(Xây dựng) – Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh trên thị trường, mà còn góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên năng lượng, giảm áp lực cho hệ thống năng lượng quốc gia.
Tập đoàn Sơn Hà với những công nghệ tiên tiến giúp tiết kiệm năng lượng hiệu quả cho các toà nhà. |
Tuy nhiên, để sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, bảo vệ nguồn tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu thì bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, điều quan trọng hơn cả cần có một chính sách hợp lý từ tận gốc để tạo động lực cho doanh nghiệp dễ thực hiện và đạt được mục tiêu từ Chính phủ đề ra.
Xây dựng hệ thống chính sách căn bản từ gốc
Theo ông Hoàng Mạnh Tân - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà phát biểu trong buổi tọa đàm về Tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp của Bộ Công Thương đã nhấn mạnh: “Nhiệt độ Trái đất đang ngày càng tăng dẫn đến băng tan, hạn hán cháy rừng, biến đổi khí hậu. Đó là những vấn đề đã và đang xảy ra nhiều thảm họa, cho nên phải dừng lại việc phát ra khí thải (phát thải mỗi năm 51 tỷ tấn CO2). Công nghiệp chiếm khoảng 31%, giao thông chiếm hơn 20%, nông nghiệp cũng gây ra hiệu ứng nhà kính, khí thải CO2. Hấp thụ CO2 chỉ có rừng tự nhiên mới hấp thụ được, nông nghiệp cũng có hại mà rừng tự nhiên lại đăng mất dần. Để sản xuất ra năng lượng mình cũng phải dùng khí đốt, dùng than và thải ra nhiều CO2. Tiến trình phải đưa CO2 về không bằng giải pháp kinh tế tuần hoàn để làm sao cân bằng năng lượng trong quá trình hoạt động dùng năng lượng của tự nhiên hoặc dùng một cách tiết kiệm”. Trong đó, Hệ thống lưu trữ điện ESS (Electric storage system) là một hệ thống có khả năng tiết kiệm năng lượng hiệu quả nhất hiện nay.
Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Bộ Công Thương cho biết: Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Ban Chỉ đạo quốc gia về kế hoạch hành động của các Bộ, ngành, địa phương và toàn quốc về thực hiện giải pháp chương trình một cách đồng bộ cho giai đoạn 2020-2025. Kế hoạch này bao gồm 9 giải pháp nằm trong Quyết định 280 của Thủ tướng Chính phủ. Từ xây dựng và kiện toàn hệ thống quy phạm pháp luật trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, giám sát, thực hiện và chế tài xử phạt cũng như các cơ chế khen thưởng cho các đơn vị thực hiện tốt các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, hướng tới một thị trường dịch vụ sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Trong đó, hạt nhân là các doanh nghiệp, các cơ sở dịch vụ sử dụng năng lượng. Cần có sự tham gia của các đơn vị cung cấp các giải pháp dịch vụ về công nghệ, tham gia của ngân hàng, các tổ chức tín dụng để cung cấp nguồn tài chính để thông qua thị trường đó, các bên gặp nhau để thực hiện các giải pháp tiết kiệm trên một quy mô lớn.
Thí điểm thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả cũng với mục tiêu là cung cấp nguồn tài chính ưu đãi cho các doanh nghiệp, đơn vị để đầu tư vào sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Thực hiện huy động hợp tác quốc tế để huy động không những nguôn lực trong nước mà còn của các tổ chức quốc tế, nhất là sau khi chúng ta đã tham gia “thỏa thuận Paris” về biến đổi khí hậu với cam kết giảm phát thải nhà kính từ 8-10% do quốc gia tự quyết định và có thể giảm đến 25% nếu chúng ta có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Để thúc đẩy doanh nghiệp hướng tới tiết kiệm năng lượng hiệu quả, ông Hoàn Mạnh Tân - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà ý kiến: Chúng tôi cũng cần phải tập trung vào giải quyết những nhu cầu bức xúc của doanh nghiệp như: Nguồn vốn, cơ chế cụ thể (ưu đãi thuế, thưởng phạt)…
Ở Việt Nam, những ngành sử dụng năng lượng nhiều, nếu mình phát triển ngành công nghiệp nặng như luyện kim thì dùng nhiều năng lượng như than, điện mà chủ yếu là điện, luyện thép, luyện kim, nhưng đây lại là những ngành không thể thiếu. Điện xây dựng dân dụng, điện trong các tòa nhà. Vì vậy, để có thể tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả thì việc tối ưu hóa hệ thống lưới điện là vấn đề vô cùng quan trọng. Lưới điện thông minh là quan trọng nhất, là nền tảng cho việc tiết kiệm điện.
