(Xây dựng) – Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2024, các doanh nghiệp của Hiệp hội phấn đấu đạt sản lượng sản xuất 35 triệu m2/năm, sản lượng tiêu thụ là 34 triệu m2/năm. Để ổn định thị trường và giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định, Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn ông Võ Quang Diệm - Chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam.
Ông Võ Quang Diệm - Chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam |
PV: Ông có thể cho biết tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành phibro xi măng hiện nay?
Ông Võ Quang Diệm: Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của ngành Xây dựng, tình hình sản xuất và tiêu thụ các loại vật liệu xây dựng trong năm 2023 đồng loạt sụt giảm so với năm 2022.
Đối với xi măng, Bộ Xây dựng ghi nhận sản lượng sản xuất năm 2023 dự kiến 89,4 triệu tấn, giảm khoảng 5,45% so với năm 2022, lượng tiêu thụ khoảng 89 triệu tấn, giảm khoảng 6% so với năm 2022. Trong đó, tiêu thụ xi măng nội địa khoảng 56,8 triệu tấn (giảm khoảng 10% so với năm 2022), xuất khẩu xi măng và clinker khoảng 32,6 triệu tấn (tăng khoảng 2% so với năm 2022), giá trị xuất khẩu ước đạt 1,23 tỷ USD.
Đối với gạch ốp lát, sản lượng sản xuất đạt khoảng 386,5 triệu m2, giảm khoảng 15%, sản lượng tiêu thụ khoảng 291,5 triệu m², giảm 25% so với năm 2022. Sản lượng sản xuất sứ vệ sinh đạt gần 12,5 triệu sản phẩm, giảm khoảng 25% so với năm 2022, sản lượng tiêu thụ khoảng 11 triệu sản phẩm.
Sản lượng sản xuất kính xây dựng đạt khoảng 211 triệu m2, giảm khoảng 2% so với năm 2022. Sản lượng tiêu thụ năm 2023 khoảng 168 triệu m2. Sản xuất và tiêu thụ vôi chỉ đạt 2,5 triệu tấn, giảm khoảng 2,5% so với năm 2022. Sản lượng sản xuất đá ốp lát đạt khoảng 12 triệu m2.
Về tấm lợp phibro xi măng, sản lượng sản xuất đạt 32,6 triệu m2 giảm 18% so với năm 2022, tiêu thụ đạt 32,3 triệu m2 giảm 16% so với năm 2022.
Năm 2023 thực sự là một năm cực kỳ khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm xi măng sợi (phibro xi măng), do các yếu tố đầu vào như: amiăng trắng, xi măng, chi phí vận chuyển tăng, trong đó amiăng trắng tăng 3,67% dẫn đến giá thành sản phẩm phibro xi măng tăng. Thị trường giảm sút, sản phẩm khó tiêu thụ khiến hầu hết các doanh nghiệp đều phải tạm dừng sản xuất từ 2-7 tháng, một vài doanh nghiệp phải dừng sản xuất lâu dài, chuyển đổi sản xuất hoặc giải thể.
Giá bán ghi nhận tại 3 miền đều thấp, khu vực phía Bắc bình quân 24.000-26.000 đ/m2, miền Trung 26.000 – 31.000 đ/m2, miền Nam từ 31.000-51.000 đ/m2. Giá bán này thì doanh nghiệp không có lợi nhuận để tái đầu tư, khó đảm bảo thu nhập cho người lao động. Đó là những thách thức lớn.
PV: Thưa ông, các sản phẩm tấm lợp phibro xi măng hiện có chất lượng ra sao? Các sản phẩm mới đã đem lại hiệu quả như thế nào?
Ông Võ Quang Diệm: Các sản phẩm tấm lợp của các doanh nghiệp Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam đưa ra thị trường bắt buộc phải tuân thủ quy định tại Điều 10 của Nghị định số 09/2021/NĐ-CP, TCVN 4434:2000 và QCVN 16:2022/BXD. Tuy nhiên trong năm 2023 có nhiều nguồn cung cấp amiăng trắng, có một vài nhãn mác sản phẩm chất lượng chưa ổn định. Điều này nhất định phải khắc phục trong năm 2024.
Hiệp hội tấm lợp Việt Nam trao tặng cho Mái ấm Giu Sê ngôi nhà trị giá trên 700 triệu đồng. |
Ngoài ra, việc đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến mẫu mã, quảng bá thương hiệu, chất lượng sản phẩm có tác động rất lớn đến thị hiếu người tiêu dùng, đến thị trường tiêu thụ tấm lợp phibro xi măng và các sản phẩm xi măng sợi. Nhiều sản phẩm, mẫu mã mới của các doanh nghiệp như: Tấm sóng màu, tấm phẳng, tấm panel cách nhiệt Sanwich, tấm xi măng Uniboard dày từ 8-18mm, tấm Siding ốp tường vân gỗ, tấm vân gỗ vách tường, ngói Diamond, tấm lót sàn MPC được giới thiệu trên các gian hàng của Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam tham gia triển lãm Vietbuild 2023 tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Các sản phẩm mới này cũng đã được áp dụng để xây dựng công trình từ thiện nhà ở cho “Mái ấm Giu Sê” và nhà Văn hóa cho bản Huổi Châng, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên rất thành công về chất lượng, kiến trúc và màu sắc.
PV: Trong năm 2024, để phát triển và ổn định sản xuất của ngành tấm lợp phibro xi măng, Hiệp hội đề xuất những giải pháp gì?
Ông Võ Quang Diệm: Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng amiăng trắng có điều kiện để sản xuất vật liệu xây dưng như quy định của Luật Đầu tư, Luật Hóa chất để doanh nghiệp an tâm đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến mẫu mã. Chấm dứt tình trạng luật pháp cho phép sử dụng amiăng trắng có điều kiện nhưng vẫn có đơn vị kiến nghị lộ trình cấm, trái với Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng quy định trong Quyết đinh số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020.
Nhà văn hoá bản Huổi Châng, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biện do Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam xây dựng và trao tặng. |
Về phía các doanh nghiệp cần khắc phục những tồn tại trong năm 2023 như cạnh tranh thị trường lẫn nhau bằng cách giảm giá bán. Kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh, đảm bảo chất lượng sản phẩm theo TCVN 4434:2000 và QCVN 16:2022/BXD. Các doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau để thống nhất giá sàn theo khu vực, đàm phán với các nhà cung cấp đầu vào ổn định giá và chất lượng amiăng trắng.
Đa dạng hóa sản phẩm là vấn đề sống còn của ngành tấm lợp, do đó năm 2024 Hiệp hội tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới, cung cấp cho thị trường các sản phẩm mới, chất lượng tốt, chịu được khí hậu ẩm nhiệt đới, khí hậu ven biển. Do sợi amiăng trắng là loại sợi chịu nhiệt tốt nên Hiệp hội sẽ cùng các viện nghiên cứu sản xuất thử nghiệm các sản phẩm chịu nhiệt đáp ứng QCVN 06:2022/BXD về an toàn chống cháy cho nhà và công trình. Đây là loại sản phẩm đang rất cần cho thị trường Việt Nam.
Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam tiếp tục hỗ trợ doanh quảng bá thương hiệu, quảng bá nhãn mác để người tiêu dùng hiểu và chấp nhận. Năm 2024 sẽ chấm dứt hiện tượng loạn nhãn mác hàng hóa, nhãn mác không có xuất xứ rõ ràng, chất lượng chưa ổn định theo TCVN 4434:2000 về tấm lợp phibro xi măng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Yến Mai
Theo