Thứ bảy 09/11/2024 02:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thực tiễn trong việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn trong hoạt động xây dựng

14:32 | 30/11/2020

(Xây dựng) - Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng có vai trò đặc biệt quan trọng. Đây là chuẩn mực để các nhà chuyên môn và quản lý đảm bảo chất lượng công trình xây dựng. Do đó, cần thiết phải có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có chất lượng, đầy đủ và chính xác.

thuc tien trong viec ap dung he thong tieu chuan quy chuan trong hoat dong xay dung
Ảnh minh họa.

Nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa phù hợp thực tế

Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đã điều tiết hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng từ quy hoạch, khảo sát thiết kế, thi công đến khai thác, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong hoạt động xây dựng, bảo đảm an toàn và sức khỏe con người, tài sản của Nhà nước, của nhân dân, bảo vệ môi trường tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.

Hệ thống bộ quy chuẩn Việt Nam có khoảng 44 bộ, trong đó Bộ Xây dựng ban hành 16 bộ, các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành ban hành 28 bộ. Việt Nam hiện có khoảng 1.200 tiêu chuẩn quốc gia, chia thành 11 nhánh, bao quát đầy đủ và toàn diện các lĩnh vực, công nghệ và quá trình xây dựng công trình.

Theo đánh giá của Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Căn cứ thực trạng toàn bộ tiêu chuẩn cơ sở đã được áp dụng trong các hoạt động xây dựng, hệ thống quy chuẩn Việt Nam mặc dù nhiều nhưng chưa phủ hết các đối tượng và lĩnh vực xây dựng, đa số các quy chuẩn Việt Nam đều hướng đến một đối tượng, loại công trình cụ thể, nhiều hoạt động xây dựng và loại công trình cần được ban hành quy chuẩn Việt Nam (cầu, đường, đập, hồ chứa, nhà ở và công trình công cộng…). Chất lượng một số quy chuẩn Việt Nam chưa phù hợp với thực tiễn do được chuyển dịch từ tài liệu nước ngoài, một số quy chuẩn Việt Nam chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ xây dựng nước ngoài đang áp dụng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc công khai, hệ thống, sắp xếp các quy chuẩn Việt Nam còn thiếu và yếu, không rõ lộ trình xây dựng mới và soát xét các quy chuẩn Việt Nam cần thiết. Một số quy chuẩn Việt Nam còn trùng lặp về phạm vi và đối tượng, các địa phương gần như không ban hành quy chuẩn, chưa có sự kết nối rõ ràng giữa quy chuẩn và tiêu chuẩn. Dẫn đến việc hầu như không thể tìm được bản quy hoạch hệ thống quy chuẩn Việt Nam chuyên ngành trên mạng, một số quy chuẩn chỉ phổ biến trong một ngành mà không được quan tâm ở ngành khác, các nhà đầu tư, nhà thầu muốn tuân thủ quy chuẩn Việt Nam nhưng không biết tìm ở đâu, có những quy chuẩn nhắm vào những đối tượng quá cụ thể.

Đối với hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam, vì đa số được dịch chuyển từ tài liệu nước ngoài nên có những tiêu chuẩn Việt Nam không phù hợp với thực tiễn, tính đồng bộ chưa cao do trộn lẫn nhiều hệ thống tiêu chuẩn của nhiều nước, đối tượng và phạm vi điều chỉnh hạn chế, các tiêu chuẩn cũ còn khá nhiều thường gặp vấn đề về công nghệ lạc hậu, thiếu kết nối với các phần mềm hiện đại hỗ trợ thiết kế, thi công.

