(Xây dựng) – Chiều 26/10, Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng cùng Tổng Công ty tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) tổ chức tọa đàm về thoát nước xanh.
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện. |
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Lưu Đức Hải – Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị & Phát triển hạ tầng chia sẻ: Xây dựng và phát triển đô thị thông minh đang là xu hướng tất yếu của nhiều đô thị trên thế giới. Một trong những tiêu chí quan trọng của đô thị thông minh là xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông minh. Bao gồm: hệ thống giao thông, cấp thoát nước thông minh, xử lý chất thải rắn, kiểm soát ô nhiễm môi trường… Đặc biệt, cấp thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường là nội dung quan trọng trong quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, nhằm giảm thiểu tiêu cực do chất thải sinh hoạt đô thị, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Toàn cảnh sự kiện. |
Pháp luật điều chỉnh hoạt động thoát nước và xử lý nước thải chưa được quy định rõ trong các văn bản hiện hành. Với vai trò của nước sạch, thoát nước chống ngập, thu gom và xử lý nước thải đối với con người, cần thiết phải xây dựng, ban hành và điều chỉnh luật về thoát nước. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu rõ rệt, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, việc xây dựng hệ thống thoát nước xanh và bền vững được quan tâm, đẩy mạnh nhằm giải quyết những vấn nạn của đô thị. Để tạo một hành lang pháp lý, phát triển hạ tầng, thoát nước xanh bền vững, Chính phủ cần tập trung ưu tiên cho lĩnh vực cấp nước và thoát nước, xử lý nước thải thông qua khung pháo lý, tiêu chuẩn kỹ thuật và định hướng quốc gia.
PGS.TS Lưu Đức Hải – Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị & Phát triển hạ tầng cũng thông tin thêm: Trong tháng 11/2024, chúng tôi sẽ biên tập và xuất bản cuốn sách Hạ tầng xanh trong đô thị. Trước đó, sẽ diễn ra 8 tọa đàm về 8 thành phần chính của hạ tầng xanh bao gồm: Giao thông xanh; Thoát nước xanh; Cấp nước xanh; Chiếu sáng xanh; Công viên xanh; Quản lý chất thải rắn xanh; Nghĩa trang và an táng xanh; Môi trường xanh. Toàn bộ các bài tham luận, đóng góp của những nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực trên sẽ được tổng hợp, biên soạn… và xuất bản trong cuốn sách Hạ tầng xanh trong đô thị.
Ông Trần Đức Tuấn - Giám đốc Tổng Công ty tư vấn xây dựng Việt Nam phát biểu chào mừng tại tọa đàm: Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, hệ thống lý luận về hạ tầng xanh mới ở bước khởi đầu, các thành phần chưa được làm sáng tỏ và cụ thể. Do đó, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các cấp quản lý cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa, từ đó ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Chuỗi 8 buổi tọa đàm về hạ tầng xanh đặt ra mục tiêu hệ thống hóa cơ sở lý luận về hạ tầng xanh, thành phần của hạ tầng xanh, từ đó gợi mở những nghiên cứu khoa học, và đưa hạ tầng xanh vào các văn bản pháp quy như Luật Đô thị, Luật Quy hoạch trong tương lai.
VNCC là một trong các đơn vị thành viên của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, với mong muốn đóng góp vào hoạt động chung, góp phần tham gia vào công tác hệ thống hóa cơ sở lý luận, pháp lý về hạ tầng xanh nên đã đồng tổ chức tọa đàm ngày hôm nay. Có thể nói, đây là thời điểm vô cùng thích hợp để kịp thời giải quyết những nút thắt trong công tác đầu tư xây dựng hạ tầng tại Việt Nam.
“Tôi cũng hy vọng, với những kiến thức chuyên sâu, lòng tâm huyết, sự nhiệt tình của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chuyên môn, các nhà khoa học, nghiên cứu sẽ đúc kết được những nền tảng cơ bản cho lĩnh vực đang rất được quan tâm này”, Giám đốc Tổng Công ty tư vấn xây dựng Việt Nam khẳng định.
Tại Tọa đàm, nhiều tham luận có ý nghĩa thực tiễn, lý luận được trình bày như: Thoát nước xanh từ góc nhìn pháp lý; Thoát nước mặt hướng tới thoát nước đô thị; Ứng dụng phần mềm SWMM đề xuất giải pháp kỹ thuật xanh nhằm đảm bảo thoát nước bền vững cho khu vực trung tâm thành phố Hải Phòng; Thoát nước mưa xanh – bền vững kết hợp mô hình nông nghiệp/vườn đô thị; Dự báo chất lượng nước thải để đề xuất giải pháp tổng hợp phục hồi dòng chảy sinh thái sông Tô Lịch; Kinh nghiệm phát triển thành phố bọt biển trên thế giới và đề xuất giải pháp thoát nước mưa xanh cho đô thị Việt Nam…
Diệu Anh
Theo