Bên cạnh đó, trong ngành Xây dựng phải điều chỉnh hành vi xây dựng, Bộ Xây dựng phải ra những bộ tiêu chuẩn công trình gắn kết với năng lượng. Có thể gắn kết với công trình, lấy điểm về môi trường, chỉ số xanh. Trước tiên, xét về thực tại bất cứ một công trình xây dựng nào khi xây dựng xong hệ thống công trình ấy sử dụng năng lượng nhiều hay ít mà chỉ cần lắp trạm biến thế bao nhiêu thì ngành Điện lắp cho bấy nhiêu. Và những công trình ấy được chấm điểm như nhau, vậy nên không cần phải tiết kiệm. Vậy mình phải phân loại ra, một công trình không có một phương án tiết kiệm điện thì sẽ xếp hạng thấp hơn những công trình có nhiều phương án tiết kiệm. Đưa ra các tiêu chí tiết kiệm năng lượng là bao nhiêu, tương đương mức tiêu thụ năng lượng trên một nhân khẩu hoặc một căn hộ là bao nhiêu với mức độ đó: Hạng C là công trình không có phương án tiết kiệm điện (không được ưu tiên về thủ tục, vào luồng đỏ, đánh thuế cao); hạng B có tiết kiệm năng lượng nhưng không làm ra năng lượng tiết kiệm 20 (vào luồng vàng, ưu tiên một số chính sách…); hạng A với những công trình tự chủ về năng lượng (luồng xanh, ưu tiên về chính sách, giải quyết thủ tục nhanh chóng, ưu tiên thuế và biểu dương là công trình xanh).
Phát triển hệ thống điện lưới thông minh để tiết kiệm toàn diện
Điện trong các tòa nhà bao gồm các nguồn: Sử dụng cho các thiết bị chiếu sáng, công nghệ chiếu sáng mới không phát nhiệt. Ánh sáng lạnh dùng đèn led, công nghệ led dùng các chip quang chỉ phát sáng chứ không phát nhiệt sẽ có hiệu suất cao nên tiết kiệm được điện.
Các máy móc có xu hướng dùng các thiết bị tiết kiệm điện như: Điều hòa dùng công nghệ invecter điều khiển tần số theo nhu cầu của động cơ, tránh động cơ phải khởi động, mỗi lần khởi động tốn nhiều điện, quay chậm lại, quay tốc độ hài hòa êm ái sẽ tiết kiệm được khoảng 30-40%.
Điện này để sưởi ấm mùa đông và làm mát mùa hè. Một nguồn điện ta làm mát nhưng cũng phải dùng một nguồn điện để làm nóng (Nguồn điện dùng để đun nóng nước sinh hoạt, nhà bếp) làm mất 2 nguồn điện. Hiện nay, ta có giải pháp là dùng bơm nhiệt, lấy nhiệt nóng của điều hòa để sưởi ấm chỗ cần làm nóng, chỉ phải dùng một nguồn điện, hiệu suất rất cao, tiết kiệm được 75% nguồn điện.
Giải pháp tiết kiệm: Bơm nhiệt, dùng các nguồn tiết kiệm, tránh lãng phí, vấn đề cơ bản trong tiết kiệm điện, nguồn lưới điện của chúng ta không thông minh, lưới điện phải đáp ứng một công suất đỉnh, chúng ta chỉ thiếu điện lúc dùng nhiều, lúc dùng thấp thì lại thừa, thừa chính là sự lãng phí. Một nhà máy nhiệt điện khi cho chạy, chạy full công suất 100% hoặc giảm xuống 20% thì năng lượng lò đốt than để chạy chỉ giảm được 20% so với việc mất đi 80% công suất điện nhưng năng lượng và nguồn nhiệt lò chỉ giảm 20%, tức là lãng phí rất lớn vì lưới điện điều khiển bằng tay, bằng chủ quan của con người nên hướng phát triển việc tiết kiệm điện trong tương lai phải phát triển lưới điện thông minh.
Trong lưới điện thông minh nguồn phát sẽ phát hết cỡ, các nguồn năng lượng tái tạo cũng phát hết cỡ nhưng điều phối những nguồn ấy (ngoài việc sẽ phân tán, truyền tải thông minh phù hợp) bằng ISF là nguồn lưu trữ trên hệ thống. Nguồn lưu trữ lúc dư điện sẽ lưu vào, lúc thiếu điện sẽ bù ra. Thậm chí lưới điện thông minh sẽ tối ưu năng lượng tái tạo.
Ví dụ, hiện nay chúng ta bị khủng hoảng về năng lượng tái tạo việc đầu tư điện mặt trời. Tuy nhiên, đối với lưới điện thông minh sẽ ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo. Trong tương lai, một số nước như Thụy Điển sẽ ưu tiên sử dụng, có một hệ thống máy tính dùng trí tuệ nhân tạo điều khiển lưới điện thông minh cân đối bằng giá. Giá điện sẽ không có một giá nào cả. Vấn đề là chúng ta đầu tư một lần để giải quyết những vấn đề cho hàng chục năm sau còn hơn giờ ta xây tiếp những nhà máy nhiệt điện phản cảm.
