Thứ sáu 08/11/2024 05:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thành phố Thái Nguyên xây dựng đô thị thông minh

15:39 | 18/10/2022

(Xây dựng) - Với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh, thành phố Thái Nguyên xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là khâu đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

thanh pho thai nguyen xay dung do thi thong minh
Ngày 11/10, Dự án Trung tâm điều hành đô thị thông minh và hệ thống camera giám sát trật tự an toàn đô thị trên địa bàn thành phố Thái Nguyên chính thức được vận hành.

Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của phát triển đô thị, thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, doanh nghiệp và người dân. Với sự quyết tâm, tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và nhân dân, công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Theo đó, thành phố Thái Nguyên đã sớm đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, truyền số liệu chuyên dùng. 32/32 phường, xã đã triển khai lắp đặt, kết nối hệ thống camera giám sát theo mô hình camera giám sát, kết nối trực tiếp tại các vị trí với trụ sở UBND các phường, xã để phục vụ công tác quản lý và chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương. 100% cán bộ, công chức của thành phố và xã, phường được trang bị máy tính để làm việc. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tại UBND thành phố và 32 phường, xã phục vụ các cuộc họp từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, xã bảo đảm linh hoạt, thuận tiện, góp phần tiết kiệm thời gian, kinh phí.

Bên cạnh đó, thành phố Thái Nguyên đã phối hợp với Viettel Thái Nguyên, các đơn vị liên quan khảo sát hiện trạng hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn.

Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi số, sự thay đổi lớn nhất là thành phố Thái Nguyên đã xây dựng được chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, hệ thống quản lý văn bản đi, đến và điều hành đều vận hành tốt, đem lại hiệu quả. Tính đến quý III/2022, thành phố Thái Nguyên đã cung cấp tổng số 156 thủ tục hành chính mức độ 3 và 115 thủ tục hành chính mức độ 4; 100% công việc được xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử; 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết được thực hiện công khai, minh bạch; 100% cán bộ, công chức, viên chức được cấp thư điện tử @thainguyen.gov.vn để trao đổi, giải quyết công việc.

Đặc biệt từ nhiều tháng nay, thành phố Thái Nguyên đã triển khai “Phòng họp không giấy tờ” tại các hội nghị, kỳ họp, phiên họp thường kỳ UBND thành phố. Qua đó, tiết kiệm thời gian và chi phí văn phòng phẩm, tránh được những sai sót trong sắp xếp tài liệu, chất lượng thảo luận, giải quyết công việc được nâng cao. Trên lĩnh vực kinh tế số, thành phố Thái Nguyên cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Việc thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai thực hiện đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Người dân đã chủ động thay đổi phương thức thực hiện các giao dịch (thuế, điện nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội) từ thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt chuyển sang thanh toán trên website hoặc App (ứng dụng) của các ngân hàng thương mại và đơn vị viễn thông trên địa bàn.

Hiện nay, 121/121 đơn vị trường học đã triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong việc thu nộp học phí và các khoản thu khác; các đơn vị bệnh viện trên địa bàn như: Bệnh viện A, Bệnh viện Gang Thép, Bệnh viện Y học cổ truyền đã và đang phối hợp với các ngân hàng xây dựng module kết nối thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt.

Cùng bắt nhịp với chuyển đổi số, bên cạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thời gian qua, một số hợp tác xã trên địa bàn thành phố Thái Nguyên cũng đã bắt đầu tận dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, xây dựng website bán hàng, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá, tìm kiếm thị trường, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất. Đến tháng 8/2022, 100% các sản phẩm OCOP của thành phố đã được hỗ trợ và đưa lên cả 02 sàn là Postmart và Vỏ sò phục vụ quảng bá và phát triển thương mại, tiêu biểu là các sản phẩm trà của một số hợp tác xã như: Tâm Trà Thái, chè Hảo Đạt, HTX chè Sơn Dung…

Ở trụ cột xã hội số, thành phố Thái Nguyên tiếp tục tuyên truyền việc cài đặt và sử dụng ứng dụng C-ThaiNguyen, ThaiNguyen ID. Thực hiện tiếp nhận và giải quyết phản ánh hiện trường của người dân trên ứng dụng C-ThaiNguyen. Tính từ ngày 01/01/2022 đến nay, thành phố đã tiếp nhận từ Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh 232 phản ánh, đến nay đã giải quyết xong 230 phản ánh, về cơ bản kết quả giải quyết phản ánh hiện trường của UBND thành phố đều được công dân đánh giá ở mức độ hài lòng.

Một trong những dấu mốc quan trọng trong phát triển đô thị thông minh tại thành phố Thái Nguyên là Trung tâm điều hành đô thị thông minh và hệ thống camera giám sát trật tự an toàn đô thị trên địa bàn chính thức hoàn thành và đưa vào hoạt động nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập thành phố.

Dự án Trung tâm điều hành đô thị thông minh và hệ thống camera giám sát trật tự an toàn đô thị trên địa bàn thành phố Thái Nguyên có tổng mức đầu tư 44,9 tỷ đồng. Đây là hạng mục quan trọng nhằm xây dựng thành phố sớm trở thành đô thị thông minh trên cơ sở thực hiện 3 trụ cột chính gồm phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số và xã hội số góp phần thắng lợi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ 20 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Thái Nguyên lần thứ 18, nhiệm kỳ 2020– 2025.

Nguyễn Thành

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load