(Xây dựng) - Vừa qua, Trường Đại học Quy Nhơn phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Điện Lực, Trường Đại học Thương mại, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tiến hành tổ chức hội thảo khoa học quốc gia: “Tăng trưởng xanh – Tái cấu trúc doanh nghiệp thời Covid” nhằm tạo diễn đàn để liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với cộng đồng các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, thực tiễn về quản trị trong các doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng dịch bệnh toàn cầu.
PGS.TS. Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn phát biểu khai mạc phiên tư vấn doanh nghiệp. |
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu toàn cầu, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu với tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành và thực hiện đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững đất nước. Bên cạnh đó, năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng đến nền kinh tế thế giới, làm thay đổi cả xu hướng sản xuất, tiêu dùng của các quốc gia. Với Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bài toán tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc sản xuất đang là vấn đề mang tính thời sự và cấp thiết.
Hiện nay, mặc dù dịch Covid-19 ở Việt Nam đã được khống chế, hoạt động sản xuất và tiêu dùng đã dần trở lại trạng thái “ổn định và bình thường mới” song nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu cho sản xuất, vốn cho hoạt động kinh doanh, tuyển dụng nhân sự quay lại làm việc, thị trường tiêu thụ…
Điều này cho thấy, qua cuộc khủng hoảng lần này, một trong những vấn đề bức thiết đặt ra là các doanh nghiệp cần phải thực hiện một cuộc tái cấu trúc, từ chiến lược, tài chính, nhân sự, hệ thống quản lý đến văn hóa doanh nghiệp. Bởi vì, thực tế có nhiều chủ doanh nghiệp lo chạy theo những đơn hàng, những sự vụ công việc hàng ngày mà không để ý tới việc xây dựng hệ thống quản trị, nên khi xảy ra những biến cố thì doanh nghiệp rất khó để chuyển mình thích ứng nhanh với hoàn cảnh khó khăn hay bối cảnh kinh doanh mới, …
Vì vậy, Phiên tư vấn doanh nghiệp diễn ra trong chuỗi sự kiện của hội thảo là nhằm đóng góp các nghiên cứu để giải quyết các vấn đề thời sự trong nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong tái cấu trúc, tăng cường quản trị và phát triển doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững hậu Covid-19; Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán, kiểm toán, tài chính của các nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên và hướng tới ứng dụng triển khai thực tế vào doanh nghiệp.
TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh trình bày tư vấn tại hội thảo. |
Mở đầu cho Phiên tư vấn doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chia sẻ: Dịch Covid-19 đang tác động rất mạnh đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là lĩnh vực du lịch. Dịch Covid-19 cũng đã phá vỡ nhiều chuỗi liên kết và buộc các doanh nghiệp phải tiến hành tái cấu trúc các chuỗi cung ứng mới, điều này là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp tại Việt Nam trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đó, đặt ra tám nỗ lực cho các doanh nghiệp: Tìm kiếm cơ hội kinh doanh, Kết nối cùng chấp nhận cạnh tranh, Chuyển động cùng cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, Đối thoại và ứng xử theo luật, Huy động vốn trong một thị trường tài chính đa dạng, phức hợp và tinh xảo, Xây dựng thương hiệu và trách nhiệm xã hội, Đồng hành cùng Chính phủ và Quản trị sự bất định/rủi ro.
Từ đó, đề xuất các doanh nghiệp để phát triển bền vững cần chú trọng đến: Sáng tạo sản phẩm mới và marketing, Thay đổi kỹ năng và ứng xử với người lao động, Định hình lại phương thức sản xuất kinh doanh, Chú trọng đa dạng hoá lĩnh vực đầu tư và phương thức kinh doanh, Đề cao sự quản trị bất định và chủ động ứng phó rủi ro.
TS. Nguyễn Văn Đức – Phó Tổng Giám đốc Công ty Picenza Việt Nam, Phó Trưởng khoa Ngân hàng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trình bày tư vấn tại hội thảo. |
Cũng tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Đức – Phó Tổng Giám đốc Công ty Picenza Việt Nam, Phó Trưởng khoa Ngân hàng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã có nội dung trao đổi về: Đổi mới và sáng tạo trong quản trị nội bộ nhằm nâng cao năng suất và tiềm lực cho doanh nghiệp hậu Covid-19. Nội dung tư vấn đề cập đến: Đổi mới tư duy lãnh đạo & quản lý doanh nghiệp.
