dời, sắp xếp lại hợp lý.
Trước đó, từ ngày 5/4/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị lần thứ 11 khóa XI, thông qua Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương di dời khu Trung tâm Hành chính tỉnh về Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện hữu. Khu công nghiệp Biên Hòa 1 rộng 320ha, là khu công nghiệp đầu tiên và lâu đời nhất tại Việt Nam, thành lập năm 1963. Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được đánh giá là đã “kết thúc sứ mệnh lịch sử”, từ năm 2008 tỉnh Đồng Nai đã đề xuất Chính phủ chuyển đổi công năng khu công nghiệp này. Năm 2009, Chính phủ đồng ý chủ trương chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ. Đầu năm 2024, Đồng Nai ban hành đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường. Tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu cuối năm 2025 sẽ di dời toàn bộ doanh nghiệp ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 44ha, phần còn lại để xây dựng khu đô thị - thương mại - dịch vụ. Theo tính toán ban đầu, chi phí xây dựng khu đô thị - thương mại - dịch vụ trên 800.000 tỷ đồng. |
Nguyễn Đức Dũng
Theo