(Xây dựng) – Ngày 22/6, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Triệu Phước (Triệu Phong, Quảng Trị) đã tổ chức Lễ công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đây là xã thứ 3 của huyện Triệu Phong đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao cho lãnh đạo xã Triệu Phước. |
Năm 2011, Triệu Phước là xã đầu tiên được huyện công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; năm 2015 xã Triệu Phước là 1 trong 4 xã đầu tiên của huyện được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ đó đến nay, Đảng ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân xã Triệu Phước luôn xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài.
Để kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn trước, trong những năm vừa qua, được sự quan tâm, lãnh, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, HĐND, UBND và các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện Triệu Phong và địa phương đã tập trung huy động nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án thực hiện việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, đáp ứng tốt hơn nữa mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 ước đạt 12,4 %, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 68,69 triệu đồng. Cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội đã từng bước đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa có sự chuyển biến tích cực, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên. Sự nghiệp giáo dục đào tạo đạt được nhiều kết quả quan trọng, mặt bằng dân trí được nâng lên.
Sự nghiệp y tế có bước chuyển biến tích cực, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm thường xuyên, công tác chính sách xã hội, giảm nghèo được chú trọng. Quốc phòng an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị ngày càng được củng cố và vững mạnh.
Được biết, từ việc thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 20/4/2021 của Huyện ủy Triệu Phong, về xây dựng huyện Triệu Phong đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025, UBND huyện Triệu Phong đã ban hành Đề án số 2059/ĐA-UBND ngày 29/6/2022 của UBND huyện về xây dựng huyện nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025. Đến nay, huyện tự đánh giá cơ bản đã đạt theo yêu cầu của Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới theo quy định, là 100% xã đạt nông thôn mới, 10% xã đạt nông thôn mới nâng cao, thị trấn Ái Tử đạt chuẩn đô thị văn minh, huyện đạt 9 tiêu chí theo bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, đã được Hội đồng tỉnh thẩm tra, đề xuất Trung ương thẩm định, xét công nhận.
Câu Bắc Phước bắc qua sông Thạch Hãn nối ốc đảo Bắc Phước với đất liền, góp phần phát triển kinh tế phía Bắc của xã Triệu Phước. |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh: Xã Triệu Phước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thêm một lần nữa khẳng định sự thành công, của công cuộc xây dựng nông thôn mới của quê hương Triệu Phong. Đây vừa là vinh dự, vừa là niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm to lớn của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân. Đồng thời, đồng chí cũng lưu ý, với quan điểm xuyên suốt, xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Vì vậy, đề nghị Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Triệu Phong và xã Triệu Phước cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, thiết thực nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng để đảm bảo sự hài lòng mọi mặt của người dân như vấn đề nước sạch cho người dân, bảo vệ môi trường, tổ chức sản xuất...
Phó Chủ tịch Hà Sỹ Đồng cũng khẳng định: “Xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng to lớn, lâu dài, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đồng thời đòi hỏi sự ủng hộ, vào cuộc của toàn xã hội. Với truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Triệu Phước, tôi tin tưởng rằng xã nhà sẽ đạt được nhiều kết quả to lớn hơn nữa trong xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, hướng đến những miền quê đáng sống, đáng để trở về”.
Hữu Tiến
Theo