Thứ bảy 21/12/2024 23:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý để phát triển các dự án điện LNG

19:23 | 20/12/2024

(Xây dựng) – Sáng 20/12, Tạp chí Luật sư Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý để phát triển các dự án điện khí LNG”.

Tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý để phát triển các dự án điện LNG
Các khách mời tọa đàm cũng đưa ra nhiều khuyến nghị trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý; xây dựng, ban hành các cơ chế quản lý quy hoạch, các chính sách liên quan đến công tác đầu tư dự án điện khí.

Theo báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam (EOR24) do Cơ quan Năng lượng Đan Mạch phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện được công bố hồi tháng 6 vừa qua cho thấy, tính đến cuối năm 2022, trong tổng sản lượng điện phát từ hệ thống thì nhiệt điện than chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 38%, tiếp đó là thủy điện, chiếm 35%, còn nhiệt điện khí vẫn khá thấp, chỉ chiếm 10,8%.

Trong khi đó, Nghị Quyết số 55-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí: “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí hóa lỏng”; đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”.

Còn Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), đặt mục tiêu chuyển đổi 18GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14GW điện khí LNG và 12-15GW nguồn năng lượng tái tạo. Như vậy, đến năm 2030 sẽ phát triển 23.900MW điện khí, tương đương tỷ trọng hơn 14,9% cơ cấu nguồn điện.

Chia sẻ về thực trạng phát triển các dự án điện khí LNG tại Việt Nam, TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết: Phát triển lĩnh vực điện khí LNG là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, trong đó Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt kế hoạch phát triển rõ ràng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chúng ta mới có 1 dự án điện LNG duy nhất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Hiện nay, trong số 13 dự án điện khí đã được quy hoạch vẫn còn cần nhiều điều kiện hoàn thiện và rất nhiều điều kiện của nhà đầu tư đưa ra cần được đáp ứng... Do đó, với mục tiêu đưa vào hoạt động 13 dự án điện khí như kế hoạch sẽ gặp rất nhiều thách thức và để thực hiện được 50% trong số đó đã là một thành công.

Tại buổi tọa đàm, các khách mời tham dự cũng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm phát triển của các dự án điện khí LNG như: do còn thiếu cơ chế, chính sách điều chỉnh hoạt động này, đặc biệt là các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác đầu tư, giải tỏa công suất, cơ chế giá mua điện… Song trên thực tế khi triển khai dự án điện khí LNG, các doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn về thị trường, nguồn vốn.

Theo ông Nguyễn Duyên Hải, Giám đốc Dự án Nhiệt điện LNG Công Thanh, về mặt cơ chế pháp lý đã tương đối đủ, khi mà Quốc hội thông qua Luật Điện lực mới và trong đó đã có quan tâm đến điện khí hóa lỏng LNG. Tuy nhiên, đây mới là luật còn nghị định đối với nhà đầu tư và thông tư hướng dẫn về cơ chế và cách chuyển điện khí đầu vào thì vẫn phải đợi. Đó là một vướng mắc chung của dự án.

TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) chia sẻ, về quản lý ngành điện, với cách thức hiện nay, việc truyền tải điện vẫn giao cho EVN. Cơ chế mua bán điện trực tiếp rất tốt nhưng chưa được áp dụng do vấn đề tư duy. Còn một điểm nữa đó là vấn đề ngoại tệ, do vẫn phải thông qua cơ quan quản lý ngoại hối khi gần như mọi nguồn nhập khí LNG đều bằng ngoại tệ nhưng bán điện ra cho người dùng lại bằng VNĐ. Vậy cần giải quyết như thế nào, khi chưa rõ vấn đề tiếp cận ngoại tệ.

Để góp phần tham mưu giải pháp tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, tại Tọa đàm, các khách mời cũng đưa ra nhiều khuyến nghị, từ việc cần sớm hoàn thiện khung pháp lý; xây dựng, ban hành các cơ chế quản lý quy hoạch, cơ chế hỗ trợ, các chính sách liên quan đến công tác đầu tư; xây dựng một cơ chế chính sách đặc thù, đồng bộ, rõ ràng và linh hoạt nhằm thu hút đầu tư và phát triển nhiệt điện khí như một phần quan trọng trong cơ cấu nguồn điện quốc gia đến năm 2030. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình tham vấn xây dựng chính sách.

Tiến Hào

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load