(Xây dựng) - Ngày 23/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 1078/QĐ-TTg công nhận thành phố Long Xuyên là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh An Giang. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Nội vụ, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Một góc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang (ảnh Hữu Trực). |
Thành phố Long Xuyên là tỉnh lỵ của tỉnh An Giang được đánh giá có vị trí chiến lược trong vùng, là điểm giao thoa giữa hai khu vực năng động của vùng đô thị trung tâm và tứ giác Long Xuyên; nằm trong trung tâm của vùng tam giác phát triển bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, PhnomPenh ( Campuchia) và nằm trên các trục hành lang kinh tế đô thị quốc tế, quốc gia.
Thành phố Long Xuyên được công nhận là đô thị loại II theo Quyết định số 747/QĐ - TTg ngày 14/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Trải qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay Long Xuyên đã có những bước phát triển vững chắc về mọi mặt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tăng dần tỷ trọng thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp.
Trong những năm qua, các công trình phục vụ công cộng và cơ sở kỹ thuật hạ tầng đô thị trên địa bàn thành phố được đầu tư và xây dựng tương đối đồng bộ, ngày càng hoàn thiện trên nhiều lĩnh vực, tạo bộ mặt đô thị ngày càng khang trang; chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được nâng lên, vệ sinh môi trường được đảm bảo; tỷ lệ đô thị hóa ngày càng cao...
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Long Xuyên là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh An Giang. |
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng được thành phố tập trung thực hiện, như: Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh Cụm công nghiệp Mỹ Quý, đang hình thành Cụm công nghiệp Bình Đức và kêu gọi đầu tư Khu công nghiệp Vàm Cống cùng Cụm tiểu thủ công nghiệp Tây Huề; nâng cấp đồng bộ 168 tuyến đường đô thị, hoàn thành phố đi bộ Hai Bà Trưng – Nguyễn Huệ; chỉnh trang đường Trần Hưng Đạo; đấu nối hoàn thiện các tuyến đường nội ô: Lý Thái Tổ (nối dài), Ung Văn Khiêm (mở rộng)... thực hiện 2 dự án từ nguồn vốn ODA là dự án thu gom và xử lý nước thải và dự án nâng cấp, mở rộng và phát triển đô thị. Đặc biệt, dự án đường tránh Long Xuyên được tập trung triển khai với tổng kinh phí trên 2.000 tỷ đồng, đây là một trong những dự án lớn nhất từ trước đến nay được triển khai trên địa bàn thành phố.
Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 xác định thành phố Long Xuyên là đô thị loại I, trung tâm tăng trưởng kinh tế, trung tâm thương mại dịch vụ của tiểu vùng giữa đồng bằng tại khu vực phía Nam sông Hậu; là trung tâm đào tạo, chuyển giao công nghệ, trung tâm công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh An Giang, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Việc công nhận thành phố Long Xuyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh An Giang là cần thiết, phù hợp với định hướng quy hoạch kinh tế - xã hội; Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh An Giang, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Long Xuyên và Quy hoạch vùng huyện Thoại Sơn. Đây là cơ sở góp phần phát huy được sức mạnh tổng hợp, tạo sức lan tỏa cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cấp vùng, nâng cao chất lượng sống của cư dân đô thị và phát triển kinh tế, xứng đáng là trung tâm tổng hợp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tính đến thời điểm hiện tại, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 3 thành phố là đô thị loại I, gồm: Thành phố Cần Thơ (trực thuộc Trung ương), thành phố Mỹ Tho (trực thuộc tỉnh Tiền Giang) và thành phố Long Xuyên (trực thuộc tỉnh An Giang).
Kiến Hòa
Theo