Thứ năm 07/11/2024 17:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thái Nguyên: Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt sau bão số 3

23:23 | 11/09/2024

(Xây dựng) – Ngay sau khi nước lũ do cơn bão số 3 gây ra bắt đầu rút, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh xây dựng và triển khai ngay kế hoạch khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, đảm bảo sát thực tế, có tính khả thi cao.

Thái Nguyên: Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt sau bão số 3
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đề nghị xây dựng, triển khai ngay kế hoạch khắc phục hậu quả sau mưa lũ, sớm ổn định sản xuất và đời sống người dân. (Ảnh: thainguyen.gov.vn)

Theo báo cáo, đánh giá sơ bộ của cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên, thì đây là trận mưa lũ lịch sử, cao nhất trong hai lần đỉnh lũ trước đó (vào các năm 1959 và 2001). Hậu quả do lũ bão gây ra rất lớn, tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội, sơ bộ tính đến ngày 11/9, lũ lụt đã khiến 3.063 hộ phải di dời khẩn cấp; 323 nhà bị tốc mái; 25 điểm trường bị ảnh hưởng; 7.332,42ha lúa và hoa màu; 415ha cây rừng; 255.817 con gia súc, gia cầm bị chết; 117 điểm sạt lở; 1.606,4ha nuôi cá bị ngập; 14 cột treo cáp bị gãy đổ; 3.300m dây bị đứt và nhiều thiết bị đầu cuối bị hư hỏng; 4 trạm biến áp bị hư hỏng; 60 cột điện bị đổ. Tổng thiệt hại về tài sản ước tính hơn 195 tỷ đồng.

Thái Nguyên: Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt sau bão số 3
Sáng 11/9, nhiều tuyến đường tại thành phố Thái Nguyên nước đã rút, giao thông đã trở lại bình thường, người dân đã trở lại gia đình khắc phục hậu quả do mưa lũ.

Quá trình chống lũ bão trên sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên đã huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sỹ và lực lượng xung kích địa phương cùng các phương tiện, trang thiết bị, vật tư cần thiết thực hiện gia cố đê tại 5 vị trí khu vực thành phố Thái Nguyên (tổng chiều dài khoảng 300m).

Lực lượng Quân đội, Công an trên địa bàn đã huy động trên 7.000 cán bộ chiến sỹ và dân quân tự vệ để hỗ trợ nhân dân ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa lũ, ngập lụt gây ra đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đang tiếp tục yêu cầu các địa phương, Sở, ngành thống kê thiệt hại cụ thể. Dự báo sau mưa lũ nguy cơ sạt lở có thể xảy ra, Ban Chỉ đạo đang tích cực tăng cường chỉ đạo các địa phương rà soát các điểm nguy cơ, thăm hỏi động viên các gia đình người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đồng thời khắc phục ngay các ảnh hưởng về giao thông, vệ sinh môi trường, y tế, vệ sinh trường lớp học để sớm đưa học sinh trở lại học bình thường.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo đang tiếp tục thống kê lại thiết bị phòng, chống thiên tai trong điều kiện diễn biến phức tạp của thời tiết, để bổ sung kịp thời, chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Thái Nguyên: Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt sau bão số 3
Ngay sau khi nước rút, các công nhân vệ sinh môi trường triển khai dọn vệ sinh đường phố.

Tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy mới đây, qua nghe báo cáo về công tác phòng, chống lụt bão của các bộ phận chuyên môn và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đề nghị: Ngoài công tác phòng, chống lụt bão, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần xem xét những số liệu có được từ trận mưa lũ lịch sử này như một nguồn thông tin, dữ liệu quan trọng để có những phân tích khoa học cho những kế hoạch trung hạn, dài hạn trong ứng phó với diễn biến của thiên tai.

Thái Nguyên: Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt sau bão số 3
Ngay sau khi nước rút, Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên cử 6 đội phun khử khuẩn phòng chống dịch bệnh cho các trường học, các điểm công cộng, các hộ dân ở vùng ngập lụt nặng, có nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhấn mạnh: Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng và triển khai ngay kế hoạch khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm sát thực tế, có tính khả thi cao, trên phương châm "3 rõ": Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm của từng cấp, từng tổ chức, cá nhân; rà soát, cảnh báo các điểm có nguy cơ sạt lở, có các biện pháp di dời nhân dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, mất an toàn; rà soát vật tư, trang thiết bị trong phòng, chống lụt bão bảo đảm đầy đủ, kịp thời, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ phòng, chống lụt bão trên địa bàn; rà soát các cửa, cống thoát lũ ra sông Cầu (từ báo động 1 trở lên) và các cốt xây dựng cho toàn bộ các dự án trên địa bàn, nhất là các dự án khu dân cư, khu đô thị, khu, cụm công nghiệp, giao thông, công trình công cộng…; nghiên cứu, áp dụng thiết kế van một chiều thoát nước từ thành phố Thái Nguyên ra sông Cầu.

Việt Hoan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load