Thứ sáu 20/09/2024 06:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thái Bình: Có nguy cơ thu hẹp gần 90% diện tích khu bảo tồn thiên nhiên làm dự án đô thị, du lịch, sân golf

11:21 | 23/08/2023

(Xây dựng) – Theo Quyết định số 731/QĐ-UBND ngày 17/4/2023 của UBND tỉnh Thái Bình, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Tiền Hải giảm quy mô từ 12.500ha xuống còn 1.320ha, giảm 11.050ha so với diện tích công bố trước đó. Vị trí của Khu bảo tồn nằm ở vùng ngoài đê biển của thuộc ba xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh của huyện Tiền Hải.

Thái Bình: Có nguy cơ thu hẹp gần 90% diện tích khu bảo tồn thiên nhiên làm dự án đô thị, du lịch, sân golf
Rừng ngập mặn trong Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước ở Tiền Hải.

UBND tỉnh Thái Bình vừa ra Quyết định số 731/QĐ-UBND (Quyết định 731) xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại ba xã ven biển: Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh thuộc huyện Tiền Hải, còn gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (Khu bảo tồn).

Theo Quyết định này, quy mô diện tích của Khu bảo tồn chỉ còn 1.320ha, bao gồm 632ha đất có rừng ngập mặn và 688ha đất chưa có rừng. Vị trí của Khu bảo tồn nằm ở vùng ngoài đê biển của thuộc ba xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh của huyện Tiền Hải.

Quyết định của UBND tỉnh Thái Bình cũng nêu rõ bao quanh Khu bảo tồn thiên nhiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, phía Bắc, Nam và Đông của Khu bảo tồn giáp quy hoạch Khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân gofl Cồn Vành - Cồn Thủ; phía Tây sẽ giáp quy hoạch Khu nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao.

Như vậy, với quyết định của UBND tỉnh Thái Bình, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải đã bị thu hẹp tới gần 90%, từ 12.500ha xuống còn 1.320ha.

Điều đáng nói là ngày 26/9/2014, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định số 2159/QĐ-UBND (Quyết định 2159) về việc phê duyệt đề án và xác lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Quyết định này xác lập quy mô Khu bảo tồn là 12.500ha, gồm 1.430ha rừng, 11.050ha đất ngập nước và bãi bồi. Quyết định 2159 cũng xác lập vị trí của Khu bảo tồn nằm ở tả ngạn cửa Ba Lạt thuộc huyện Tiền Hải, ranh giới phía Tây giáp đê thuộc các xã Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh. Phía Nam là sông Hồng, phía Đông là dải cồn cát cao Cồn Vành, Cồn Thủ từ cửa Ba Lạt đến cửa Lân, tiếp giáp với biển.

Thái Bình: Có nguy cơ thu hẹp gần 90% diện tích khu bảo tồn thiên nhiên làm dự án đô thị, du lịch, sân golf
Biển báo Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Ramsar Tiền Hải.

Quyết định 2159 nói rõ, Khu bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng là vùng Việt Nam đăng ký vào danh sách vùng bảo vệ theo Công ước quốc tế Ramsar; khu dự trữ sinh quyển; bảo vệ cảnh quan, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ khu vực di trú của các loài chim nước, đặc biệt là các loài chim nước di cư quý hiếm có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế; bảo vệ hiện trường cho việc nghiên cứu môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và ứng phó biến đổi khí hậu.

Theo Quyết định số 484/QĐ-UBND ngày 13/3/2023 của UBND tỉnh Thái Bình về công bố hiện trạng rừng tỉnh Thái Bình năm 2022, khu vực 3 xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh của huyện Tiền Hải có diện tích đất rừng trong quy hoạch lâm nghiệp là 989,37ha, còn lại là đất chưa có rừng, gồm sông, lạch, đầm nuôi thủy sản, cồn cát và vùng biển nước sâu. Như vậy, với Quyết định 731, khoảng 357,37ha rừng có nguy cơ bị chuyển đổi mục đích sử dụng.