Trên lưới điện thông minh không có một giá cố định mà giá biến đổi liên tục theo cung cầu. có một phần mềm, mỗi một gia đình sẽ phải lắp 1 bộ pin năng lượng mặt trời hay điện gió, mỗi một hộ tiêu thụ điện cũng là hộ phát điện, dân hoàn toàn tự làm. Nghĩa là người dân hoàn toàn đảm bảo được lượng tiêu thụ điện năng của mình hoặc nếu thừa thì bán. Đồng thời phát triển xe điện. Giá điện không cố định mà sẽ điều tiết bằng thị trường, trí tuệ nhân tạo sẽ tự điều tiết tăng giảm. Các hộ gia đình sẽ lắp hệ thống điện mặt trời hoặc lắp cả hệ thống pin lưu trữ. Đến khi giá điện thấp họ mua vào, giá cao thì bỏ ra dùng hoặc bán ra. Trong một lưới thông minh sẽ tự cân bằng cung và cầu, thiếu sẽ lập tức tăng. Điều tiết giống như kinh tế thị trường thiếu thì tăng. Ở Úc, Thụy Điển hay một số nước Bắc Âu có những nhà dùng điện trả tiền bằng 0 vì người ta đầu tư vào hệ thống lưu trữ, xã hội hóa được. 1 triệu nhà mà 1 triệu hệ thống lưu trữ như vậy có nghĩa là Nhà nước không phải đầu tư mà toàn dân sẽ đầu tư. Người ta đầu tư vì lợi ích của người ta, mua điện lúc giá thấp, bán lúc giá cao.
Về ôtô điện, trong ôtô điện có 1 cục pin, kết nối với điện thoại biết lịch trình của chủ xe, biết là đi quãng đường như thế thì có cần sạc nhiều pin không?
Hiện nay, tiết kiệm điện là giải pháp quan trọng để bảo đảm cung cấp điện trong giai đoạn tới, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu tăng trưởng phụ tải ngày càng tăng cao. Bên cạnh việc đảm bảo sản xuất, cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và tiêu dùng của nhân dân, nhiều năm qua, EVN là đơn vị đi đầu trong hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ông Trần Viết Nguyên - Phó trưởng Ban kinh doanh EVN cho biết, "Bám sát Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030, EVN đã xây dựng kế hoạch hành động 5 năm và hàng năm, tập trung chính và các nội dung như: Tuyên truyền tiết kiệm điện, giảm tổn thất điện năng (trong các khâu sản xuất, truyền tải và phân phối điện năng) theo lộ trình 6,5% vào năm 2025 và 6% vào năm 2030".
Việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương thực hiện các chương trình tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng được EVN đẩy mạnh triển khai. Cụ thể, xây dựng các tài liệu/tư liệu tuyên truyền điện tử để phổ biến, truyền thông sâu rộng trên các trang web, mạng xã hội…
Ông Nguyên cho biết thêm, thời gian qua, EVN đã xây dựng các ứng dụng cung cấp thông tin online về tình hình tiêu thụ điện của khách hàng như: công cụ online https://uoctinhdiennang.evn.com.vn giúp khách hàng ước được mức tiêu thụ điện của hộ gia đình; các ứng dụng quản lý năng lượng hộ gia đình (HEM), ePoint (theo dõi điện năng tiêu thụ hàng ngày)... Bên cạnh đó, tư vấn, khuyến nghị khách hàng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như nền tảng EVNSOLAR (solar.evn.com.vn) - kết nối giữa các công ty lắp đặt, chủ đầu tư và chủ mái nhà để lắp đặt và phát triển điện mặt trời mái nhà.
"Việc đầu tư vào các giải pháp hiệu quả năng lượng sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất kinh doanh trong dài hạn phát triển bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường quốc gia" - ông Trần Viết Nguyên nhấn mạnh.
Thi công máy bơm hơi giúp kiểm soát về tải trọng điện. |
Song song với việc triển khai tuyên truyền, áp dụng giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, EVN còn nghiên cứu và kiến nghị Bộ, ngành, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như: chương trình quản lý phía nhu cầu tiêu thụ điện (DSM); điều chỉnh phụ tải điện (DSR), cung cấp dịch vụ năng lượng theo mô hình Công ty dịch vụ (ESCO), ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hiệu suất năng lượng tối thiểu (MEPS)…
Nhiều năm qua, Bộ Công Thương trong công tác triển khai các chương trình sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, như: Chiến dịch Giờ Trái đất; hỗ trợ lắp bình nước nóng năng lượng mặt trời; thay bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact… Có thể nói, Hệ thống lưu trữ điện ESS (Electric storage system), công nghệ bơm nhiệt và hướng tới sử dụng lưới điện thông minh, và các biện pháp của EVN là một trong những phương pháp đưa chương trình liên quan đến việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 - 2010 và giai đoạn 2011-2015. |
Thanh Huyền
Theo