(Xây dựng) - Xác định kinh tế, xã hội và môi trường là 3 trụ cột chính để phát triển bền vững, những năm qua cùng với duy trì nền kinh tế phát triển ổn định, Thái Nguyên luôn quan tâm, làm tốt công tác kiểm soát, bảo vệ môi trường.
Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch trồng mới 7 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025 để bảo vệ môi trường. |
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 với nhiều nội dung mới, mang tính đột phá, đó là quan điểm về bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành; dựa trên cơ sở phòng ngừa là chính, kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường là phù hợp với thực tế, nâng cao tính minh bạch, tính khả thi và chủ trương cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành, kế thừa, phát triển những quy định còn phù hợp của pháp luật về Bảo vệ môi trường hiện hành…
Phát biểu tại Hội thảo trực tuyến tham vấn các các địa phương khu vực phía Bắc về dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng: Phải lấy vai trò của người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường; đưa môi trường thực sự trở thành một trong 3 trụ cột của phát triển kinh tế - xã hội bền vững…
Thái Nguyên tích cực hưởng ứng chương trình trồng mới một tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động. |
Tại Thái Nguyên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã định hướng về phát triển kinh tế: Chú trọng phát triển công nghệ cao; cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng trong xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm phát triển nhanh và bền vững; ưu tiên thu hút nhóm ngành công nghiệp có tiềm năng lợi thế của tỉnh, gắn với kiểm soát và bảo vệ môi trường; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia bảo vệ môi trường.
Trong những năm qua, Thái Nguyên có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn nên đã thu hút được nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển công nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 7 khu công nghiệp, với diện tích 2.395ha; hiện có 6/7 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Các khu công nghiệp của tỉnh được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, kết nối giao thông thuận tiện, đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Đây là yếu tố quan trọng để thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhờ đó, trong 10 năm qua, tốc độ công nghiệp hóa của Thái Nguyên luôn nằm trong top đầu cả nước; năm 2021, thu ngân sách tỉnh đạt 18.000 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế năm GRDP đạt 6,51%.
Phát triển công nghiệp và đô thị hóa đồng thời cũng tạo nên áp lực lớn về môi trường, đây là bài toán khó đối với doanh nghiệp và các cấp quản lý nên ngay từ khi phê duyệt, lựa chọn các dự án đầu tư, tỉnh Thái Nguyên luôn có yêu cầu cao về đánh giá tác động môi trường. Một số dự án có quy mô lớn nhưng nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, hoặc công nghệ không tiên tiến đều không được tỉnh lựa chọn, điển hình như Dự án sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam tại khu công nghiệp Sông Công II có số vốn đầu tư 450 triệu USD đã không được chấp thuận đầu tư tại Thái Nguyên.
Các dự án khu đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay đều dành một phần quỹ đất để trồng cây xanh bảo vệ môi trường. |
Thực tiễn đã chứng minh, những quốc gia phát triển, các tập đoàn kinh tế lớn đều rất chú trọng đến các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đầu tư hạ tầng đồng bộ và công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh, bảo vệ môi trường cho dù chi phí cao hơn những doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực, nhưng họ đã thu được thành quả tốt đẹp, phát triển bền vững, khẳng định vị thế và thương hiệu.
Những công ty lớn đã và đang kinh doanh hiệu quả tại Thái Nguyên cũng luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường, quan tâm sức khỏe người lao động để phát triển bền vững như: Tập đoàn Samsung Electronic Thái Nguyên - Việt Nam, Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG. Đây là những doanh nghiệp có vốn đầu tư hàng tỷ USD và sử dụng nhiều lao động, đóng góp lớn vào thu ngân sách của tỉnh. TNG đang hướng đến và cam kết sự phát triển xanh vì môi trường. Các dự án mà Công ty đầu tư xây dựng ngày càng đổi mới để tiệm cận các tiêu chuẩn phát triển bền vững của Liên hiệp quốc và Việt Nam.
Chọn phát triển bền vững, TNG theo đuổi phương châm “Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường” nghiên cứu và từng bước áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững đã được công nhận. Hiện thực hóa sứ mệnh đó, từ năm 2019, Dự án Nhà máy xanh theo tiêu chuẩn Leed, Lotus của TNG đã được triển khai trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, ông Ashley Mcaleese Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials cho biết: Masan High-Tech Materials xác định bảo vệ môi trường là trách nhiệm của doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững và trách nhiệm cộng đồng.
Thái Nguyên xác định rõ mục tiêu phát triển kinh tế luôn gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế về sự phát triển bền vững và sức khỏe của nhân dân. Đó vừa là nhiệm vụ, vừa là mục tiêu xuyên suốt. Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh (khóa XIII) đã thông qua Đề án tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2020 - 2025, quyết tâm xây dựng tỉnh Thái Nguyên phát triển bền vững, văn minh, theo hướng đô thị xanh, hiện đại.
Việt Hoan - Đức Năm
Theo