(Xây dựng) – Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/5, đã xem xét, cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội.
Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là tuyến đường rất quan trọng phát triển kinh tế vùng. |
Theo tờ trình của Chính phủ, dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến có quy mô khoảng 76,3km, 4 làn xe cao tốc hạn chế; tốc độ thiết kế 80 km/giờ với bề rộng mặt cắt ngang là 19,75m. Dự án phân chia thành 8 dự án thành phần, tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 là 61.056 tỷ đồng.
Giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 14.322 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương bố trí 7.361 tỷ đồng, ngân sách tThành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An bố trí 6.961 tỷ đồng. Chính phủ dự kiến năm 2022 chuẩn bị dự án, năm 2023 khởi công xây dựng và cơ bản hoàn thành năm 2025, hoàn thành toàn bộ vào năm 2026, quyết toán năm 2027. Để triển khai dự án, Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt về huy động nguồn vốn, thu hồi vốn đầu tư, cơ chế chỉ định thầu…
Phát biểu tại phiên họp, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất với Quốc hội được áp dụng cơ chế đặc thù trong toàn bộ thời gian xây dựng dự án Vành đai 3 chứ không chỉ trong 2 năm 2022-2023. Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị được áp dụng chỉ định thầu cho các gói tư vấn, đặc biệt là tư vấn trong thống kê, bồi thường, giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án. Cơ bản sẽ đấu thầu toàn bộ các gói thầu về xây lắp để bảo đảm tính minh bạch, bình đẳng, hạn chế tiêu cực.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định sẽ thành lập Ban chỉ huy, văn phòng dự án bên cạnh Tổ công tác hiện đang có và đặc biệt là Hội đồng Tư vấn gồm các nhà khoa học, nhà quản lý để giúp cho việc triển khai dự án thuận lợi, với quyết tâm hoàn thành cơ bản dự án vào cuối năm 2025, hoàn thiện vào 2026.
Thường trực Ủy ban Kinh tế ngân sách nhất trí với sự cần thiết đầu tư các dự án này nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phù hợp với Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc cùng một thời gian, trong đó tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022-2025 sẽ cần một nguồn lực rất lớn, do đó sẽ khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu... để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai. Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị làm rõ sự cần thiết của tuyến đường song hành dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh vì chi phí xây dựng còn lớn hơn đường chính.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc chuẩn bị phải hết sức kỹ lưỡng. Việc tính toán nguồn vốn đầu tư phải bảo đảm tuân thủ khung chính sách đã đề ra trong giai đoạn 5 năm để cân đối các nguồn lực, bảo đảm vừa tập trung trọng điểm vừa toàn diện.
Quan trọng nhất là bảo đảm tính hiệu quả và khả thi của dự án. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, địa phương và Trung ương cần san sẻ với nhau trong điều kiện khó khăn như hiện nay. Hai dự án này là rất cần thiết, tuy nhiên, cần tránh trường hợp địa phương không có đủ vốn nhưng vẫn phải cam kết đầu tư. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ căn cứ vào các ý kiến trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế để tiếp thu tối đa và giải trình thỏa đáng những vấn đề đã được đặt ra. Trong đó, Chính phủ phải giải trình rõ kế hoạch bố trí vốn phù hợp với tiến độ triển khai dự án.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, không nên áp dụng cơ chế chính sách đặc thù một cách tràn lan, vì như thế sẽ làm biến dạng môi trường đầu tư kinh doanh. Riêng với đề nghị cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để địa phương vay lại nhằm thực hiện dự án, đề nghị địa phương tự phát hành, không cần nhờ Chính phủ.
Thành Nam
Theo