Thứ sáu 20/09/2024 14:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

Triển khai đề án thành lập thành phố Thủy Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng

19:27 | 17/03/2021

(Xây dựng) - Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng vừa làm việc với Ban Thường vụ huyện Thủy Nguyên về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 25 Đảng bộ huyện đến nay; tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm và kết quả xây dựng xã Nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện; việc triển khai đề án thành lập thành phố Thủy Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng.

trien khai de an thanh lap thanh pho thuy nguyen thuoc thanh pho hai phong
Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng làm việc với huyện Thủy Nguyên.

Ông Lê Văn Thành - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng nhấn mạnh: Huyện Thủy Nguyên có tốc độ phát triển mạnh, được thành phố quan tâm chỉ đạo, triển khai nhiều chương trình, dự án lớn. Với chủ trương, mục tiêu Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố Hải Phòng đề ra, nhất là việc triển khai đề án thành lập thành phố Thủy Nguyên trực thuộc thành phố và chuyển trung tâm chính trị, hành chính thành phố, huyện Thủy Nguyên sẽ trở thành động lực phát triển kinh tế lớn của thành phố. Do đó, việc xây dựng hạ tầng giao thông, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện rất quan trọng.

Huyện Thủy Nguyên đang triển khai nhiều dự án lớn, thực hiện giải phóng mặt bằng nhiều nhất trên địa bàn thành phố. Huyện là vùng đất địa linh nhân kiệt, nên việc phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với giữ gìn các giá trị, di tích lịch sử. Huyện Thủy Nguyên có sông Giá, với giá trị tiềm năng lớn, cần thiết phải có quy hoạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm nguồn nước sạch cung cấp cho thành phố, tiến tới khai thác lợi ích từ sông Giá, kết nối với các khu di tích trên địa bàn huyện.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Lập - Bí thư Huyện ủy Thủy Nguyên báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Năm 2020 là năm đầu thực hiện Nghị quyết các Đại hội, huyện Thủy Nguyên vượt 14/16 chỉ tiêu thành phố giao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng trong tốp đầu các quận, huyện, đạt tỷ lệ 14,3%. Đặc biệt, chỉ tiêu thu cân đối ngân sách đạt 192,4% dự toán thành phố giao, bằng 255% thu ngân sách năm 2019, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 25 Đảng bộ huyện ngay từ năm đầu. Năm 2020, huyện Thủy Nguyên có 43 công trình được khởi công và hoàn thành ngay trong năm, đầu năm 2021 tiếp tục khởi công 75 công trình. Quý I/2021, huyện Thủy Nguyên hoàn thành 10/13 chỉ tiêu; trong đó tổng giá trị sản xuất các ngành đạt hơn 7.762 tỷ đồng, đạt 22,3% kế hoạch năm, tăng 11,6% so với cùng kỳ; tổng thu cân đối ngân sách đạt 289,5 tỷ đồng, đạt 18,4% dự toán cả năm.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm phát triển với 34 công trình cơ sở giáo dục được đầu tư mới, hoàn thành trong năm 2020. Hiện đang thi công 24 công trình. Việc khai quật và xây dựng khu bảo tồn di tích lịch sử bãi cọc Cao Quỳ và bãi cọc Đầm Thượng phát huy giá trị lịch sử, khảo cổ, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống. Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa được chú trọng. Năm 2020, huyện vận động hỗ trợ và tổ chức xây dựng gần 300 nhà bàn giao tặng hộ nghèo, cận nghèo.

Huyện phấn đấu đến năm 2021 không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 1,4%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và vận động quần chúng được quan tâm, nhiều chuyển biến tích cực.

trien khai de an thanh lap thanh pho thuy nguyen thuoc thanh pho hai phong
Một góc huyện Thủy Nguyên.