Thái Bình: Có nguy cơ thu hẹp gần 90% diện tích khu bảo tồn thiên nhiên làm dự án đô thị, du lịch, sân golf
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có nguy cơ bị giảm 90% diện tích.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 1486/QĐ-TTg, ngày 28/10/2019 về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Khu kinh tế Thái Bình có quy mô trên 30.583ha, gồm 30 xã, một thị trấn của hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy, trong đó phần phía Đông giáp biển hơn 50km; phía Bắc giáp thành phố Hải Phòng qua sông Hóa, phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Nam Định qua sông Hồng, phía Tây giáp các xã còn lại của huyện Thái Thụy và Tiền Hải.

Khu kinh tế bao phủ hầu hết các xã ven biển của tỉnh Thái Bình, gồm cả các xã Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh, nơi có Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Theo Quyết định 1486, đến năm 2040, toàn bộ diện tích đất 30.583ha của Khu kinh tế Thái Bình sẽ được dùng vào các mục đích như khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ, khu du lịch, dịch vụ tập trung, khu dân dụng đô thị, khu dân cư nông thôn, đất phục vụ các công trình hạ tầng, đất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, Quyết định 731 của UBND tỉnh Thái Bình về xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại ba xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, còn gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải nằm trong khu dự trữ sinh quyển đồng bằng Bắc bộ, hiện đây là khu bảo tồn mà Việt Nam đã đăng ký với quốc tế. Nếu UBND tỉnh Thái Bình tiến hành quy hoạch xây dựng khu đô thị, du lịch, sân golf thì rõ ràng không tuân thủ quy định, vậy tỉnh Thái Bình cần phải xem xét lại Quyết định 731.

Văn Đạt

Theo

Cùng chuyên mục
  • Quảng Bình: Sơ tán, di dời gần 1.000 hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở

    (Xây dựng) - Để đảm bảo an toàn cho người dân do ảnh hưởng của bão số 4, tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương tổ chức sơ tán, di dời 852 hộ/2.995 khẩu ra khỏi khu vực sạt lở.

  • Văn Yên (Yên Bái): Gắn biển công trình chào mừng 60 năm thành lập huyện

    (Xây dựng) - Huyện Văn Yên (Yên Bái) vừa tổ chức gắn biển và đưa vào sử dụng công trình chào mừng 60 năm Ngày thành lập huyện.

  • Bắc Giang: Tiếp tục tập trung giải quyết, khắc phục hậu quả do bão số 3

    (Xây dựng) – Mới đây, Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Công văn số 3366-CV/TU về việc tiếp tục giải quyết, khắc phục hậu quả của bão số 3 và mưa, lũ trên địa bàn.

  • Hà Tĩnh: Sẵn sàng phương án di dời hộ dân khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn

    (Xây dựng) - Trước tình hình bão số 4 ảnh hưởng gây mưa lớn, có nguy cơ ngập lụt cao, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh đã sẵn sàng phương án di dời các hộ dân vùng thường xuyên bị ngập lụt, sạt lở đất ven sông, chân núi và hạ du các hồ chứa nước đến nơi an toàn.

  • Dáng núi trong điểm trường Thâm Luông

    (Xây dựng) - Được hoàn thành xây dựng vào năm 2023, mới đây, điểm trường Thâm Luông (Hà Giang) đã xuất sắc giành chiến thắng trong hạng mục Trường và Đại học của Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế IAA năm 2024 (International Architecture Awards 2024). Công trình chứa đựng câu chuyện ý nghĩa về kiến trúc “xanh” giữa núi rừng.

  • Phục hồi cây xanh đô thị sau bão

    (Xây dựng) – Bão số 3 qua đi đã để lại những thiệt hại vô cùng lớn đối với lá phổi xanh của Thủ đô. Thống kê sơ bộ, bão số 3 khiến 8.700 cây đô thị của Hà Nội bị gãy đổ, tuy nhiên trong số đó chỉ có thể dựng trồng lại được khoảng 1.900 cây. Bên cạnh đó là mối nguy hiểm tiềm tàng từ những cây xanh già cỗi lâu năm trước bão gió, vì vậy việc khôi phục cây xanh nghiêng, đổ… cần khắc phục nhanh và kịp thời.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load