Thứ sáu 08/11/2024 22:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Tập đoàn Đất Xanh tiếp tục gặp áp lực lớn về dòng tiền

16:55 | 14/02/2020

(Xây dựng) – Tính đến thời điểm 31/12/2019, Tập đoàn Đất Xanh tăng mạnh nợ vay tài chính ngắn hạn từ mức 471 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm lên 1.163 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 146%. Vay nợ tài chính dài hạn cũng tăng lên con số 3.337 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 38%. Tập đoàn Đất Xanh của ông Lương Trí Thìn luôn phải đối diện với áp lực lớn về dòng tiền, áp lực vay nợ dù lợi nhuận kinh doanh vẫn liên tục tăng trưởng qua các năm. Ngoài ra, nhiều dự án do Đất Xanh làm chủ đầu tư cũng vướng vào tai tiếng.

tap doan dat xanh tiep tuc gap ap luc lon ve dong tien
Một vấn đề đáng lưu tâm đối với các cổ đông Đất Xanh là Công ty báo cáo kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt nhưng dòng tiền luôn âm.

Dòng tiền kinh doanh bị âm

Tại thời điểm 31/12/2019, dòng tiền thuần của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh ghi nhận âm hơn 365 tỷ đồng, riêng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm đến 1.796 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với thời điểm 31/12/2018. Câu chuyện dòng tiền âm của Đất Xanh đã diễn ra trong nhiều năm gần đây. Điều này khiến cổ đông đặt câu hỏi về khả năng tạo ra dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính của Công ty.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019, Đất Xanh ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 2.016 tỷ đồng, tăng hơn 43% so với cùng năm 2018. Trong đó, doanh thu từ bán căn hộ, đất nền gấp 3 lần cùng kỳ 2018, chiếm 46%.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2018 lên 1.065 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận gộp của Đất Xanh trong quý IV/2019 giảm 7% về mức 951 tỷ đồng. Biên lãi gộp sụt giảm mạnh về mức 47% từ mức 72% của cùng kỳ năm 2018. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Công ty ghi nhận lợi trước thuế quý IV/2019 giảm 19% còn 690,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 24% về mức 531,8 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm 2019, Đất Xanh đạt doanh thu thuần đạt 5.814 tỷ đồng, tăng 25% so năm 2018. Cơ cấu doanh thu năm 2019 của doanh nghiệp không thay đổi so với năm trước, chiếm phần lớn là dịch vụ môi giới (49%), tiếp đến là bán căn hộ và đất nền (36%), còn lại là hợp đồng xây dựng. Lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt gần 1.886 tỷ đồng, tăng 9,5% so năm 2018.

Một vấn đề đáng lưu tâm đối với các cổ đông Đất Xanh là Công ty báo cáo kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt nhưng dòng tiền luôn âm. Trong năm 2019, Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh đã thực hiện nhiều thương vụ phát hành trái phiếu với giá trị hàng trăm tỷ đồng

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, dù báo lãi lớn nhờ thanh lý tài sản, song dòng tiền kinh doanh của Đất Xanh vẫn âm gần 653,5 tỷ đồng do tăng khoản phải thu cuối kỳ 2.498 tỷ đồng, tăng 30% cùng kỳ năm 2018. Còn tổng các khoản phải thu ngắn, dài hạn chiếm tới 51% tổng tài sản. Bảng cân đối kế toán của Đất Xanh khi đó có hơn 5.644 tỷ đồng phải thu khác, gấp 1,5 lần so với đầu năm.

Tới ngày 31/12/2019, dòng tiền thuần của Đất Xanh vẫn ghi nhận âm hơn 365 tỷ đồng. Riêng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 1.796 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với thời điểm 31/12/2018.

Cùng với đó, dù tổng tài sản của Đất Xanh tăng hơn 44%, lên mức 19.880 tỷ đồng, song khoản mục phải thu ngắn hạn tăng mạnh 62% lên mức 9.023 tỷ đồng, chủ yếu là phải thu ngắn hạn khác (chiếm tỷ trọng 61%, tương ứng số tiền 5.560 tỷ đồng). Đây chính là tiền ký quỹ, ký cược cho các hợp đồng tiếp thị và phân phối loạt dự án như Khu đô thị đất Quảng Riverside, Lakeside Bàu Tràm, Sài Gòn Gateway... Ngoài ra, khoản phải thu ngắn hạn khách hàng cũng tăng trên 30% lên 1.938 tỷ đồng.

