Thứ sáu 08/11/2024 05:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Thu ngân sách Nhà nước 8 tháng đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng

22:10 | 09/09/2023

(Xây dựng) – Chiều 9/9 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) có nhiều chuyển biến tích cực.

Thu ngân sách Nhà nước 8 tháng đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì họp báo.

Người phát ngôn Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: Tại phiên họp Chính phủ diễn ra cùng ngày nhằm đánh giá, thảo luận về tình hình KTXH tháng 8 và 8 tháng năm 2023; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và một số nội dung quan trọng khác.

Phiên họp diễn ra trong bối cảnh nước ta đã đi qua 2/3 chặng đường của năm 2023 với tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi như: Hậu quả dịch COVID-19 kéo dài; cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn gia tăng gay gắt; xung đột tại Ukraine kéo dài; kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi chậm, lạm phát có dấu hiệu chững lại nhưng vẫn neo ở mức cao; tổng cầu và tổng cung suy yếu, nhiều thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp; biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan diễn biến phức tạp... Ở trong nước, nền kinh tế chịu "tác động kép" từ các yếu tố bất lợi bên ngoài và các hạn chế nội tại kéo dài nhiều năm, bộc lộ rõ hơn trong khó khăn. Trong khi đó, nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, có độ mở cao, quy mô còn khiêm tốn, khả năng thích ứng, sức chống chịu còn hạn chế.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn, cuộc họp tham vấn ý kiến về phát triển KTXH, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng; khắc phục sạt lở vùng Đồng bằng sông Cửu Long; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ các công trình, dự án trọng điểm quốc gia...

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định: Trong điều kiện có rất nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của toàn dân và sự giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Nhờ đó, KTXH tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 7, duy trì đà kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; tạo điều kiện để đạt kết quả cao hơn trong những tháng cuối năm. Nổi bật là:

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần; CPI bình quân 8 tháng tăng 3,1%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội giao (khoảng 4,5%); qua đó tạo dư địa cho các chính sách tiền tệ, tài khóa thúc đẩy tổng cầu và tăng trưởng kinh tế. Tỉ giá, thị trường ngoại tệ được kiểm soát tốt; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm.

Thu ngân sách Nhà nước 8 tháng đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán trong điều kiện thực hiện giãn, hoãn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí (tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn đến hết tháng 8 ước tính là 132 nghìn tỷ đồng). Nợ công, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt.

Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại. Trong tháng 8, xuất khẩu tăng 7,7% so với tháng 7, nhập khẩu tăng 5,7%; xuất siêu gần 3,82 tỷ USD. Tính chung 8 tháng xuất siêu gần 20,2 tỷ USD. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm. Thị trường lao động phục hồi tốt, cân đối cung cầu lao động được bảo đảm.

Khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, là điểm sáng và là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 8 tháng đạt 33,21 tỷ USD, xuất siêu 6,72 tỷ USD.

Khu vực công nghiệp tiếp tục đà phục hồi; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 2,9% so với tháng 7 và tăng 2,6% so cùng kỳ (tháng 7 tăng 2,3%), trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 3,5%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất trong tháng 8 đạt 50,5 điểm, thể hiện lĩnh vực sản xuất được mở rộng với số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại.

Khu vực thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 tăng 0,9% so tháng 7 và tăng 7,6% so cùng kỳ; tính chung 8 tháng tăng 10%. Khách quốc tế tháng 8 đạt 1,2 triệu lượt, tăng 17,2% so tháng 7 và gấp gần 2,5 lần so cùng kỳ; tính chung 8 tháng đạt 7,8 triệu lượt, gấp 5,4 lần so cùng kỳ.

Thu ngân sách Nhà nước 8 tháng đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng
Quang cảnh Họp báo.

Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đạt gần 297,7 nghìn tỷ đồng, đạt 42,1% kế hoạch, tăng 2,95% về tỉ lệ và tăng 85 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ; tổng vốn FDI thực hiện 8 tháng đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,3%.

Tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; Lễ khai giảng năm học mới diễn ra tốt đẹp trên khắp cả nước. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; các loại dịch bệnh được kiểm soát; đời sống người dân được cải thiện.

Tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Tai nạn giao thông, thiệt hại do thiên tai, cháy nổ giảm.

Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường. Hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được củng cố và tăng lên.

Nhìn chung, trong tháng 8 và 8 tháng, kết quả quan trọng nhất là chúng ta đạt được mục tiêu tổng quát đề ra: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, uy tín quốc tế ngày càng tăng; giữ gìn được môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Đỗ Quang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load