(Xây dựng) - Công ty cổ phần Sông Đà 5 (Sông Đà 5) vừa tổ chức Lễ khởi công dự án thủy điện Nam Phak tại nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Đây là dự án thứ 5 và là dự án tổng thầu thứ hai của Sông Đà 5 tại Lào. Giá trị hợp đồng Sông Đà 5 đã ký với chủ đầu tư là 180 triệu USD. Dự án dự kiến hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 2025.
Sông Đà 5 khởi công dự án thủy điện Nam Phak tại nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. |
Trước đó, ngày 6/5, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết hợp đồng xây dựng dự án thủy điện Nam Phak giữa Công ty Sông Đà 5 và Công ty TNHH Chaleun Sekong Energy.
Ngày 05/02/2018, trong khuôn khổ kỳ họp liên Chính phủ lần thứ 40, trước sự chứng kiến của hai Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Lào, Công ty TNHH Chaluen Sekong Energy và Sông Đà 5 đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư chiến lược cho các dự án thủy điện Nam Emoun, Nam Kong 2, Nam Kong 3 và Nam Ang. Sự kiện này, đánh dấu bước hợp tác chiến lược năng lượng giữa Việt Nam và Lào.
Trong 5 năm qua, để cụ thể hóa Biên bản ghi nhớ nêu trên hai công ty đã ký kết hợp đồng hợp tác, triển khai thi công các công trình quan trọng do Công ty CSE làm chủ đầu tư. Ông Chanthanome Phommany, Chủ tịch Công ty TNHH Chaleun Sekong Energy bày tỏ tại Lễ ký kết: “Đánh giá kết quả công việc trong thời gian qua, khi điều kiện thi công gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong đại dịch Covid-19 nhưng Công ty Sông Đà 5 vẫn triển khai thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án với chuẩn mực: Sức khỏe – an toàn - chất lượng – mỹ thuật. Chúng tôi rất tin tưởng và đánh giá cao năng lực, trách nhiệm của Sông Đà 5”.
Lễ ký kết hợp đồng xây dựng dự án thủy điện Nam Phak giữa Công ty Sông Đà 5 và Công ty TNHH Chaleun Sekong Energy, tại Hà Nội. |
Tại huyện Paksong, tỉnh Champasak, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Sông Đà 5 đang huy động mọi nguồn lực máy móc thiết bị, nhân lực, chuẩn bị sẵn các giải pháp thi công linh hoạt bắt đầu triển khai thi công dự án thủy điện Nam Phak. Đây là dự án thứ 5 và là dự án tổng thầu thứ hai của Sông Đà 5 tại Lào.
Dự án nằm ở góc Tây Nam của Cao nguyên Bolaven, cách Paksong khoảng 10km về phía Tây Nam của khu vực phía Nam Lào và tận dụng lợi thế về độ cao chênh lệch 700m giữa cao nguyên và đồng bằng về phía Nam. Dự án sẽ tập hợp dòng chảy từ một số dòng chảy trên cao nguyên chảy chung theo hướng Tây Bắc và Tây Nam và chuyển dòng chảy này qua hai dòng chảy đến hồ chứa Nam Pha. Sơ đồ ưu tiên bao gồm hai hồ chứa và hai cơ sở phát điện, trong đó cơ sở lớn hơn nằm trên bờ Houay Namphak ở chân vách đá cao nguyên.
Dự án có tổng công suất lắp đặt 128MW. Theo đó, Sông Đà 5 là tổng thầu EPC thi công các hạng mục như: Sông Đà 5 phải đảm bảo dự án thủy điện Nam Phak có các yêu cầu chức năng: tạo ra hai hệ thống dẫn dòng nước vĩnh viễn để tập hợp dòng chảy từ một số dòng suối trên cao nguyên và chuyển đến hồ chứa Nam Pha và hồ Phou Pong trong tương lai; Tạo hồ chứa Nam Pha và hồ chứa Phou Pong với mức nước dâng thường tương ứng là 993,00 masl và 909,00 masl; Xây dựng Nhà máy điện Nam Pha, Nhà máy điện Nam Phak; Vận chuyển và vượt lũ thiết kế an toàn của đập Nam Pha, Nam Phak và Phou Pong; Kết nối hồ chứa Nam Pha với Nam Phak cho phép việc thoát lũ an toàn của tất cả các hồ chứa; Có thể giảm áp lực nước thủy tĩnh lên bất kỳ đập nào…
Điểm mấu chốt ở dự án là công tác thi công đập. Với kết cấu là đập đá đổ, tổng khối lượng đắp là 5,4 triệu mét khối. Trong khi, dự án nằm trong vùng ảnh hưởng bởi thời tiết mưa nhiều nên Sông Đà 5 lập phương án thay tường lõi sét thành tường bê tông asphalt. Áp dụng giải pháp tường lõi là asphalt thì sẽ thi công được trong mùa mưa.
Chủ đầu tư và nhà thầu thăm khu vực xây dựng Nhà máy thủy điện Nam Phak. |
Ông Nguyễn Đắc Điệp, Tổng Giám đốc Sông Đà 5 cho biết: “Xác định vai trò tổng thầu, Công ty cổ phần Sông Đà 5 ý thức được rằng, việc thực hiện thành công hợp đồng và bảo đảm lợi ích của chủ đầu tư là trách nhiệm của nhà thầu. Dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, mỹ thuật không chỉ khẳng định thương hiệu uy tín của đơn vị, mà còn tăng cường quan hệ giữa doanh nghiệp hai nước Việt - Lào, cũng như góp phần xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào”.
Kim Oanh
Theo