Thứ sáu 08/11/2024 09:56 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Thái Bình “chuyển mình” từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, dịch vụ

12:19 | 28/05/2024

(Xây dựng) – Thái Bình đã dành quỹ đất xây dựng khu công nghiệp (KCN), cánh đồng lúa chiêm trở thành nhà máy công nghệ cao, người nông dân không chân lấm tay bùn như cha ông lớp trước, mà áo trắng cổ cồn làm chủ cỗ máy hiện đại sản xuất ra của cải, thu nhập cao gấp bội lần.

Thái Bình “chuyển mình” từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, dịch vụ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thực tế tại Khu kinh tế Thái Bình ngày 08/5/2022. (Ảnh tư liệu)

Thái Bình một thời được cả nước biết đến là vựa lúa vùng Bắc bộ, từng đi vào thi ca “chị Hai năm tấn…” nay đổi thay từng ngày. Ngày 08/5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thực tế đầu tư xây dựng, hoạt động của Khu kinh tế Thái Bình đã chỉ đạo Đảng bộ, chính quyền địa phương xây dựng KCN phải có hạ tầng hoàn chỉnh, liên thông, đồng bộ, nhất là cảnh quan, môi trường, hạ tầng giao thông, hạ tầng điện nước và hạ tầng xã hội (như nhà ở công nhân, người lao động).

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thái Bình phải xác định người dân là đối tượng được hưởng lợi từ khu kinh tế, KCN bảo đảm đời sống của người dân đã nhường đất đai, nhà cửa cho dự án, dân tái định cư nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, năm sau sung túc hơn năm trước. Không để nhà nông trong độ tuổi lao động mất ruộng, mất việc làm, mất thu nhập. Doanh nghiệp có trách nghiệm đào tạo, thu nhận con em nông dân vào sản xuất ổn định đời sống lâu dài.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải, Khu kinh tế Thái Bình có diện tích trên 30.000ha, trong đó diện tích cho công nghiệp, trên 8.000ha. Đây là lợi thế rất lớn để địa phương bứt phá phát triển công nghiệp. Khu kinh tế được xây dựng theo mô hình tổng hợp, đa ngành, thu hút các ngành công nghiệp có công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh, bảo tồn, phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa truyền thống.

Đến năm 2030, Thái Bình phấn đấu cơ cấu kinh tế theo các ngành: Công nghiệp, xây dựng chiếm khoảng 62,1%; dịch vụ chiếm khoảng 28,8%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 9,1%; GRDP bình quân đầu người tương đương với bình quân chung của cả nước.

Lúc trước, Thái Bình thuần nông nay bức tranh kinh tế có khác, tỷ trọng cơ cấu nguồn thu nghiêng hẳn sang công nghiệp, dịch vụ thương mại. Một KCN trong ngày khai chương, 4 doanh nghiệp đến xông đất đổ vào 440 triệu USD đầu tư, bằng trên nửa tổng vốn đầu tư FDI tại Thái Bình của 20 năm trước.

Thái Bình “chuyển mình” từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, dịch vụ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Thái Bình thăm tặng quà cho cán bộ, người lao động tại KCN Liên Hà Thái.

Hoạt động Khu kinh tế Thái Bình tiêu biểu là KCN Liên Hà Thái (huyện Thái Thụy). Thủ tướng Phạm Minh Chính hai lần về thăm và làm việc tại đây đã ghi nhận công cuộc cách mạng chuyển đổi cơ cấu nguồn thu từ nông nghiệp sang công nghiệp của tỉnh Thái Bình. Thủ tướng gửi gắm niềm tin vào Đảng bộ, chính quyền địa phương và nhà đầu tư xây dựng KCN Liên Hà Thái trở thành KCN đầu tàu, kiểu mẫu, thân thiện với môi trường, công nghệ cao hàng đầu ở vùng châu thổ sông Hồng.

Thái Bình “chuyển mình” từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, dịch vụ
1,3 tỷ USD đã được đầu tư vào KCN Liên Hà Thái.

KCN Liên Hà Thái được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 180/QĐ-TTg ngày 08/02/2021 và được thành lập theo Quyết định số 464/QĐ-UBND ngày 17/02/2021 của UBND tỉnh Thái Bình với diện tích sử dụng đất giai đoạn I là 590ha, tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khoảng 3.885 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Green i-Park (Green i-Park) làm chủ đầu tư.

Ngay sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, tỉnh Thái Bình cùng nhà đầu tư khẩn trương triển khai vận hành dự án. Lộ trình đầu tiên là công tác bồi thường, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB). Địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác vận động nhân dân trả lại đất. Đồng thời chỉ đạo và giám sát công tác xác minh nguồn gốc đất, kiểm đếm hoa màu công trình xây dựng, lên phương án bồi thường đúng quy định nhanh và tránh khiếu kiện, ảnh hưởng tiến độ đầu tư.

Huyện Thái Thụy, nơi có dự án đã thành lập Ban chỉ đạo GPMB do Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban, 14 Huyện ủy viên được giao phụ trách các khu vực dân cư đôn đốc công tác GPMB, vận động cán bộ đảng viên, người thân, họ hàng bàn giao mặt bằng trước, gương mẫu trao trả đất để người dân hưởng ứng làm theo. Hàng tuần, Bí thư Huyện ủy chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo, đánh giá kết quả, tiến độ, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ nhằm bảo đảm đúng và vượt tiến độ đề ra.

