(Xây dựng) – Năm 2021 chứng kiến đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế so với thời gian trước đó. Từ dịch vụ y tế, vận tải, hàng không, du lịch, xây dựng, công nghiệp, đến các hoạt động xuất nhập khẩu… Đứng trước khó khăn, thách thức này, Chính phủ cũng như các Bộ, ban, ngành và doanh nghiệp đã từng bước đề ra các biện pháp thích ứng nhằm đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Kỹ sư của Tổng Công ty LILAMA tham gia thi công xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1. |
Áp dụng nhiều biện pháp chống dịch hiệu quả
Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp và tổng thầu EPC các công trình công nghiệp và dân dụng, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam LILAMA đang thực hiện nhiều dự án lớn, trọng điểm trải dài trên 3 miền của đất nước.
Trên cơ sở áp dụng các biện pháp chống dịch của Chính phủ và căn cứ thực tế tại đơn vị của mình, Ban lãnh đạo Tổng Công ty LILAMA đã đề ra nhiều biện pháp thiết thực áp dụng tại các công trình dự án đang thi công, đảm bảo an toàn, chất lượng và đúng tiến độ cam kết với đối tác.
Cụ thể, LILAMA đã đàm phán, thương thảo với các đối tác nước ngoài để tìm mọi giải pháp thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch vừa sản xuất và trong nhiều tình huống thực tiễn phải chấp nhận phát sinh kinh phí để huy động vật tư, thiết bị, chuyên gia đến dự án đáp ứng tiến độ. Mặt khác, LILAMA cũng huy động hết mọi nguồn lực và thiết lập hệ thống quản lý nghiêm ngặt, kỷ luật cao về công tác phòng, chống dịch an toàn để các doanh nghiệp nội địa vẫn duy trì nhiệm vụ tại dự án; Phát huy tối đa việc trao đổi, bàn bạc cũng như hướng dẫn hiệu chỉnh, chạy thử, chuyển giao công nghệ từ đối tác nước ngoài bằng hình thức trực tuyến.
Bên cạnh đó là LILAMA còn tổ chức sản xuất 2 tại chỗ, 3 tại chỗ (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ); Tuyên truyền, phổ biến đến toàn bộ người lao động về các biện pháp phòng, chống dịch và yêu cầu người lao động tuyệt đối tuân thủ thực hiện biện pháp 5K (đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, khai báo y tế) và tiêm vắc-xin phòng Covid-19; bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng và không tụ tập đông người.
Bên cạnh đó, các đơn vị của LILAMA cũng xây dựng, tổ chức biện pháp, dây chuyền thi công phù hợp, đảm bảo công tác phòng, chống dịch; vệ sinh công trường sau mỗi ca làm việc; vệ sinh bề mặt máy móc, thiết bị có tiếp xúc trực tiếp với người sử dụng: tẩy rửa, khử khuẩn… với tinh thần “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”.
Toàn cảnh nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 được xây dựng ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. |
Đảm bảo tiến độ các dự án
Với sự chỉ đạo sát sao và kịp thời của Ban lãnh đạo Tổng Công ty LILAMA, bằng sự nỗ lực vượt lên khó khăn của tập thể cán bộ, người lao động và hiệu quả trong việc áp dụng các biện pháp chống dịch Covid-19, các dự án LILAMA đang thi công luôn đảm bảo tiến độ nằm trong tầm kiểm soát, đảm bảo an toàn và chất lượng đã cam kết với đối tác.
Một trong những thành công nổi bật trong năm 2021 là việc Tổng thầu EPC LILAMA hoàn thành, bàn giao tổ máy số 1 nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 cho chủ đầu tư - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) phát điện thương mại vào ngày 27/11/2021, hướng đến mục tiêu tổ máy 2 sẽ hoàn thành và bàn giao vào tháng 2/2022. Đây là dự án nhiệt điện có công suất 1.200MW (2 x 600MW) được xây dựng tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ kWh/năm.
Sự kiện hoàn thành tổ máy số 1 là dấu mốc quan trọng ghi nhận Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 chính thức xuất hiện trên bản đồ phát điện quốc gia. Đây đồng thời cũng là dấu mốc ghi nhận gần 17 triệu giờ làm việc an toàn của hơn 1.500 cán bộ và người lao động trên công trường trong suốt 6 năm qua.
Việc hoàn thành và bàn giao tổ máy số 1 nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 cho Chủ đầu tư PVN phát điện đúng tiến độ một lần nữa khẳng định năng lực, uy tín của Tổng thầu EPC LILAMA trong việc thực hiện các dự án EPC nhiệt điện nói riêng và các công trình công nghiệp khác nói chung. Đây là dự án EPC nhiệt điện thứ 6 mà LILAMA tham gia xây dựng, bàn giao cho chủ đầu tư PVN đúng tiến độ cam kết. Trước đó, LILAMA đã bàn giao cho PVN các nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1 và 2, nhiệt điện Nhơn Trạch 1 và 2 và nhiệt điện Vũng Áng 1.
Tiếp nối thành công dự án nhiệt điện Sông Hậu 1, tại dự án nhiệt điện Nghi Sơn 2 (công suất 1.200MW), LILAMA đảm nhận vai trò thầu phụ thi công khoảng 90% khối lượng công việc lắp đặt điện - cơ khí của nhà máy. Đến thời điểm hiện tại, khối lượng công việc do LILAMA đảm nhận đã hoàn thành 100%, đúng tiến độ cam kết với tổng thầu và đang tiến hành quyết toán sau hơn 2 năm thi công lắp đặt.
Về tiến độ thi công, tổ máy số 1 của nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 được khởi công lắp đặt kết cấu thép lò hơi từ ngày 1/3/2019; đốt lửa lần đầu vào ngày 5/3/2021; đốt than vào ngày 2/7/2021; hòa điện đồng bộ (28.5MW) trong ngày 16/7/2021, đạt công suất 110% (665MW) trong ngày 19/7/2021 và bắt đầu vận hành thương mại từ tháng 12/2021. Trong khi đó, tổ máy số 2 được khởi công lắp đặt kết cấu thép vào tháng 7/2019; hoàn thành thử áp lò hơi trong tháng 1/2021 và đốt than thành công vào ngày 30/11/2021.
Dự án nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 do Liên doanh Marubeni và Kepco làm chủ đầu tư, Tập đoàn Công nghiệp nặng Doosan làm tổng thầu EPC. Nhà máy có tổng công suất 1.200MW, bao gồm gồm 2 tổ máy (2 x 600MW) sử dụng công nghệ đốt than siêu tới hạn.
Tổ máy số 2 nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 đốt than thành công vào ngày 30/11/2021. |
Ngoài hai dự án trên, LILAMA cũng đảm bảo đúng tiến độ cam kết tại một số dự án khác đang tham gia thi công như dự án nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa do Công ty điện Vân Phong 1 làm chủ đầu tư, công suất 1.320MW (2 tổ máy), dự kiến hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành thương mại trong năm 2023; dự án hoá dầu Long Sơn do Tập đoàn SCG Thái Lan đầu tư xây dựng với tổng số tiền 5,4 tỷ USD tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dự kiến chạy thương mại từ cuối năm 2022.
Duy Tình (Ảnh: Tổng Công ty LILAMA)
Theo