Huyện Thủy Nguyên đang tập trung cao đối với 5 dự án trọng diểm trên địa bàn huyện, gồm: Giải phóng mặt bằng dự án Khu đô thị Bắc sông Cấm; Dự án đường 359 đoạn từ cầu Bính đến xã Trung Hà (giai đoạn 1); Dự án đường 359 đoạn từ xã Thủy Triều đến đường trục giao thông Khu đô thị và công nghiệp Bến Rừng (giai đoạn 2); Dự án đầu tư, cải tạo đường thị trấn Minh Đức; Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp tuyến đường Máng Nước.

Về xây dựng xã Nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Gia Minh và xã Gia Đức, năm 2020, huyện Thủy Nguyên triển khai 12 tuyến đường với tổng chiều dài 5,3km. Theo kế hoạch năm 2021, sẽ triển hai 56 tuyến với tổng chiều dài 16km. Đồng thời, huyện phối hợp các Sở, ban, ngành thành phố thống nhất danh mục đầu tư, tiếp tục triển khai tại 3 xã: Kênh Giang, Liên Khê, Lưu Kiếm.

Về đề án thành lập thành phố Thủy Nguyên trực thuộc thành phố Hải Phòng, Huyện ủy Thủy Nguyên xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Huyện xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai các nhóm nhiệm vụ chính, hoàn thiện thủ tục, hoàn thiện các tiêu chí, nhất là tiêu chí về hạ tầng đô thị. Để huyện Thủy Nguyên hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, Bí thư Huyện ủy Thủy Nguyên đề xuất một số kiến nghị: Để lại phần ngân sách huyện được hưởng từ tất cả các dự án đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện nhằm tạo nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các tiêu chí xây dựng thành phố Thủy Nguyên; sớm giao nhiệm vụ cụ thể cho huyện và các sở, ngành để thực hiện các nội dung xây dựng thành phố Thủy Nguyên, bố trí kinh phí thực hiện. Sớm tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng dự án xây dựng Khu đô thị mới Bắc sông Cấm; hỗ trợ, cấp vốn các dự án trọng điểm để huyện triển khai, hoàn thành trong năm 2021; hỗ trợ xây dựng xã Nông thôn mới kiểu mẫu; đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư; có cơ chế thu hút nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao để tạo nguồn cán bộ trẻ…

Ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nhấn mạnh: Huyện Thủy Nguyên triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể; xem xét, nâng số xã triển khai xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu ngay trong năm 2021. Thành phố cơ bản nhất trí với những đề xuất của huyện Thủy Nguyên về việc cơ chế phân bổ ngân sách, bố trí kinh phí cho các dự án trọng điểm cần hoàn thành trong năm 2021.

Kết luận buổi làm việc, ông Lê Văn Thành - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng nhấn mạnh: Vị trí, vai trò của huyện Thủy Nguyên rất quan trọng với sự phát triển của thành phố, đất nước. Thành phố Hải Phòng đầu tư rất lớn cho Thủy Nguyên về thu hút nguồn lực đầu tư, phân bổ nguồn ngân sách, tập trung triển khai các dự án lớn. Huyện Thủy Nguyên thay đổi trên các lĩnh vực, không chỉ tại khu vực trung tâm huyện mà lan tỏa ra các xã. Tốc độ tăng trưởng của Thủy Nguyên luôn ở tốp đầu các quận, huyện; thu ngân sách đạt rất cao. Công tác giải phóng mặt bằng của địa phương dẫn đầu thành phố, điển hình như tại các dự án: Đường vào bãi cọc Cao Quỳ, cầu Dinh, Khu đô thị Bắc sông Cấm… Toàn huyện Thủy Nguyên đang như một đại công trường. Huyện Thủy Nguyên phối hợp các sở, ngành thành phố xây dựng quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế, quy hoạch theo nhiều mức độ, phải có sự kết nối, có tầm nhìn xa để Thủy Nguyên trở thành thành phố văn minh, hiện đại. Quy hoạch tổng thể của Thủy Nguyên là cơ sở để xây dựng các quy hoạch về giao thông, Nông thôn mới kiểu mẫu.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng yêu cầu: Huyện Thủy Nguyên tập trung cao việc thực hiện đề án thành lập thành phố trực thuộc thành phố theo Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố. Thành ủy sẽ thành lập Ban Chỉ đạo với mục tiêu cụ thể về thời gian hoàn thành, cách thức thực hiện, phân công nhiệm vụ rõ ràng, thực hiện giao ban định kỳ. Giao huyện Thủy Nguyên ký hợp đồng với đơn vị tư vấn để triển khai đề án; đánh giá tỷ lệ đô thị; thực hiện sáp nhập một số đơn vị hành chính trên địa bàn huyện, đáp ứng với tiêu chí thành lập thành phố.

