Thứ sáu 08/11/2024 01:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thừa Thiên - Huế: Lên phương án sẵn sàng ứng phó bão Noru

14:40 | 26/09/2022

(Xây dựng) - Do diễn biến phức tạp của bão Noru, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có công điện khẩn yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai khẩn cấp và hoàn thành các công tác chuẩn bị ứng phó với bão Noru trước ngày 26/9.

thua thien hue len phuong an san sang ung pho bao noru
Yêu cầu các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Đơn vị đã có công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến đường đi của bão. Tổ chức thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Toàn tỉnh có 2.062 phương tiện, với 11.350 lao động hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó, có 613 phương tiện tàu thuyền khai thác biển, còn lại là thuyền bãi ngang, ven biển, ghe thuyền đầm phá. Đến chiều 25/9, toàn tỉnh còn 6 phương tiện, với 52 lao động hoạt động thủy sản trên biển, chậm nhất sáng 26/9 sẽ đưa vào bờ tránh trú an toàn.

Các huyện, thị xã và thành phố Huế đã rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt… đến nơi an toàn. Dự kiến di dời các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt với khoảng 26.255 hộ, với 99.424 khẩu.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã bố trí phương tiện và lực lượng tổ chức hướng dẫn sắp xếp phương tiện vào khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền và thực hiện lệnh cấm biển từ sáng 25/9. Đối với các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão đã có phương án bố trí tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão.

Tại cảng cá Thuận An, nhiều phương tiện đánh cá đang chạy "nước rút" trước khi bão vào đất liền. Các tàu cá tranh thủ thời gian cập cảng bốc dỡ hàng hóa, bán sản phẩm khai thác trước khi đưa thuyền đi tránh trú an toàn ở các cảng, âu thuyền trong huyện Phú Vang và thành phố Huế.

Các cảng cá Thuận An, cảng cá Tư Hiền và các khu neo đậu tàu thuyền ở Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Hiền, Hải Dương, Lộc Trì và 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên đủ phục vụ neo đậu các phương tiện tàu thuyền. Các địa phương đã có phương án bố trí tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão. Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế có phương án bảo đảm an toàn cho các tàu hàng hải, neo đậu an toàn tại các cảng Thuận An, Chân Mây, tránh va trôi.

Toàn tỉnh có 56 hồ chứa thủy lợi, 12 hồ thủy điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3. Hiện nay, mực nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành bảo đảm an toàn… Tỉnh cũng có phương án dự trữ lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng, chống thiên tai với số lượng 100 tấn mì ăn liền, 100 tấn gạo.

Công điện của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương khẩn trương gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, cơ sở giáo dục, trường học, y tế, công sở, các khu công nghiệp; cắt tỉa cây xanh; đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, cơ sở hạ tầng trong điều kiện gió bão mạnh; đảm bảo an toàn hệ thống cần cẩu đang thi công; hệ thống thông tin liên lạc, các cột anten trên địa bàn; hệ thống pano, áp phích. Chú ý các điều kiện an toàn, phòng chống tai nạn thương tích khi gia cố nhà ở, các công trình.

Rà soát, có phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực trọng điểm, ngập úng đô thị. Các vùng ven biển, cửa sông, ven sông ven suối ở thị trấn Khe Tre (huyện Nam Đông); khu vực đèo Phú Gia (huyện Phú Lộc); sông Thượng Nhật (huyện Nam Đông); sông Tả Trạch đoạn qua xã Thủy Bằng (thành phố Huế); sông Bồ đoạn qua xã Phong An, thôn Cổ Bi xã Phong Sơn (huyện Phong Điền); phường Hương Vân, phường Hương Văn (thị xã Hương Trà); dọc các tuyến đường Quốc lộ 49 lên A Lưới, đường Hồ Chí Minh, đường 71 qua huyện Phong Điền, đường Tỉnh lộ 14 qua huyện Nam Đông, đường cao tốc La Sơn - Túy Loan; khu vực ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Sở Xây dựng chủ động phối hợp với UBND cấp huyện triển khai thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các nhà ở, nhà cao tầng, tháp viễn thông, cột anten, bảng quảng cáo, nhà máy, công trình, công trường đang thi công (nhất là giàn giáo, cần trục tháp, nhà cao tầng), chung cư cũ xuống cấp, công trình ngầm trước khi mưa bão xảy ra.

thua thien hue len phuong an san sang ung pho bao noru
Chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình ven biển, ven sông có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công.

Chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình ven biển, ven sông có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công; rút toàn bộ người, phương tiện ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở đất; đảm bảo an toàn công trình kiểm tra phương án chống va trôi đảm bảo công trình vùng hạ du, bố trí biển báo tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá để hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang.

Trí Đức

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load