Thứ sáu 08/11/2024 14:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thành phố Hồ Chí Minh: Cần chủ động phương án có 5000 ca nhiễm Covid-19

08:48 | 20/06/2021

(Xây dựng) – Chiều 19/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì buổi làm việc về công tác phòng chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Buổi làm việc có sự tham dự của GS.TS Nguyễn Thanh Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, đại diện lãnh đạo các Bộ, Cục, Vụ thuộc Bộ Y tế cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trung ương và địa phương.

thanh pho ho chi minh can chu dong phuong an co 5000 ca nhiem covid 19
Quang cảnh buổi làm việc.

Trong buổi làm việc, lãnh đạo ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã báo cáo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, tính đến 18 giờ ngày 18/6 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có 1.661 trường hợp mắc Covid-19 trong đó có 1.414 trường hợp ghi nhận trong cộng đồng (chiếm 85.13%), 243 trường hợp nhập cảnh (chiếm 14.63%), 04 trường hợp lây trong khu cách ly VNA (0.24%).

Về công tác điều trị tính đến thời điểm hiện tại đã có 370 trường hợp bệnh nhân được điều trị khỏi (22.28%), 2 trường hợp tử vong (chiếm 0.12%); Hiện các bệnh viện được chỉ định điều trị Covid-19 trên địa bàn thành phố đang điều trị cho 1.289 trường hợp bệnh nhân, tương ứng 143.2 ca bệnh/1 triệu dân.

Riêng trong đợt dịch lần thứ 4 được tính từ ngày 27/4 đến 18 giờ ngày 18/6, thành phố đã ghi nhận 1.346 ca nhiễm trong cộng đồng với 23 chuỗi, ổ lây nhiễm đã được xác định với nhiều mối liên hệ dịch tễ khác nhau; trong đó chuỗi lây nhiễm điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã phát hiện tổng cộng 520 trường hợp dương tính, riêng từ ngày 16/6 đến 19/6 chuỗi lây nhiễm này phát sinh 12 trường hợp dương tính mới đều đã được cách ly. Ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định chuỗi lây nhiễm liên quan ổ dịch này đã cơ bản được kiểm soát.

Về công tác xét nghiệm, từ ngày 26/5 đến hết ngày 18/6, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành lấy 664.179 mẫu xét nghiệm trong đó bao gồm 12.676 mẫu xét nghiệm F1, 73.092 mẫu tiếp xúc gần cùng 578.411 mẫu mở rộng xét nghiệm.

Về công tác tiêm vắc xin, thành phố đã tổ chức 3 đợt tiêm vắc xin trong đó đợt 1 diễn ra từ ngày 8/3 đến 19/4 với 9.155 nhân viên y tế của 73 cơ sở y tế công; đợt 2 từ 19/4 đến 23/5 với đã tiến hành tiêm cho 64.416 trường hợp trong đó có 8.904 trường hợp tiêm mũi 2; đợt 3 diễn ra từ ngày 3/6 với 67.792 trường hợp được tiêm trong đó có 29.409 trường hợp tiêm mũi 2 và 4000 liều sẽ được tiêm vét trong 2 ngày 19-20/6; Hiện chiến dịch tiêm chủng lần 4 cũng đã được bắt đầu triển khai với tổng số 836.000 liều được cấp và được dự kiến hoàn thành trước 27/6.

Nâng cao năng lực xét nghiệm là giải pháp chiến lược

Phát biểu trong buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đánh giá cao những nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch nhanh chóng, triệt để nhất là các biện pháp giãn cách đã được thực hiện đúng mức độ, đúng thời điểm đã giúp Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.

Tuy nhiên đặc điểm đợt dịch lần này có sự khác biệt so với những lần trước, khi không thể hoàn toàn truy vết được tất cả các nguồn lây bởi sự xuất hiện của các trùm ca bệnh, mầm bệnh có thể phát tán và lây lan nhanh nên đã xảy ra việc bỏ sót ca bệnh tiềm ẩn làm lây lan ra những trường hợp khác. Đồng thời tốc độ lây cũng rất nhanh khi trong thực tế cho thấy khi ghi nhận một ca bệnh thì nhiều trường hợp người trong gia đình, một dây chuyền sản xuất hay một công ty cũng đã bị lây nhiễm.

Về định hướng trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, nâng cao năng lực xét nghiệm là một trong những giải pháp chiến lược để Thành phố Hồ Chí Minh có thể nhanh chóng khống chế, ngăn chặn dịch bệnh. Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần nhanh chóng nâng cao năng lực xét nghiệm với công suất 500.000 mẫu gộp mỗi ngày, kịch bản này đã được đề ra từ trước nhưng cần thực hiện ngay để nhanh chóng chặn đứng nguồn lây.

Công tác xét nghiệm cần được triển khai thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau: với các khu vực trọng điểm cần đảm bảo xét nghiệm toàn bộ cho các đối tượng liên quan, không bỏ sót và thực hiện xét nghiệm lặp lại sau 5 - 7 ngày. Với các ca bệnh được phát hiện thông qua tầm soát, xét nghiệm hay khám tại các bệnh viện cần tiến hành ngày việc khoanh vùng, xét nghiệm cho toàn bộ khu vực, song song đó thực hiện các biện pháp truy vết và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan cũng phải được tiếp tục thực hiện (có thể áp dụng gộp mẫu 5 với F1, gộp 10-20 với các trường hợp khác).

Đối với khu công nghiệp, cần thực hiện xét nghiệm tầm soát thường xuyên và phải đạt tỷ lệ ít nhất 20 để bảo vệ bằng được khu công nghiệp trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập. Đồng thời thành phố cần triển khai xét nghiệm tầm soát diện rộng cho toàn thành phố theo quy mô hộ dân với mỗi hộ dân lấy 1 - 2 người.