Phần trao đổi đã có nhiều ý kiến về đổi mới trong công tác quản lý và điều hành thời Covid. Ông Lê Phương – Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bình Định cho rằng, các doanh nghiệp đang đối mặt với hai vấn đề là tạm thời giảm hoạt động để xem xét tình hình hậu Covid để đưa ra các quyết sách phù hợp nhưng cũng đang đối mặt với vấn đề là khả năng không đạt mục tiêu kinh doanh, vì thời gian không còn nhiều cho niên độ năm 2020. Vì vậy, ông đã đề nghị các chuyên gia cần phải tư vấn Chính phủ, chính quyền các địa phương để đưa ra các chính sách phù hợp và phải dễ hiểu, rõ ràng để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và áp dụng, nhất là các gói hỗ trợ doanh nghiệp. Vì nếu cứ để các doanh nghiệp tự lướt theo sóng để kinh doanh trong thời Covid sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và thậm chí có thể dừng hoạt động không biết khi nào trong tương lai,…
Bà Nguyễn Thị Mộng Duyên - Công ty Cổ phần Hồng Hà Bình Định cũng đề xuất các chuyên gia cần tư vấn sâu hơn về các giải pháp để thu hút khách hàng và tạo động lực cho nhân viên trong bối cảnh Covid vẫn có nguy cơ tái phát và có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh…
Ban tổ chức đã ghi nhận các ý kiến của các doanh nghiệp và các chuyên gia đưa ra tại hội thảo về giải đáp và tư vấn thỏa đáng cho doanh nghiệp.
PGS.TS. Lê Anh Tuấn và TS.Võ Trí Thành đại diện các đơn vị đồng tổ chức tặng hoa và kỷ niệm chương cảm ơn các nhà tài trợ. |
Kết luận tại phiên tư vấn, PGS.TS. Lê Anh Tuấn – Trường Đại học Điện Lực, thành viên đoàn chủ trì đã thay mặt Ban tổ chức tổng kết các kết quả đạt được tại phiên tư vấn và đề xuất các doanh nghiệp trong thời gian chờ ứng cứu, hỗ trợ từ phía Chính phủ; các doanh nghiệp cần chủ động tự ứng cứu mình thông qua việc tự tái cấu trúc lại hoạt động kinh doanh - mạnh dạn loại bỏ những hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, tái cấu trúc đội ngũ nhân sự cho tinh nhuệ và thiện chiến trong công việc, thúc đẩy hoạt động bán hàng, tìm kiếm và gia nhập các chuỗi giá trị mới… Đồng thời, trân trọng cảm ơn sự tham gia tích cực, đầy trách nhiệm của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp vì sự phát triển của khoa học kinh tế nói chung và tăng trưởng xanh nói riêng.
Tiếp nối chuỗi hoạt động của hội thảo khoa học quốc gia: “Tăng trưởng xanh – Tái cấu trúc doanh nghiệp thời Covid”, chiều 10/10/2020, Trường Đại học Quy Nhơn phối hợp cùng với Trường Đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Điện Lực, Trường Đại học Thương mại, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tiếp tục tiến hành tổ chức phiên thứ hai của hội thảo về thảo luận chuyên môn nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, các giảng viên của các trường chia sẻ các kết quả nghiên cứu và thảo luận các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh.
Phiên thứ hai của hội thảo được diễn ra với sự tham gia của nhiều giảng viên, nhiều nhà nghiên cứu của các đơn vị đồng tổ chức, các trường đại học, cao đẳng, đại diện các sở/ban ngành và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Hội thảo đã tiến hành thảo luận rất sôi nổi về các chủ đề đã trình bày như quan điểm về vốn trí tuệ, phương pháp nào đo lường tối ưu hay sự khác biệt giữa vốn trí tuệ với cảm xúc trí tuệ, tầm quan trọng của vốn trí tuệ so với vốn tài chính, hay quan điểm về đổi mới sáng tạo gắn với tăng trưởng xanh và các nhân tố ảnh hưởng trong các doanh nghiệp đặc thù, hoặc phương pháp quản trị tài chính trong bối cảnh môi trường nhiều biến đổi, và các vấn đề về tăng trưởng xanh,…. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu còn trao đổi và chia sẻ thêm về các vấn đề có liên quan đến phương pháp lấy mẫu nghiên cứu, các phương pháp nghiên cứu và các mô hình nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh.
Quang cảnh phiên tư vấn doanh nghiệp. |
Kết luận tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền đã thay mặt Ban tổ chức tổng kết các kết quả đạt được và đề xuất các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học cần tăng cường kết nối trong nghiên cứu, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, các nhóm nghiên cứu liên trường, liên ngành để gia tăng chất lượng nghiên cứu và công bố quốc tế, thúc đẩy nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn kinh tế - xã hội và doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy các nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa hướng đến tăng trưởng xanh.
Đồng thời, PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền cũng đề xuất các nghiên cứu cần chú trọng đến tăng trưởng xanh hậu Covid, tăng trưởng xanh gắn với số hóa trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, trân trọng cảm ơn sự tham gia tích cực, đầy trách nhiệm của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp đã tham gia viết bài và tham dự hội thảo.
Hạ Ly
Theo