(Xây dựng) - Ngày 23/8, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức Hội nghị công bố vị trí, ranh giới và diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Theo đó, 12.500ha khu vực bảo tồn được giữ nguyên có mục tiêu bảo vệ hệ sinh thái vùng đất ngập nước ven biển Thái Bình, bảo tồn loài, sinh cảnh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực di trú của các loài chim nước.
Ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết: Tỉnh Thái Bình là địa phương có xu thế biển bồi, trước những năm 1980, vùng ven biển Thái Bình chủ yếu là các bãi triều ngập nước, nơi đây trở thành sinh kế nuôi trồng thủy sản, một số khu vực được bồi tụ phù sa có tiềm năng để trồng rừng ngập mặn.
Theo đó, với mong muốn tập trung phát triển rừng trên các diện tích bãi triều nhằm giữ đất, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo sinh kế cho người dân, hướng tới hình thành khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, năm 2014, tỉnh đã phê duyệt đề án và xác lập khu rừng đặc dụng có diện tích 12.500ha với tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
Đến nay, sau khi đảm bảo đủ các điều kiện, để phù hợp với hiện trạng đa dạng sinh học, hiện trạng sử dụng đất, đất có mặt nước tại vùng đất ngập nước Tiền Hải, tỉnh Thái Bình tiến hành xác lập vị trí, ranh giới, diện tích khu bảo tồn.
Cũng tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Nho đã công bố Quyết định số 1357/QĐ-UBND ngày 20/8/2024 của UBND tỉnh về việc xác lập vị trí, ranh giới và diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
Quang cảnh Hội nghị. |
Trong đó, xác định khu bảo tồn nằm ở vùng ngoài đê số 5, số 6 của huyện Tiền Hải, phía Bắc giáp với vùng cửa Trà Lý và quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành - Cồn Thủ; phía Nam giáp cửa Ba Lạt và quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành - Cồn Thủ; phía Tây giáp với khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành - Cồn Thủ, khu lấn biển và khu quy hoạch phố biển Đồng Châu; phía Đông giáp với biển Đông.
Ranh giới khu bảo tồn được xác định bằng 33 điểm tọa độ với tổng diện tích 12.500ha; trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 2.726ha, phân khu phục hồi sinh thái 9.774ha.
Khu bảo tồn có mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái vùng đất ngập nước ven biển Tiền Hải, bảo tồn loài - sinh cảnh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt bảo vệ khu vực di trú của các loài chim nước; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn thiên nhiên với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyên tắc bảo tồn và phát triển bền vững, bảo đảm tính kết nối với các sinh cảnh liên kết.
Vùng đệm của Khu bảo tồn có diện tích 3.446,5ha được xác định bằng 40 điểm tọa độ, có khoảng cách 1.000m tính từ ranh giới Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. |
Theo đó, UBND tỉnh Thái Bình đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, chỉ đạo trực tiếp Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Các Sở, ban, ngành có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm tạo điều kiện hỗ trợ Ban Quản lý khu bảo tồn quản lý khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế trong quá trình điều hành các chuyến du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học trong khu vực.
Trình bày về định hướng bảo tồn tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, trong thời gian tới, địa phương sẽ triển khai 6 nội dung hoạt động nhằm thúc đẩy nỗ lực bảo tồn thiên nhiên gắn với phát triển kinh tế tại Khu bảo tồn nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
Đầu tiên, nâng cao nhận thức cộng đồng, tổ chức các chương trình giáo dục và tuyên truyền để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn thiên nhiên và khắc phục các hoạt động khai thác không bền vững.
Thứ hai, phát triển chính sách, các quy định, xây dựng các chính sách, quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, cấm các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên không bền vững.
Thứ ba, áp dụng các biện pháp quản lý tài nguyên nhiên thiên hiện đại, bền vững để bảo vệ và phát triển hệ sinh thái vùng đất ngập nước. Hàng năm cập nhật các hoạt động theo kế hoạch, chương trình để bảo tồn và phát triển.
Việc xác lập vị trí, ranh giới và diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải sẽ tập trung nguồn lực cho việc bảo tồn và phát triển. |
Thứ tư, phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng hiện có để duy trì độ bao phủ ở Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, nâng cao giá trị phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái trong khu vực. Hàng năm, tiến hành rà soát quỹ đất để tiến hành trồng mới, phấn đấu trồng mới ít nhất 500ha rừng trở lên; khuyến khích các hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường như du lịch sinh thái, các mô hình nuôi trồng thủy sản phù hợp để nâng cao đời sống cộng đồng, vừa góp phần bảo vệ gìn giữ rừng có hiệu quả, phát triển bền vững dịch vụ môi trường rừng nhằm tăng cường nguồn thu thúc đẩy phát triển rừng bền vững.
Thứ năm, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và các khu bảo tồn để chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm hỗ trợ cải thiện khoảng cách năng lực; tăng cường học tập, trao đổi nguồn lực, kinh nghiệm với các nước, các tổ chức quốc tế về đa dạng sinh học; tiến hành nghiên cứu khoa học để hiểu rõ hơn về hệ sinh thái và tìm ra giải pháp bảo vệ hiệu quả.
Và thứ 6 khuyến khích sự tham gia của cộng đồng – chủ thể trong công tác bảo tồn. Theo đó, tỉnh có kế hoạch thu hút cộng đồng địa phương tham gia thực hiện công tác bảo tồn nhằm tăng cường trách nhiệm, sự tham gia của người dân hướng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
Giáo sư Hoàng Trí đánh giá việc giữ nguyên trạng khu bảo tồn có tác dụng rất lớn. |
Giáo sư Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam cho rằng: Việc xác lập được vị trí, ranh giới và diện tích của Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải sẽ giúp tỉnh Thái Bình tập trung dành nguồn lực tiếp tục bảo tồn và phát triển khu đất ngập nước này.
“Đây là việc làm kịp thời, có tác dụng rất lớn không chỉ với Thái Bình mà cả nước. UBND tỉnh Thái Bình đã tiên phong trong việc ban hành quyết định bảo tồn. Sau này, các tỉnh thành khác cũng có thể thực hiện được ở cấp tỉnh để bảo vệ thiên nhiên, vừa bảo tồn, phát triển trồng rừng ngập mặn để bảo vệ đê biển, đồng thời bảo vệ những sinh vật, động vật quý hiếm và phát triển kinh tế tạo thêm việc làm cho người dân” - Giáo sư nhấn mạnh.
Kim Oanh
Theo