Thứ năm 07/11/2024 17:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thực trạng xử lý nước thải tại Nam Định: Khó khăn và vướng mắc

19:43 | 03/05/2024

(Xây dựng) - Cùng với áp lực từ sự gia tăng dân số, việc hình thành, phát triển các khu đô thị và các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã tạo nên áp lực đến chất lượng môi trường tại Nam Định, đặc biệt là vấn đề xử lý nước thải. Trong khi hiện nay, tỉnh Nam Định vẫn chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung đô thị nào được đầu tư xây dựng do thiếu nguồn lực đầu tư nên nước thải đang xả ra môi trường mà chưa qua xử lý, gây ra rất nhiều tác hại ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống con người và môi trường.

Thực trạng xử lý nước thải tại Nam Định: Khó khăn và vướng mắc
Tỉnh Nam Định hiện chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung đô thị nào được đầu tư xây dựng do thiếu nguồn lực đầu tư, nên nước thải hiện đang xả ra môi trường mà chưa qua xử lý.

Nhiều bất cập trong việc đầu tư xử lý nước thải

Quy hoạch chuyên ngành thoát nước trên địa bàn tỉnh Nam Định về cơ bản được lồng ghép vào các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt. Chỉ có thành phố Nam Định được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt quy hoạch thoát nước mưa và nước thải tại Quyết định số 2796/QĐ-UBND ngày 10/12/2018.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định: Tổng số dân sinh sống tại các đô thị của tỉnh Nam Định đạt khoảng 308.443 người dân với nhu cầu sử dụng nước sạch đạt 210.445m3/ngđ và nhu cầu xử lý vào khoảng 168.356 m3/ngđ (chiếm khoảng 80% công suất cấp nước).

Tuy nhiên, tỉnh Nam Định hiện chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung đô thị nào được đầu tư xây dựng do thiếu nguồn lực đầu tư, nên nước thải hiện đang xả ra môi trường mà chưa qua xử lý. Hiện chỉ có một số khu đô thị và khu dân cư mới đang được thiết kế và đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải phi tập trung. Thực trạng này đặt ra vấn đề thực hiện các giải pháp để chủ động trong việc kiểm soát xả thải cũng như xử lý nước thải. Tổng lượng nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Nam Định ước tính khoảng 270.000 m3/ngđ (trong đó nước thải sinh hoạt thành phố Nam Định khoảng 61.200 m3/ngđ). Đối với nước thải của các khu dân cư cũ: Nước thải sau khi xử lý sơ bộ qua bể tự hoại tại các hộ gia đình sau đó mới chỉ có biện pháp lắng qua các hố ga thu gom nước thải.

Đối với các khu đô thị và các khu dân cư tập trung mới: Khi thẩm định hồ sơ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đều yêu cầu các khu dân cư tập trung phải có thiết kế hệ thống bể xử lý nước thải trước khi thải ra ngoài môi trường. Hiện nay, các khu dân cư mới đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hệ thống bể xử lý nước thải như: Khu đô thị Hòa Vượng, Khu đô thị Thống Nhất, Khu đô thị thị trấn Mỹ Lộc…

Đối với nước thải của các khu công nghiệp (KCN): Hiện nay, tỉnh Nam Định có 5 khu công nghiệp: KCN Hòa Xá, KCN Bảo Minh, KCN Mỹ Trung, KCN Dệt may Rạng Đông, KCN Mỹ Thuận. Trong đó, có 3 KCN đang hoạt động gồm: KCN Hòa Xá, KCN Bảo Minh, KCN Mỹ Trung, 2 KCN đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; Đối với 3 KCN đang hoạt động có 2 KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Cụ thể việc thu gom, xử lý nước thải tại các KCN như sau:

KCN Hòa Xá: Đã được đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung công suất 4.500 m3/ngđ, ngoài ra còn có một số công ty xử lý nước thải đạt QCVN 40:2011/BTNMT (cột A) và miễn trừ đấu nối về hệ thống xử lý nước thải của KCN. Giá dịch vụ xử lý nước thải là 8.640 đồng/m3.

KCN Bảo Minh: Đã đầu tư trạm xử lý nước thải công suất 7.000 m3/ngđ đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải cho các doanh nghiệp đầu tư trong KCN đạt QCVN 40:2011/BTNMT (cột A) trước khi thải ra ngoài môi trường. Một số nhà đầu tư thứ cấp trong KCN, nước thải xử lý đạt cột A QCVN 40:2011/BTNMT và xả thải ra môi trường thông qua trạm quan trắc tự động và hồ điều hòa của KCN. Giá dịch vụ xử lý nước thải là 10.000-28.000 đồng/m3 (tùy thuộc vào chất lượng của doanh nghiệp thứ cấp xả vào hệ thống thu gom của KCN).

KCN Hòa Xá và KCN Bảo Minh đã đầu tư lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động liên tục đối với trạm xử lý nước thải tập trung; hiện nay dữ liệu đang được truyền Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát.

KCN Mỹ Trung: KCN đã đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước mưa, nước thải tuy nhiên do chưa chuyển đổi được chủ đầu tư nên chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hiện nay, các cơ sở sản xuất trong KCN đều đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung để thu gom xử lý toàn bộ nước thải phát sinh đạt quy chuẩn cho phép trước khi thoát ra cống thoát nước của KCN.

KCN Dệt may Rạng Đông, KCN Mỹ Thuận đang trong quá trình hoàn thiện các cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư. Trong đó, KCN Dệt may Rạng Đông đã thu hút được 4 dự án, có 01 dự án đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm; KCN Mỹ Thuận đã thu hút được 6 dự án, có 2 dự án đang triển khai xây dựng.

