(Xây dựng) - Liên tiếp xuất hiện các vết nứt, gia tăng tình trạng sạt trượt là những gì đang diễn ra tại khu vực bãi thải số 3 mỏ than Phấn Mễ, Thái Nguyên những ngày gần đây.
Liên tiếp xuất hiện các vết nứt, gia tăng tình trạng sạt trượt tại bãi thải mỏ than Phấn Mễ. |
Sau nhiều năm khai thác, các bãi đổ thải của mỏ than Phấn Mễ - Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên ngày càng chất cao như núi. Trong khi đó, các moong khai thác ngày càng xuống sâu khiến hiện tượng nứt, sạt trượt diễn ra thường xuyên hơn.
Tại bãi đổ thải số 3, ước tính khối lượng thải cao trên 100m so với mặt đường giao thông gần đó, được đổ cắt tầng, các vị trí sạt trượt được phát hiện trên đỉnh và ở lưng chừng độ cao 60m, một số vị trí sạt trượt so với vị trí ban đầu khoảng 20m, khu vực đỉnh bãi đổ thải xuất hiện nhiều vết nứt trung bình từ 4 - 6cm, tổng chiều dài khoảng 200m. Đặc biệt, dưới chân bãi thải là đường dân sinh hàng ngày có nhiều người qua lại, cách vị trí sạt trượt 150m về phía chân bãi thải có nhà ở của các hộ dân xóm Khuôn 1, Khuôn 2 và xã Phục Linh.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên, hiện tượng sạt trượt xuất hiện từ ngày 24/3, có nguy cơ tiếp tục xảy ra. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đang phối hợp với chính quyền địa phương, mỏ than Phấn Mễ - Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng nứt, sạt trượt đất đá và tổ chức tuyên truyền, vận động, hỗ trợ 3 hộ dân (hộ ông Tạc Văn Sinh, Tạc Văn Bình và bà Tống Thị Thịnh) đang sinh sống tại khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do sạt lở, di chuyển đến vị trí an toàn.
Để theo dõi thường xuyên và kịp thời phát hiện nguy cơ sạt lở lớn, hiện lực lượng chức năng địa phương đã bố trí nhân lực trực 24/24 giờ tại khu vực có nguy cơ cao.
Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân xảy ra sạt trượt tại bãi thải số 3 trên địa bàn xóm Khuôn, xã Phục Linh, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) nhiều vết nứt, trượt ở chân bãi thải và có nguy cơ sạt lở gây mất an toàn cho 3 hộ dân ở phía dưới nứt, sạt gần đây là do mưa liên tiếp, địa chất dưới chân bãi thải là bùn, nên khi đổ thải đã tạo trọng lực lớn.
Tuy nhiên, theo người dân địa phương những trận mưa gần đây không lớn và kéo dài. Hơn thế, hiện tượng nứt, trượt ở chân bãi thải và có nguy cơ sạt lở tại khu vực bãi thải mỏ than đã diễn ra từ lâu mà đỉnh điểm là thảm họa xảy ra ngày 15/4/2012, tại xóm Khuôn I, xã Phục Linh, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), hàng nghìn khối đất đá từ bãi thải của mỏ than Phấn Mễ bất ngờ sạt lở vùi lấp nhà cửa của 10 hộ dân, 6 ngôi nhà khác trong khu vực bị ảnh hưởng khiến 7 người chết, bị thương và mất tích.
Theo quan sát của phóng viên, không những tại khu vực bãi đổ thải mà ở nhiều khu vực moong khai thác than thuộc mỏ than Phấn Mễ cũng có hiện tượng nứt, sạt như vết nứt ở cả ngoài sân và trong nhà tại nhà điều hành của Công ty An Phát Thái cách xa mép moong khoảng 50m, hoặc vết nứt mới bất thường ở tường, cột, nền sân và nhà của chùa Đàm Vân dù nằm cách mép moong khai thác than khoảng 100m…
Nhà điều hành của Công ty An Phát Thái cách xa mép moong khoảng 50m cũng đã có hiện tượng nứt. |
Trong khi đó, theo thống kê chưa đầy đủ: Tại bãi chứa của mỏ than Phấn Mễ, hiện nay có khoảng 8 vạn tấn “sái” thải cũng được chất cao như núi, vào mùa mưa gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ sạt lở rất lớn. Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên và các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã đề nghị và đang chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho giải tỏa núi “sái” thải này.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Thái Nguyên và Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên cần sớm xác định nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản trước nguy cơ sạt lở tại mỏ than này có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Thái Nguyên Nhân
Theo