(Xây dựng) – Đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng trong triển khai thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thực hiện theo Kết luận số 09-KL/BCĐ ngày 24/11/2024 và các văn bản của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng chỉ đạo việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy "phải làm nghiêm và làm ngay" hoàn thành trong tháng 12. |
Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên yêu cầu, công việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy "phải làm nghiêm và làm ngay", hoàn thành trong tháng 12. Bộ máy mới sau sắp xếp mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân.
Ngay sau đó, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành phương án giảm 10 tổ chức Đảng, 6 Sở, 36 phòng và phải thực hiện xong trong tháng 12. Cụ thể, thực hiện rà soát, xây dựng phương án sắp xếp đầu mối bên trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị; kết thúc hoạt động của các Đảng, đoàn, Ban Cán sự Đảng cấp tỉnh, Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh, Đảng bộ khối cấp huyện; thành lập Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, HĐND, tư pháp cấp tỉnh; Đảng bộ chính quyền cấp tỉnh.
Sáp nhập Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện. Đối với cấp tỉnh, hợp nhất chức năng, nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy hoặc theo quy định mới của Trung ương; tên gọi thống nhất với tên gọi sau sáp nhập Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Trung ương. Ở cấp huyện, thực hiện sáp nhập tương ứng với cấp tỉnh.
Việc sắp xếp, tinh gọn sẽ khắc phục được chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, qua đó giúp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức. |
Thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện như sau:
Đối với cấp tỉnh, duy trì 05 Sở, ngành (có rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong), gồm: Sở Công Thương; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thanh tra tỉnh; Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên; Sở Tư pháp.
Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính: Hợp nhất chức năng, nhiệm vụ của Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư và thực hiện bổ sung, điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tên gọi thống nhất với tên gọi của Bộ chủ quản.
Hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng: Hợp nhất chức năng, nhiệm vụ của Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng và thực hiện bổ sung, điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tên gọi thống nhất với tên gọi của Bộ chủ quản.
Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hợp nhất chức năng, nhiệm vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường và thực hiện bổ sung, điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tên gọi thống nhất với tên gọi của Bộ chủ quản.
Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ: Hợp nhất chức năng, nhiệm vụ của Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ và thực hiện bổ sung, điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tên gọi thống nhất với tên gọi của Bộ chủ quản.
Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ: Hợp nhất chức năng, nhiệm vụ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ sau khi điều chuyển một số nhiệm vụ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sang các cơ quan khác và thực hiện bổ sung, điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tên gọi thống nhất với tên gọi của Bộ chủ quản.
Nghiên cứu hợp nhất Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND tỉnh: Hợp nhất chức năng, nhiệm vụ của Sở Ngoại vụ và Văn phòng UBND tỉnh, thực hiện bổ sung, điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Tên gọi sau sáp nhập là Văn phòng UBND tỉnh.
Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy một số Sở, ngành sau khi tiếp nhận nhiệm vụ từ các Sở, ngành khác. Cụ thể, Sở Y tế tiếp nhận phần chức năng quản lý Nhà nước về: Bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận phần chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang. Ban Dân tộc tỉnh tiếp nhận Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về giảm nghèo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang.
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ góp phần giúp bộ máy của hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. |
Đối với cấp huyện, thực hiện sáp nhập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện tương ứng với cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh theo các quy định của Đảng, Nhà nước và định hướng như sau:
Với các thành phố trực thuộc tỉnh: Nghiên cứu hợp nhất Phòng Dân tộc, Phòng Y tế và Văn phòng HĐND, UBND thành phố; nghiên cứu hợp nhất Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Nội vụ thành phố; nghiên cứu hợp nhất Phòng Kinh tế và Phòng Tài chính - Kế hoạch; nghiên cứu chuyển chức năng, nhiệm vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố, chuyển chức năng nhiệm vụ công tác dân tộc, tôn giáo về Văn phòng HĐND, UBND thành phố.
Đối với các huyện trực thuộc, nghiên cứu hợp nhất Phòng Dân tộc, Phòng Y tế và Văn phòng HĐND - UBND huyện; nghiên cứu hợp nhất Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Nội vụ huyện, chuyển chức năng, nhiệm vụ công tác tôn giáo về Văn phòng HĐND - UBND huyện; nghiên cứu hợp nhất Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phòng Tài nguyên và Môi trường.
Việt Hoan
Theo