(Xây dựng) – Thời gian qua, việc hàng nghìn hộ khó khăn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa viết đơn tự nguyện từ chối nhận tiền hỗ trợ dịch Covid-19 đã gây xôn xao dư luận. Vậy, thực hư của sự việc này như thế nào? Các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã có những chỉ đạo, giải pháp gì để chủ trương, chính sách đầy tính nhân văn này của Nhà nước được thực hiện đúng, đủ, hiệu quả?
Phổ biến danh sách chi trả hỗ trợ tại huyện Thường Xuân. |
Ngày 15/5/2020, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 1687/CV-TU về việc “lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trong phòng chống dịch Covid -19”. Nội dung Công văn nêu: “Để thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc… tập trung triển khai một số nhiệm vụ sau…”
Theo đó, mục 2 của Công văn nêu: “Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân trên địa bàn quản lý, đảm bảo chính xác, công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng bỏ sót, chi sai đối tượng và sử dụng ngân sách trái quy định... chỉ đạo cán bộ cơ sở tuyệt đối không được vận động người dân từ chối nhận hỗ trợ và có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp tự nguyện không nhận hỗ trợ. Kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ vi phạm trong triển khai chính sách hỗ trợ... địa phương nào, đơn vị nào để xảy ra vi phạm... thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm...”
Huyện Tĩnh Gia là một trong những địa phương có sai sót trong triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Tại đây, xảy ra trường hợp ông Lê Công Ngân - Trưởng thôn Hạnh Phúc, xã Hải Ninh đã vận động 21 trường hợp thuộc diện hộ cận nghèo viết đơn “tự nguyện” không nhận hỗ trợ. Sau khi vụ việc được báo chí nêu, vị trưởng thôn này đã nhận ra sai phạm nên đã hủy hết các mẫu đơn tự nguyện in sẵn và viết tự kiểm điểm gửi lên lãnh đạo xã.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Lê Đình Phương - Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết: Sau khi nắm được sự việc, xã đã cho kiểm tra, rà soát lại các hộ có đơn. Kết quả, trong số 21 hộ viết đơn do được vận động, có 7 hộ rút đơn để nhận hỗ trợ. Còn lại, 13 hộ không rút đơn, không nhận tiền hỗ trợ vì “chưa thật sự khó khăn”.
Ngay sau khi tiếp thu Công văn số 1687 của Tỉnh ủy, UBND huyện Tĩnh Gia đã có Công văn số 1457/UBND-VP về việc “tiếp tục rà soát, tổng hợp xác nhận đối tượng người có công; đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP”. Theo đó, hủy bỏ nội dung tại mục 2, Công văn số 1113/UBND-LĐTBXH đã ban hành trước đó. Công văn có nội dung tóm tắt như sau “đối với hộ có tên trong danh sách hỗ trợ, nhưng không đủ điều kiện hưởng. Đề nghị làm đơn không nhận chính sách hỗ trợ của Nhà nước, có xác nhận của UBND xã, gửi danh sách về huyện”.
Lý giải về vấn đề này, ông Hồ Đình Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia cho rằng, để xảy ra sai sót (như trường hợp Trưởng thôn Hạnh Phúc) là do một số địa phương lúng túng, thực hiện chưa đúng hướng dẫn của huyện tại tinh thần Công văn 1113. Do đó, UBND huyện đã phải hủy bỏ mục 2 của Công văn này để tránh sai sót tiếp theo có thể xảy ra.
Chi trả tiền hỗ trợ dịch Covid-19 tại thị trấn Nga Sơn. |
Tương tự như tại thôn Hạnh Phúc, tại thị trấn Nga Sơn, theo phản ánh cũng có tình trạng cán bộ thôn đến nhà các hộ cận nghèo vận động không nhận hỗ trợ. Về việc này, một cán bộ thôn thuộc Tiểu khu Trung Bắc cho biết, toàn thôn có 37 hộ cận nghèo nhưng nhiều hộ trong số này có điều kiện kinh tế khá ổn định. Vì thế, thôn vận động họ trên tinh thần tự nguyện, nếu thấy chưa thật sự khó khăn thì đừng nhận hỗ trợ, để dành cho người khó khăn hơn. Ban đầu có 15 hộ nhất trí và chúng tôi làm sẵn đơn để họ ký. Nhưng sau thì bỏ mẫu đơn in sẵn, chuyển sang viết tay và chỉ còn 10 hộ tự viết đơn, còn 5 hộ vẫn nhận tiền, trong đó có 2 hộ chỉ nhận cho 2 cháu nhỏ, người lớn xin tự rút.
Cũng tại thị trấn Nga Sơn, Trưởng Tiểu khu Thắng Thịnh thông tin, thôn ông có 35 hộ diện cận nghèo. Nhưng thực tế chỉ có khoảng 13 hộ đúng đối tượng, số còn lại đều có kinh tế không quá khó khăn. Theo ông, đây là hệ lụy của việc bình bầu hộ cận nghèo không đúng thực tế, dẫn đến nhiều hậu quả không hay, trong đó có việc nhiều hộ không nhận hỗ trợ.