Về hạ tầng giao thông, UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo các sở, ngành bố trí đủ vốn để hoàn thiện đường 359, cầu Dinh, đường Máng Nước trong năm 2021; giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng khu đô thị Bắc sông Cấm; thực hiện khởi công dự án mở rộng quốc lộ 10, cầu Lại Xuân; đẩy nhanh việc triển khai dự án tuyến đường vành đai 2, vành đai 3, cầu Bến Rừng, cầu Nguyễn Trãi… Tạo nguồn lực lớn, ưu thế cho Thủy Nguyên. Huyện Thủy Nguyên tăng cường về quản lý đất đai, khoáng sản, di tích, bảo đảm phát triển kinh tế, gắn với với bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống…

Hải Nguyên – Đăng Hùng

Theo

Cùng chuyên mục
  • Phục hồi cây xanh đô thị sau bão

    (Xây dựng) – Bão số 3 qua đi đã để lại những thiệt hại vô cùng lớn đối với lá phổi xanh của Thủ đô. Thống kê sơ bộ, bão số 3 khiến 8.700 cây đô thị của Hà Nội bị gãy đổ, tuy nhiên trong số đó chỉ có thể dựng trồng lại được khoảng 1.900 cây. Bên cạnh đó là mối nguy hiểm tiềm tàng từ những cây xanh già cỗi lâu năm trước bão gió, vì vậy việc khôi phục cây xanh nghiêng, đổ… cần khắc phục nhanh và kịp thời.

  • Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm hướng đến trở thành đô thị thông minh

    Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật… của tỉnh Ninh Thuận, trong nhiệm kỳ 2020-2025, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm chú trọng xây dựng thành phố trở thành đô thị xanh, môi trường an toàn, thân thiện, từng bước trở thành đô thị thông minh, đến nay, đã đạt được những kết quả tích cực. Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Châu Thị Thanh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận, Bí thư Thành ủy Phan Rang-Tháp Chàm.

  • Bắc Giang: Đô thị Hiệp Hòa đạt tiêu chí đô thị loại IV

    (Xây dựng) - Ngày 18/9, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã ký Quyết định số 868/QĐ-BXD về việc công nhận đô thị Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đạt tiêu chí đô thị loại IV.

  • Quảng Trị: Ái Tử - đô thị trẻ đang từng ngày đổi mới và phát triển

    (Xây dựng) – Tọa lạc giữa hai đô thị lớn, phía Bắc là thành phố Đông Hà, phía Nam là thị xã Quảng Trị, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị là một đô thị trẻ đang từng ngày đổi mới và phát triển.

  • Hạ Long: Khôi phục nhanh cảnh quan môi trường sau bão số 3

    (Xây dựng) - Ngày 17/9, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đã tổ chức hội nghị Tổng kết chiến dịch cao điểm 7 ngày đêm khắc phục thiệt hại bão số 3; biểu dương khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích thu dọn vệ sinh, khôi phục cảnh quan môi trường, sớm ổn định sản xuất đời sống nhân dân.

  • Duy Tiên (Hà Nam): Hướng tới đô thị xanh, thông minh, phát triển bền vững

    (Xây dựng) – Được coi là thủ phủ công nghiệp của Hà Nam, ngoài mục tiêu kinh tế, phát triển công nghiệp công nghệ cao, thị xã Duy Tiên đặt mục tiêu hướng đến đô thị loại III xanh, thông minh, phát triển bền vững. Đây cũng nhằm hiện thức hóa mục tiêu thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã về xây dựng, phát triển đô thị đến năm 2030.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load