(Xây dựng) - Thành phố Thuận An (Bình Dương) có vị thế là địa bàn nằm trong vùng động lực phát triển phía Nam của tỉnh, là nơi giao thoa giữa 2 trung tâm lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Dầu Một. Đây cũng là nơi có tiềm năng mới, đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và sự đầu tư của các thành phần kinh tế về lĩnh vực các ngành dịch vụ có hàm lượng khoa học, kỹ thuật cao, các ngành dịch vụ phụ trợ phát triển công nghiệp, dịch vụ phục vụ đa dạng nhu cầu dân cư về chữa bệnh, mua sắm, vui chơi, nghỉ dưỡng...
Quốc lộ 13, tuyến giao thông huyết mạch của Thuận An nối Bình Dương với Thành phố Hồ Chí Minh. |
10 năm đô thị hóa
Ngay từ khi được công nhận là thị xã, lãnh đạo Thuận An đã xác định: “Khai thác tối đa lợi thế về vị trí - tiềm năng, đẩy nhanh tốc độ xây dựng đô thị phù hợp với không gian phát triển chung của vùng tạo nền tảng để sau năm 2020 Thuận An trở thành trung tâm đô thị dịch vụ, tăng nhanh tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, phát triển đô thị bền vững gắn với hoàn thiện hạ tầng đô thị, bảo vệ và cải thiện môi trường đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”.
Chính vì vậy, Thuận An đã có những bước tiến mạnh mẽ, với nền kinh tế có mức tăng trưởng cao, GDP tăng đều hàng năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, tăng dần tỷ trọng thương mại dịch vụ, duy trì ổn định công nghiệp, giảm nông nghiệp; tốc độ đô thị hóa nhanh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội còn bức xúc, đảm bảo an sinh xã hội.
Công tác chỉnh trang đô thị được quan tâm, diện mạo đô thị được khởi sắc. Thuận An đã khẳng định được tầm vóc và sự phát triển của một đô thị có vị trí quan trọng về kinh tế, văn hóa, dịch vụ, cửa ngõ giao thông, giao lưu trong tỉnh; có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh, khu vực và vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 6,43%/năm, chi ngân sách tăng bình quân 13,24%/năm, thu nhập bình quân đầu người 143,88 triệu đồng/người/năm, đạt 2,4 lần so với cả nước, mức tăng trưởng kinh tế trung bình 03 năm (2016 – 2018) đạt 10,5% (cao hơn mức bình quân của Bình Dương 1,63%), tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh 0,98%, đẩy mạnh đầu tư phát triển toàn xã hội với tổng số vốn lên đến 116.249 tỷ đồng, bình quân tăng 6%/năm.
Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 8%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 21%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp giảm bình quân 9,2%/năm, tỷ lệ đô thị hóa 98,5%, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị trên 70%.
Ông Nguyễn Thanh Tâm – Chủ tịch UBND thành phố Thuận An cho biết: “Đây là sự ghi nhận quá trình phấn đấu xây dựng, phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thuận An trong thời gian qua. Đồng thời, việc thành lập thành phố Thuận An sẽ là cơ sở để tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị Thuận An định hướng đến năm 2030 cũng như thu hút các dự án đầu tư để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đô thị và hiệu quả quản lý đô thị; để định hướng đầu tư và phát triển đảm bảo tính bền vững, phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương đến năm 2025.
Đáp ứng tốt vai trò là đô thị vệ tinh của tỉnh có chức năng trung tâm hành chính - kinh tế - văn hóa - giáo dục đào tạo - khoa học kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, tạo diện mạo mới về kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng văn minh, hiện đại”.
Định hướng phát triển Thuận An đến năm 2025
Trước thềm Đại hội, Đảng bộ thành phố Thuận An nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra quan điểm và phương châm chỉ đạo nhiệm kỳ tới là: “Khai thác tối đa lợi thế về vị trí - tiềm năng, đẩy nhanh tốc độ xây dựng đô thị phù hợp với không gian phát triển chung của vùng tạo nền tảng để sau năm 2025 Thuận An trở thành trung tâm thương mại dịch vụ, tăng nhanh tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, phát triển đô thị bền vững gắn với hoàn thiện hạ tầng đô thị, bảo vệ và cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Bảo đảm vững chắc về quốc phòng - an ninh. Đảng bộ đoàn kết xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ cả nhiệm kỳ”.
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng Thuận An thành đô thị văn minh, giàu đẹp vào năm 2025 thì yêu cầu đặt ra cho giai đoạn 2020 - 2025 là phải huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển mạnh hạ tầng kinh tế kỹ thuật - xã hội, duy trì tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hoá - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự và bảo vệ môi trường.
Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ giúp Thuận An phát triển đô thị. |
“Thuận An sẽ tập trung khai thác tốt các lợi thế và tiềm năng của thành phố để phát triển dịch vụ, đưa ngành dịch vụ trở thành động lực thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển. Nhằm đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ cho sản xuất sinh hoạt và tiêu dùng, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lao động xã hội, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như của tỉnh Bình Dương.
Trước mắt, Thuận An khẩn trương rà soát điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2040, dự kiến cuối năm 2020 hoàn thành. Song song với quy hoạch tổng thể xây dựng Thuận An thì cũng xem xét điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để khai thác thế mạnh tiềm năng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Ưu tiên nguồn vốn đầu tư công để tập trung thực hiện cho những dự án quan trọng, tạo sự đột phá và có sức lan tỏa lớn để đầu tư, bảo đảm sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước và gắn với lộ trình nâng cấp đô thị đạt các tiêu chí đô thị loại I. Dựa trên cơ sở quy hoạch chung được duyệt để đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là các dự án thuộc khung kỹ thuật hạ tầng giao thông. Đây cũng chính là điều kiện để thu hút đầu tư các nguồn lực từ xã hội vào phát triển thành phố Thuận An nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân thành phố”, ông Nguyễn Thanh Tâm nhấn mạnh.
Cao Cường
Theo