Cần triển khai thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên, áp dụng rộng rãi để không tồn mẫu; Tăng cường nhân lực lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm đồng thời có thể xem xét, hướng dẫn người dân tự thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại nhà.

Đối với các cơ sở Y tế cần triển khai xét nghiệm cho tất cả bệnh nhân đến khám bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh chứ không chỉ tập trung ở các nhóm đối tượng bệnh nhân có các biểu hiện lâm sàng như ho, sốt…

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã giao các cơ quan trực thuộc Bộ đóng trên địa bàn tổng lực hỗ trợ ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh sẽ huy động toàn bộ sinh viên tham gia công tác lấy mẫu, vấn đề chính sách, chế độ sẽ do Bộ Y tế thực hiện; Viện Pasteur và các bộ phận sẽ hỗ trợ tối đa với sự điều phối của Thành phố Hồ Chí Minh.

Giãn cách nghiêm và linh hoạt

Đối với vấn đề giãn cách xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên việc triển khai còn nhiều bất cập.

Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến nghị, việc thực hiện giãn cách trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nên được thực hiện theo nhiều mức độ khác nhau tùy theo đặc điểm của từng khu vực, không nên cứng nhắc áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn Thành phố.

Theo đó, trên địa bàn Thành phố nên thực hiện nghiêm theo chỉ thị 15; những khu vực trọng tâm, trọng điểm cần thực hiện nghiêm theo Chỉ thị 16, 16+ hay thậm chí là áp dụng phong tỏa cứng ớ các khu vực nguy cơ cao. Đối với các khu vực áp dụng các biện pháp phong tỏa cứng cần tuân thủ nghiêm việc giãn cách giữ người với người, giữa nhà với nhà không để có sự giao lưu qua lại giữa các đối tượng trong khu vực phong tỏa.

Về công tác điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo Thành phố Hồ Chí Minh cần chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản có 5000 ca bệnh; Có phương án phối hợp cùng lực lượng quân đội trên địa bàn để lên phương án thành lập bệnh viện dã chiến; Giao Bệnh viện Chợ Rẫy sẵn sàng kịch bản thiết lập khu cấp cứu để tiếp nhận điều trị cho các trường hợp bệnh nhân nặng đặc biệt là các trường hợp cần can thiệp chuyên sâu như ECMO.

Đối với kịch bản này, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần rà soát và chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, trang thiết bị, vật tư y tế… Bộ Y tế sẽ viện trợ thành phố một số trang thiết bị cần thiết như thiết bị HFLC, máy thở… Bên cạnh đó Bộ Y tế cũng sẽ hỗ trợ, phối hợp cùng Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị phương án mua sắm các hệ thống ECMO để đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân nặng.

Với công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cần tổng lực triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin theo kế hoạch và tiến độ đã được đề ra, sẵn sàng cho những chiến dịch tiêm chủng tiếp theo sẽ được triển khai trong thời gian tới. Đồng thời Bộ Y tế cũng đã triển khai việc đăng ký, theo dõi tiêm chủng thông qua ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”.

Bên cạnh những kiến nghị từ Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng khuyến nghị, Thành phố Hồ Chí Minh nên áp dụng các biện pháp công nghệ thông tin trong các công tác phòng chống dịch đặc biệt là việc triển khai hệ thống bản đồ dịch tễ. Cần áp dụng nghiêm, triệt để Chỉ thị 15 và tăng cường một số nội dung quan trọng, trọng tâm của Chỉ thị 16.

Phát biểu kết luận trong buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh Thành phố Hồ Chí Minh cần có những giải pháp triệt để nhằm kiểm soát, chăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.

Từ 0 giờ ngày 20/6, cần áp dụng nghiêm, triệt để Chỉ thị 15 và tăng cường một số nội dung quan trọng, trọng tâm của Chỉ thị 16; Tùy tình hình cụ thể tại các địa phương trọng điểm cụ thể có thể xem xét thực hiện chỉ thị 16, 16+ hay thực hiện phong tỏa. Tuy nhiên cần chủ động, linh động trong việc áp dụng các biện pháp giãn cách, phong tỏa, đảm bảo an toàn phòng chống dịch nhưng vẫn đảm bảo lưu thông hàng hóa, sản xuất, lưu thông sản xuất.

Đối với các lực lượng tuyến đầu tham gia công tác phòng chống dịch cần có các chế độ, biện pháp để động viên tinh thần cho các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch; Huy động tinh thần toàn dân, nêu cao tinh thần đoàn kết để huy động sức mạnh toàn dân trong công tác phòng chống dịch.

Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố vô cùng trân quý sự theo sát, hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Y tế trong các hoạt động phòng, chống dịch của thành phố; lãnh đạo Thành phố ghi nhận những kiến nghị, chỉ đạo từ Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long… đồng thời sẽ khẩn trương triển khai để nhanh chóng đẩy lùi, khống chế và ngăn chặn dịch bệnh.

Đối với các biện pháp giãn cách xã hội, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết từ 0 giờ ngày 20/6, Thành phố sẽ áp dụng triệt để Chỉ thị 15, áp dụng có trọng điểm Chỉ thị 16. Trong đó trước mắt thực hiện nghiêm Chỉ thị 15 ở một số khu vực, thực hiện Chỉ thị 16, 16+ tại một số địa phương cần thiết; có thể áp dụng các biện pháp phong tỏa như khu 2,3,4 phường An Lạc quận Bình Tân; Ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3, phường Tân Hiệp, huyện Hóc Môn.

Mai Trịnh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load