Nhờ sự quyết liệt đó, công tác GPMB tại KCN Liên Hà Thái sau hơn 2 năm đã hoàn thành được hơn 582ha đất của trên 3.600 hộ và 4 doanh nghiệp. Trong đó, đất lúa hơn 3.200 hộ, đất chuyển đổi và đất bãi bồi ven sông 332 hộ, đất ở 64 hộ; di chuyển gần 2.000 ngôi mộ… để dành đất cho sản xuất công nghiệp.

Thái Bình “chuyển mình” từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, dịch vụ
KCN Liên Hà Thái có hệ thống đường giao thông thoáng rộng.

KCN Liên Hà Thái còn là một điển hình trong thu hút đầu tư, chỉ hai năm sau ngày động thổ, KCN này đã thu hút được 16 dự án với tổng số vốn gần 1,3 tỷ USD với các ngành nghề thuộc các lĩnh vực điện, điện tử, công nghệ thông tin, phần mềm tin học, công nghiệp cơ khí, chế tạo máy, tự động hóa, linh kiện ô tô, nông cụ tiên tiến…, sản xuất hạn chế phát sinh rác thải, ít tác động đến môi trường.

Nhiều doanh nghiệp lớn của nước ngoài tin tưởng, đầu tư vào KCN Liên Hà Thái như: Công ty TNHH Compal Electronics với 260 triệu USD; Công ty TNHH Greenworks với 200 triệu USD… Trong đó có tập đoàn đồ uống lớn nhất Hàn Quốc là Hite Jinro chưa từng đầu tư ra nước ngoài, nay đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất trị giá 100 triệu USD tại đây.

Công ty TNHH Pegavision đầu tư trên 200 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm quang học và thiết bị y tế, quy mô sản xuất 600 triệu sản phẩm/năm, xây dựng trên diện tích 10ha. Tổng Giám đốc Công ty, ngài Yang Te Sheng cho biết: Doanh nghiệp chọn KCN Liên Hà Thái để đầu tư bởi đất phong thủy và nay mai tuyến đường ven biển đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, cùng cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng dài 109km, có 33km qua Thái Bình, kết nối KCN này với sân bay quốc tế Cát Bi, cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng) và cảng biển Diên Điền đã được quy hoạch nâng cấp sử dụng 221,38ha đất, Nhà máy điện khí của Nhật đầu tư 1,9 tỷ USD. Môi trường đầu tư tốt, Việt Nam có tục ngữ “đất lành chim đậu”.

Thái Bình “chuyển mình” từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, dịch vụ
Thái Bình “chuyển mình” từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, dịch vụ
Nhà máy xử lý nước thải tập trung với công nghệ hiện đại, tiên tiến với tổng công suất xử lý 25.000 m3/ngày đêm.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Green i-Park Lê Đình Đáp cho biết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình quan tâm đầu tư công điện nước, mở đường giao thông tới chân công trình KCN. Tỉnh đã xây dựng trạm biến áp 110kV Trà Linh, thiết bị kỹ thuật tự động hóa gồm 2 máy biến áp loại 63MVA với 5 lộ xuất tuyến đường dây 22kV. Hệ thống đường dây dẫn AC400 dài 3,19km, điện 110kV trên không, mạch kép đáp ứng điện lưới quốc gia cho sản xuất KCN và dân sinh.

Địa phương chỉ đạo xây dựng KCN Liên Hà Thái thành KCN kiểu mẫu, văn minh, xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Công ty Cổ phần Green i-Park tiếp thu ý kiến này, không chạy theo diện tỷ lệ lấp đầy, mà thực hiện mục tiêu thu hút có chọn lọc các ngành công nghệ cao, công nghiệp lắp ráp điện tử, ứng dụng công nghệ xanh, sạch; không chấp nhận các ngành nghề độc hại gây ô nhiễm môi trường, tiêu hao quá nhiều năng lượng.

Thái Bình “chuyển mình” từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, dịch vụ
3,19km đường dây và trạm điện 110kV đáp ứng điện lưới quốc gia cho sản xuất KCN và đời sống nhân dân trên địa bàn.

Với mục tiêu phát triển sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường theo phương châm doanh nghiệp xanh Việt Nam, nhà đầu tư hạ tầng đã dành tối đa quỹ đất cho cây xanh, thủy điện hồ sinh thái, cùng với các hệ thống điện, nước và đường giao thông, tạo vùng đệm giữa KCN với khu dân cư. Đến nay, hàng vạn cây xanh các loại đã được trồng, chăm sóc, phát triển tốt, tạo thành “lá phổi xanh” cho KCN.

Thực hiện việc bảo vệ môi trường, Green i-Park đã quy hoạch, xây dựng ngay nhà máy xử lý nước thải tập trung với công nghệ hiện đại, tiên tiến với tổng công suất xử lý 25.000 m3/ngày đêm, chia làm 5 module. Hiện tại, đã hoàn thành module 1 công suất 5.000 m3/ngày đêm với tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng và sẵn sàng mở rộng theo tiến độ thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động. Green i-Park còn xây dựng hệ thống kênh mương, hồ chứa nước vừa phục vụ cấp, thoát nước, phòng chống ngập úng vừa phòng cháy, chữa cháy, điều hòa nhiệt độ, cải thiện chất lượng không khí, tạo diện mạo khu công nghiệp đẹp, hòa hợp với quy hoạch xây dựng của địa phương.

Thái Bình “chuyển mình” từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, dịch vụ
Phối cảnh KCN Liên Hà Thái theo quy hoạch.

Theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố, phát triển toàn diện Khu kinh tế Thái Bình thành hạt nhân, trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh là một trong bốn trụ cột tăng trưởng của địa phương. Thái Bình đã và đang thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp, chuyển trạng thái từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ thương mại.

Kim Oanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load