Cũng về việc bình bầu hộ nghèo, cận nghèo sai đối tượng dẫn đến việc “tự nguyện” từ chối hỗ trợ, nhiều địa phương còn có những chuyện thật như đùa. Đó là hộ cận nghèo có nhà lầu, xe hơi, con em cán bộ lãnh đạo, gia đình cán bộ “lạc” vào hộ nghèo, cận nghèo.
Tại xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa, qua rà soát phát hiện vợ, con, người nhà của Bí thư Đảng ủy xã, Bí thư Đoàn xã, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, Chủ tịch Hội Nông dân “bị lạc” vào hộ cận nghèo.
Làm việc với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Trịnh Văn Súy - Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết, trước tình hình trên, Thường vụ Huyện ủy đã quyết định dừng tổ chức Đại hội Đảng bộ xã để chuẩn bị phương án nhân sự mới. Đồng thời, đưa những người trên ra khỏi diện quy hoạch khóa tới.
Liên quan đến vấn đề chi trả hỗ trợ, qua rà soát của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, có tới 1.500 đối tượng trùng với nhóm nhận hỗ trợ (một người có thể hưởng 2 hoặc 3 chế độ. Theo quy định, nếu một người thuộc nhiều nhóm đối tượng thì chỉ được nhận một gói hỗ trợ cao nhất).
Cũng tại huyện Thiệu Thành, qua triển khai gói hỗ trợ dịch Covid-19, còn “lòi” ra một cách làm rất “sáng tạo” của lãnh đạo xã, đó là việc 18 hộ nghèo được sáp nhập vào các hộ nghèo khác, nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo cho đạt tiêu chí nông thôn mới.
Trở lại với vấn đề hộ cận nghèo không đúng tiêu chuẩn. Qua kiểm tra, rà soát, tình trạng nhiều hộ cận nghèo nhưng có điều kiện kinh tế khá giả, thậm chí không ít hộ có nhà lầu, xe hơi, cửa hàng kinh doanh lớn diễn ra ở nhiều địa phương như: Xã Yên Thọ (Yên Đinh), xã Quảng Nham (Quảng Xương) thị trấn Nga Sơn (Nga Sơn), xã Hải Ninh (Tĩnh Gia)… Theo lý giải của lãnh đạo các địa phương, sở dĩ có tình trạng này là do sự thiếu sâu sát, thậm chí nể nang của cán bộ.
Thêm nữa, việc bình xét là do các thôn tự làm, người dân thường bàn bạc với nhau, nhà này “nhường” nhà kia suất cận nghèo để con cái đi học được miễn giảm đóng góp, vay vốn ngân hàng chính sách… Ngoài ra, theo “tâm sự” của một cán bộ làm công tác chính sách, nhiều nơi lãnh đạo xã còn “mặc cả” với các chủ hộ muốn và nếu “được” vào diện nghèo, cận nghèo thì chỉ được ưu tiên vay vốn, ngoài ra không được nhận chế độ gì.
Lại nói về những lá đơn “tự nguyện” không nhận hỗ trợ do dịch Covid-19. Ngoài các trường hợp “bị” vận động, trước hết, phải khẳng định rằng vẫn có rất nhiều người thật sự tự nguyện với mong muốn “nhường cơm xẻ áo” cho những người khó khăn hơn mình. Điển hình như trường hợp các hộ dân ở xã Xuân Sinh (Thọ Xuân) và nhiều địa phương khác, đa số các hộ viết đơn đều tự nguyện, không có sự vận động hay ép buộc.
Cùng với đó, còn có hàng loạt trường hợp người dân tự viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, người cao tuổi đạp xe lên xã, mang theo toàn bộ số tiền tiết kiệm ít ỏi của mình để ủng hộ cho công tác chống dịch Covid-19. Đó thật sự là những tấm lòng thơm thảo, những hành động đẹp đáng được tôn vinh, ghi nhận.
Ngoài những trường hợp tự nguyện thật sự, theo chúng tôi, những người rút không nhận hỗ trợ do vận động có thể thuộc hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những người chưa thật sự khó khăn, qua vận động nên thông suốt và tự nguyện rút, không nhận hỗ trợ. Nhóm thứ hai thuộc những hộ “cận nghèo rởm”, do sợ bị rút khỏi danh sách nên bắt buộc phải làm đơn “tự nguyện” dù không muốn. Ngoài ra, không thể bỏ qua vai trò của các trưởng thôn và cả một số lãnh đạo xã, do quá hăng hái hoặc vì bệnh thành tích nên đã vô tình sai phạm.
Ngày 19/5/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 6250/UBND-VX về việc kiểm tra kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2019. Nội dung chính của Công văn như sau: “Yêu cầu Sở Lao động – Thương binh và xã hội, Sở Nội vụ và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại các hộ nghèo, cận nghèo năm 2019. Không để xảy ra tình trạng đối tượng không đúng tiêu chuẩn vào danh sách nhằm trục lợi chính sách của Nhà nước, đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo. Làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm, xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra sai phạm”.
Đào Nguyên – Hà Chi
Theo