KCN Dệt may Rạng Đông thiết kế hệ thống xử lý nước thải công suất 110.000 m3/ngđ. Hiện nay, chủ đầu tư đã xây dựng 01 trạm xử lý nước thải khu nhà điều hành KCN, công suất thiết kế 20 m3/ngày và đã xây dựng 01 hồ ứng phó sự cố cho hệ thống tiếp nhận nước thải có thể tích chứa nước 2.000m3 và đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải modul 10.000 m3/ngđ.

KCN Mỹ Thuận đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải công suất 5.000 m3/ngđ và hiện đang vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải. Giá dịch vụ xử lý nước thải dự kiến là 0,5 USD/m3.

Đối với vấn đề xử lý nước thải của cụm công nghiệp (CCN): Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 21 CCN đang hoạt động. Đối với các CCN cũ (trước năm 2005): Phần lớn các CCN cũ có diện tích nhỏ (CCN Xuân Bắc có diện tích 2,5ha) với ngành nghề chủ yếu là cơ khí, chế biến gỗ... có quy mô chỉ như 1 điểm công nghiệp, nước thải phát sinh ít, vì vậy đa phần các CCN này chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra, các cơ sở phát sinh nước thải trong CCN đã tự đầu tư biện pháp xử lý nước thải trước khi thải ra ngoài môi trường; Đối với các cụm công nghiệp có quy mô lớn như CCN An Xá, CCN Xuân Tiến đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định.

Đối với CCN thành lập mới: 100% CCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định (CCN Yên Dương, CCN Thịnh Lâm).

Giá dịch vụ xử lý nước thải tại CCN An Xá là 6.500 đồng/m3; tại CCN Yên Dương là 10.500 đồng/m3.

Lý giải về nguyên nhân của thực trạng trên, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định cho biết: Nhu cầu đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường khu vực công cộng rất lớn (như hạ tầng xử lý rác thải, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị...) nhưng nguồn chi chưa đáp ứng được yêu cầu, nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế. Đặc biệt, kinh phí dành cho công tác vận hành duy trì các công trình xử lý môi trường gặp nhiều khó khăn.

Đối với KCN: KCN Mỹ Trung tạm dừng chưa đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung do đang trong quá trình xúc tiến thay đổi chủ đầu tư mới.

Đối với CCN: Hiện nay, còn một số CCN đã đi vào hoạt động nhưng chưa đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung; Do các CCN được xây dựng, hình thành trước khi có Luật Bảo vệ môi trường 2014, với diện tích quy hoạch nhỏ và thường không được đầu tư đồng bộ về công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường và chưa thống nhất cơ quan quản lý CCN.

Chung tình trạng, tại các làng nghề, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh Nam Định chưa có hệ thống thu gom nước thải tách biệt với hệ thống thu gom nước mưa; chưa có biện pháp xử lý nước thải trước khi xả thải ra ngoài môi trường. Môi trường đất, sông, hồ... vẫn là điểm tiếp nhận nguồn nước thải chưa qua xử lý này.

Thực trạng xử lý nước thải tại Nam Định: Khó khăn và vướng mắc
Chỉ có một số KCN tại Nam Định được quan tâm thực hiện việc xử lý nước thải trước khi đổ ra môi trường.

Cần đẩy mạnh thu hút xã hội hóa

Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định đề xuất một số giải pháp như sau: Tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan (Ban Quản lý các KCN, trung tâm phát triển CCN các huyện/thành phố) thực hiện tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường đến cộng đồng và doanh nghiệp; Tăng cường kiểm soát nguồn thải lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thông qua theo dõi hệ thống truyền nhận dữ liệu quan trắc tự động liên tục.

Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung ưu tiên kế hoạch thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp có lượng thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác phối hợp với Công an tỉnh (Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường) đặc biệt đối với các cơ sở có dấu hiệu đối phó với Đoàn kiểm tra, thanh tra; UBND các huyện, Ban Quản lý các KCN, trong phạm vi chức năng nhiệm vụ chủ động thực hiện và phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực trong xã hội tham gia bảo vệ môi trường trong đó có việc xã hội hóa đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung của KCN, CCN, làng nghề… Đối với các CCN đang hoạt động và các CCN đang xây dựng cần đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý hạ tầng vận hành các công trình bảo vệ môi trường tập trung.

Trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo đơn vị được giao quản lý CCN giám sát, quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp hoạt động trong CCN, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời các vi phạm.

Tranh thủ sự hỗ trợ, đầu tư của các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tiếp tục tìm nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Nam Định.

Quan tâm bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường theo đề xuất của ngành Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện.

Nam Định là một trong những thành phố cổ nhất Việt Nam, trong những năm qua ngoài sự quan tâm của tỉnh trong việc đầu tư các công trình xây dựng tạo bộ mặt đô thị khang trang hơn, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là quy hoạch hệ thống xử lý nước thải cũng đã được lập và phê duyệt. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ có một số KCN được quan tâm thực hiện việc xử lý nước thải trước khi đổ ra môi trường, hầu hết các điểm dân cư đô thị như thành phố Nam Định, các thị trấn, làng nghề chưa được quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải và những nguồn nước thải này vẫn đổ ra các hệ thống sông trong khu vực gây ô nhiễm nghiêm trọng trước mắt và lâu dài.

Thiết nghĩ, UBND tỉnh Nam Định cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư, kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý nước thải đã có trong quy hoạch để từng bước đảm bảo sự phát triển bền vững trên địa bàn thành phố Nam Định cũng như các điểm dân cư tập trung, các làng nghề.

Khánh Hòa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load