Hàng tồn kho cũng tăng 47%, lên con số 6.791 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các dự án bất động sản dở dang từ các kỳ trước như: Gemriverside, Opal Skyview, Tuyên Sơn, Opal City, Sunshine Resident... và phát sinh trong kỳ này là Opal Skyline, La maison và các dự án khác.

Về tình hình vay nợ, tại thời điểm 31/12/2019, Đất Xanh tăng mạnh nợ vay tài chính ngắn hạn từ mức 471 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm lên 1.163 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 146%. Vay nợ tài chính dài hạn cũng tăng lên con số 3.337 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 38%.

tap doan dat xanh tiep tuc gap ap luc lon ve dong tien
Hàng loạt ngân hàng như Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)… là những chủ nợ hiện nay của Tập đoàn Đất Xanh.

“Con nợ” của nhiều ngân hàng

Hàng loạt ngân hàng như Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)… là những chủ nợ hiện nay của Tập đoàn Đất Xanh.

Riêng về khoản vay, theo báo cáo tài chính mới nhất của Tập đoàn Đất Xanh, tính đến cuối năm 2019, vay ngắn hạn của ngân hàng lên đến con số gần 200 tỷ đồng, vay dài hạn và trái phiếu là 1,8 ngàn tỷ đồng, tổng 2 khoản vay là hơn 2 ngàn tỷ đồng.

Cụ thể, hiện Đất Xanh đang nợ ngắn hạn (đến ngày 12/4/2020 phải trả) của Vietinbank là 78 tỷ đồng, VIB 16 tỷ đồng, VPBank là 100 tỷ đồng, Eximbank là 460 triệu đồng.

Về khoản vay dài hạn, hiện Tập đoàn Đất Xanh đang là “con nợ” của VIB số tiền 680 tỷ đồng (trái phiếu 1) và 468 tỷ đồng (trái phiếu 2), TPBank là 334 tỷ đồng.

Ngoài ngân hàng, Đất Xanh còn nợ tại Công ty Cổ phần chứng khoán Bản Việt là 229 tỷ đồng; Công ty CP Chứng khoán SSI là 72 tỷ đồng (trái phiếu 1) và 48 tỷ đồng (trái phiếu 2), cả 2 khoản vay này đều bằng hình thức “tín chấp”.

Dính lùm xùm đất công giá rẻ

3 năm liên tiếp gặp khó khăn và thâm hụt dòng tiền, Đất Xanh Group của ông Lương Trí Thìn còn đối mặt với không ít tai tiếng trong các dự án bất động sản của mình. Đơn cử như việc bàn giao căn hộ tại dự án Opal Riverside và dọa phạt khách hàng trả chậm khi dự án này còn ngổn ngang. Hay việc nhận chuyển nhượng khu đất 9.125m2 tại phường Phú Thuận, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh từ Công ty Cổ phần Kim khí thành phố Hồ Chí Minh để xây Dự án Lux Garden không đúng trình tự phê duyệt.

tap doan dat xanh tiep tuc gap ap luc lon ve dong tien
Phối cảnh Dự án Gem Riverside tại Nam Rạch Chiếc, phường An Phú, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh của Tập đoàn Đất Xanh.

Ngoài ra, dự án Gem Riverside do Đất Xanh Group làm chủ đầu tư cũng dính nghi vấn “Tự thay đổi quy hoạch, “đẻ” thêm đất dự án để bỏ túi hàng nghìn tỷ đồng”.

Chưa hết, đầu tháng 7 vừa qua, Dự án Luxgarden của Tập đoàn Đất Xanh (DXG) do ông Lương Trí Thìn làm Chủ tịch HĐQT dính vào “lùm xùm” mua đất công với giá rẻ từ Công ty cổ phần Kim khí thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi khái toán dự án có tổng mức đầu tư là 974 tỷ đồng thì Tập đoàn Đất Xanh chỉ phải mua với giá 102 tỷ.