Công tác quy hoạch tiêu chuẩn Việt Nam cũng chưa được quan tâm, do đó chưa đảm bảo sự kết nối, chưa có phân vai rõ nét giữa các Bộ, ngành trong công tác biên soạn tiêu chuẩn Việt Nam. Việc ban hành các tiêu chuẩn cơ sở hoàn toàn thuộc quyền của các tổ chức, doanh nghiệp dẫn đến sự tự phát, thiếu sự quản lý của Nhà nước, nội dung tiêu chuẩn cơ sở không đáp ứng được yêu cầu của quy chuẩn Việt Nam…

Trong hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng đã ban hành có nhiều nội dung chưa chuẩn, không thống nhất, thậm chí mâu thuẫn với nhau, khó vận dụng. Đồng thời, có nhiều thể loại công trình hiện tại chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là các công trình xanh, công trình ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu… Do đó, cần cập nhật và ban hành theo định kỳ (5 năm) bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Mức độ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế còn thấp. Điều này hạn chế khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường cũng như tiếp cận với các dự án đầu tư của nước ngoài. Nội dung của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải được biên soạn ngắn gọn, chuẩn xác, dễ áp dụng, đồng thời khuyến khích sáng tạo.

Khó khăn khi áp dụng tại các địa phương

Xuất phát từ những lợi ích và cả những khó khăn hạn chế khi xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thực trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thì việc xây dựng và ban hành “Đề án hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tỉnh Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo” là cần thiết. Nhằm nâng cao năng suất và chất lượng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xuất phát từ yêu cầu thực tế của địa phương, tinh thần chỉ đạo của Trung ương và đặc biệt là việc đồng hành cùng các cơ sở sản xuất, kinh doanh giải quyết các khó khăn sau cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra là việc làm hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Các tổ chức hoạt động đánh giá sự phù hợp cho sản phẩm, hàng hóa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn ít về số lượng cũng như lĩnh vực hoạt động, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh chưa có tổ chức hoạt động đánh giá chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa và có 20 phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó có 19 phòng thử nghiệm vật liệu xây dựng thuộc các doanh nghiệp tư nhân, đơn vị sự nghiệp Nhà nước và 01 phòng thử nghiệm dược, hóa, sinh thuộc Trung tâm kiểm nghiệm dược và mỹ phẩm. Hầu hết trang thiết bị của các phòng thử nghiệm này còn nghèo nàn, lạc hậu, chưa đáp ứng nhu cầu thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng, an toàn và các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực, nhiều phòng thử nghiệm hoạt động một cách cầm chừng, không có định hướng, mục tiêu cụ thể.

Ông Trần Hữu Phúc - Trưởng phòng quản lý hoạt động xây dựng, Sở Xây dựng Hà Tĩnh chia sẻ: “Năm 2015, hệ thống đúc giếng chìm của Formosa xảy ra sự cố không có tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam soi chiếu. Hệ thống phòng cháy chữa cháy đối với các công trình ở vùng sâu không phát huy được hiệu quả vì không có nguyền điện 3 pha phục vụ bơm hệ thống gây lãng phí. Nên điều chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn để có hướng dẫn phù hợp theo vùng miền”.

Chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ đủ mạnh tạo nên động lực thúc đẩy các cơ sở xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nâng cao năng suất chất lượng.

Hệ thống các phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Hà Tĩnh chưa có, nên năng lực kiểm định, thử nghiệm và đánh giá sự phù hợp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các phòng thử nghiệm và các tổ chức đánh giá ở Trung ương và các địa phương khác, do vậy chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước và nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Đội ngũ cán bộ chưa được đào tạo chuyên sâu để có đủ năng lực hướng dẫn, hỗ trợ cho các cơ sở xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Công tác lãnh đạo chỉ đạo, quản lý đối với lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức; thiếu sự vào cuộc đồng bộ quyết liệt của các cấp, các ngành.

Hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn là hành lang kỹ thuật, đóng vai trò quan trọng định hình sự tồn tại, phát triển của công trình xây dựng. Đồng thời, cũng là những công cụ pháp lý rất quan trọng được sử dụng phổ biến trong hoạt động xây dựng nhằm hướng tới các tiêu chí xanh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ an ninh quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều bất cập cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

Uyên Uyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load