Theo đó, ngày 5/7 Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản số 7059/VP gửi Công an Thành phố, Thanh tra Thành phố, các sở, ngành liên quan đề nghị làm rõ thông tin việc chuyển nhượng đất của Công ty cổ phần Kim Khí thành phố Hồ Chí Minh và sai phạm tại khu dân cư Bắc Rạch Chiếc.

Văn bản của Văn phòng UBND thành phố nêu rõ Công ty cổ phần Kim Khí thành phố Hồ Chí Minh là công ty do Nhà nước nắm 51% vốn; việc chuyển nhượng khu đất này không thông qua đấu giá, có dấu hiệu bán đất công của Nhà nước với giá rẻ.

Cụ thể, ngày 7/9/2016 UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có Quyết định 4671 chấp thuận cho Công ty cổ phần Kim Khí thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư dự án chung cư kết hợp thương mại dịch vụ. Theo đó, tổng diên tích dự án là 9.121 m2, khái toán tổng mức đầu tư là 974 tỷ đồng. Chủ đầu tư phải tự cân đối vốn đầu tư và phải đảm bảo 20% tổng mức đầu tư là vốn của chủ sở hữu.

Dự án này được chuyển nhượng sau đó một tháng cho Tập đoàn Đất Xanh với giá hơn 102 tỷ đồng. Mức giá này được cho là rẻ so với giá thị trường. Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có Văn bản 7059 gửi Công an thành phố, Thanh tra thành phố, các sở ngành liên quan đề nghị làm rõ thông tin Công ty Cổ phần Kim Khí thành phố Hồ Chí Minh chuyển nhượng dự án khu đất cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh.

Liên quan đến “lùm xùm” vụ mua bán đất công giá rẻ, theo giải thích của đại diện Tập đoàn Đất Xanh cho biết, sau khi nhận chuyển nhượng doanh nghiệp đã thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án, kế thừa và thực hiện quyền nghĩa vụ của chủ đầu tư cũ chuyển giao theo đúng quy định pháp luật. Ngoài ra doanh nghiệp cũng hoàn tất thủ tục về đất đai và thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định.

"Lô đất này trước đây là tài sản Nhà nước giao cho Công ty cổ phần Kim Khí thành phố Hồ Chí Minh thuê trước khi cổ phần hóa vào năm 2005. Khi cổ phần hóa, khu đất này được xem là tài sản góp vốn vào công ty để tham gia cổ phần. Năm 2013, Công ty cổ phần Kim Khí thành phố Hồ Chí Minh là doanh nghiệp có 55,6% vốn Nhà nước đã nộp 87 tỷ đồng để chuyển quyền sử dụng đất cho khu đất trên", đại diện Tập đoàn Đất Xanh cho biết.

Cũng trong tháng 7/2019, Tập đoàn Đất Xanh của ông Lương Trí Thìn còn nhận được "biên bản công bố công khai quyết định thanh tra của Tổng cục Thuế về việc xử lý vi phạm về thuế qua thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế, thời kỳ thanh tra năm 2017".

Theo quyết định, tổng số tiền truy thu thuế, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp theo doanh thu trừ chi phí, tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp thuế hơn 3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phía Đất Xanh cho rằng, thực tế, công ty đã nộp vào ngân sách trước thời điểm kết luận thanh tra hơn 2,2 tỷ đồng trong tổng số 3 tỷ đồng trên.

Đất Xanh tiền thân là Công ty TNHH Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh được thành lập năm 2003 với vốn điều lệ ban đầu là 800 triệu đồng. Năm 2007 được đổi thành Công ty cổ phần mở rộng hoạt động sang lĩnh vực đầu tư với hàng loạt dự án có quy mô lớn, diện tích hàng trăm hecta, vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tủy đồng như: Khu đô thị Dịch vụ - Du lịch - Sinh thái Giang Điền, Khu đô thị Thung Lũng Xanh, The Morning Star Plaza,..

Đến năm 2011 chính thức chuyển đổi hoạt động theo mô hình tập đoàn với việc thành lập nhiều công ty con, công ty liên kết ở khắp cả nước.

Khánh An – Thanh Thanh (T/H)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load